Trong một năm có rất nhiều ngày đáng nhớ. Có những ngày mang ý nghĩa trọng đại, thiêng liêng nhưng cũng có những ngày mang tính hài hước, trêu đùa. Ngày cá tháng Tư - Ngày nói dối là một trong những ngày như thế. Ngày cá tháng Tư năm nay làm ta bồi hồi nhớ lại những lời nói dối của mẹ. Mẹ nói dối nhưng không phiền lòng ai, mẹ nói dối để con được chở che, mẹ nói dối mà lòng vẫn trĩu nặng yêu thương. Hôm nay, nhớ đến những lời nói dối của mẹ, ta cảm thấy yêu thương, trân quý đến ngậm ngùi.
Ngày cá tháng Tư, hay Ngày nói dối là một phong tục hàng năm vào ngày 1 tháng Tư dương lịch bao gồm những trò đùa và trò lừa bịp vô hại, trò chơi khăm đánh lừa người khác nhằm mục đích mua vui cho bản thân và mọi người mà có thể không chịu những lời chỉ trích, tác hại nào. Trong ngày này, những người thích đùa thường cố gắng lừa những người thân, bạn bè của họ tin vào điều gì đó không đúng sự thật, nhưng một cách vô hại, hài hước và không có nghĩa lừa lọc hoặc khiến người khác bực bội. Sau màn đùa và lừa, người đùa thường hét lên Cá tháng Tư để giải tỏa thắc mắc và tiết lộ trò đùa. Truyền thống về Ngày cá tháng Tư tồn tại ở hầu hết các nước châu Âu cũng như Bắc Mỹ.
Ở xứ người, ở trời Tây là thế và ở nước ta, những năm gần đây, Ngày cá tháng Tư cũng được nhiều người biết đến, hưởng ứng và áp dụng đặc biệt là giới trẻ. Riêng mẹ tôi, mặc dù chưa hề biết đến Ngày cá tháng Tư nhưng mẹ đã thực hành nó một cách đều đặn, đặc biệt là trong hành trình nuôi những đứa con của mình khôn lớn. Nhà có sáu chị em, mẹ tôi chưa một lần để cho đứa nào bị đói cơm, rách áo. Ngày đó, vì cái nghèo, cái khó cứ đeo bám mãi nên rất nhiều gia đình ở làng tôi đều phải ăn cơm độn với khoai, với sắn. Khoai, sắn là chính, cơm là phụ. Vậy mà mẹ lại “giành” ăn khoai, còn cơm thì để lại cho các con mình. Chị em tôi - những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn cứ hồn nhiên ăn cơm mà quên đi rằng mẹ đã cố gắng nuốt từng củ khoai, miếng sắn để nhường cơm cho con. Khi được hỏi: Sao mẹ không ăn cơm? Câu trả lời khiến chị em chúng tôi ngỡ ngàng là vì: Mẹ không thích, mẹ ăn khoai, ăn sắn quen rồi.
Nhà nghèo, không đầu hàng số phận, không để cái nghèo làm teo con chữ, mẹ phải tất bật làm mọi việc để nuôi con. Để gia cảnh không lâm vào cảnh khốn cùng, không còn những tiếng thở dài trong mùa giáp hạt, một mình mẹ cáng đáng tất cả. Dậy từ bốn giờ sáng với gánh rau màu cong như phận đời của mình để kịp phiên chợ quê, về tới nhà, khi những đứa con vẫn tròn giấc ngủ. Bao lần hỏi: Sao mẹ đi chợ sớm vậy? Câu trả lời đầy “dối trá” từ người mẹ quê ấy vẫn là: Mẹ lớn rồi, mẹ không buồn ngủ.
Thứ tình cảm không bao giờ vơi cạn có lẽ chính là tình yêu thương của mẹ. Trời miền Trung nắng như rang nhưng mẹ vẫn phải gánh lúa. Trên khuôn mặt khắc khổ đầy những lo toan ấy đã lấm lem mồ hôi. Vậy nhưng, khi đứa con hỏi rằng: Mẹ gánh lúa có nặng không? Người phụ nữ ấy trả lời dứt khoát: Không nặng, mẹ không mệt.
Mẹ là thế. Cả một đời tần tảo nuôi con, vì chồng, hy sinh thân mình để đổi lấy sự đủ đầy cho con. Cũng vì thế mà những lời nói dối của mẹ ngày càng nhiều hơn, trong nhiều hoàn cảnh, nhiều tình huống, mẹ đều nói dối được. Không có cơm ăn, mẹ bảo no rồi. Không có tiền mua quần áo mới, mẹ bảo không thích. Thức khuya, dậy sớm, mẹ bảo mẹ không mệt, sinh nhật của mình, mẹ bảo mẹ không nhớ ngày…
Vậy đó, còn nhiều lắm những lời nói dối của mẹ mà đến khi khôn lớn ta mới hiểu được ý nghĩa cao quý từ những lời nói ấy. Lời nói dối ấy xuất phát từ tình yêu thương con vô hạn của những người mẹ. Mẹ tôi hay mẹ bạn và rất nhiều người mẹ trên trái đất này cũng đã hơn một lần nói dối để con mình được an yên, được hạnh phúc. Mẹ nói dối mà không ngượng ngùng bởi mẹ nói dối để các con của mình được lớn khôn, trưởng thành. Lời nói dối của mẹ đã gieo vào lòng con mình những thiện lành: Đó là lời nói dối ngọt ngào.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin