Tôi không phải là người Đà Lạt mà chỉ là kẻ “ở trọ” trên phố núi, vậy mà thiên nhiên hữu tình, phong cách của con người nơi đây đã làm tôi cảm, tôi mến để rồi khi nghĩ về thành phố này, tôi đã dành cho phố núi với đủ đầy những cung bậc cảm xúc.
Với tôi, đến Đà Lạt, đó không chỉ là chuyến đi mà là hành trình chạm vào trái tim một thành phố, làm tôi đắm chìm trong sự thanh bình và vẻ đẹp tự nhiên của vùng đất này. Thế nhưng, ngoài nét đặc trưng của khí hậu với 4 mùa trong 1 ngày, ngoài “bảo tàng hoa” đầy sắc hương và những rừng thông xanh tít tắp, Đà Lạt thu hút lữ khách với những lý do khác nữa. Đó chính là vẻ đẹp nội tại mà cư dân của vùng đất này tạo ra. Người Đà Lạt Hiền hòa - thanh lịch - mến khách cũng là một trong những yếu tố làm cho phố hoa trở nên hấp dẫn và đáng yêu hơn trong mắt bạn bè trong nước và quốc tế. Hiếm có nơi nào trên đất nước ta mà phong cách của người dân được báo chí và truyền thông, chính quyền địa phương và người dân bàn nhiều đến như vậy.
Mỗi người đến với phố núi Đà Lạt bằng những lý do khác nhau, tôi đã dành cho vùng đất này những ân tình, trong đó nét phong cách Thanh lịch - hiền hòa - mến khách của người Đà Lạt vẫn là thứ tình cảm ấm áp, nồng nàn trong tôi đến lạ.
Hiền hòa không chỉ là nét riêng của người Đà Lạt mà đó chính là phong cách, đặc tính vốn có của người Việt Nam. Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, người Việt Nam luôn lấy sự hiền hòa làm tiêu chí hàng đầu. Truyền thống ấy được hình thành, hun đúc từ trong quá khứ để đến hôm nay người Đà Lạt phát huy một cách tích cực. Đà Lạt với khí hậu ôn hòa và cảnh đẹp thiên nhiên tuyệt vời. Môi trường sống tích cực có tác động tốt đến tâm hồn và tâm trạng của người dân, tạo ra một tinh thần hiền hòa là điều dễ hiểu.
Nét thanh lịch của người Đà Lạt, phải chăng đây chính là đặc tính được hình thành trong mỗi người dân và hơn thế nó có được từ lối sống hòa với thiên nhiên, núi rừng của con người phố núi. Đà Lạt là một điểm đến du lịch, người dân tiếp xúc với nhiều văn hóa khác nhau. Quá trình giao thoa văn hóa tạo ra sự hiểu biết và tôn trọng đối với sự đa dạng này, đó cũng là điều kiện để phong cách sống thanh lịch của người Đà Lạt được phát huy.
Người Đà Lạt thanh lịch đó chính sự lịch lãm, tinh tế trong ứng xử, phong thái nhã nhặn của người Hà Nội đang sinh sống ở cao nguyên này; sự sâu sắc của những người con xứ Huế ở các ấp, các làng như Thái Phiên, Ánh Sáng. Những nét đặc trưng ấy được thể hiện qua cách ăn mặc, lời nói và ứng xử, đặc biệt nhất là qua cách ăn mặc của người dân. Với khí hậu lạnh, nhiệt độ thấp nên phong cách ăn mặc của người Đà Lạt cũng khác so với những vùng, miền trên đất nước hình chữ S. Người dân Đà Lạt ăn mặc lịch sự, áo khoác, măng tô hay áo len là những trang phục mà ta thấy nhiều nhất mỗi lần đi ra đường, ra ngõ.
Hiền hòa - thanh lịch thôi chưa đủ, người Đà Lạt còn rất mến khách. Sự mến khách của người Đà Lạt được thể hiện rõ ràng trong những dịp lễ, tết khi khách du lịch đến với phố núi ngày càng đông. Có nơi nào như vùng đất này khi vào mùa tết, lễ, hội, người dân sẵn sàng cho khách về nhà mình ở miễn phí như ở Đà Lạt? Có nơi nào như ở Đà Lạt, trong những ngày Tết đến, xuân về, người dân địa phương hạn chế đi lại bằng ô tô để nhường đường cho du khách nhằm tránh ùn tắc giao thông?
Vậy đó, người Đà Lạt là thế. Người Đà Lạt Hiền hòa - thanh lịch và mến khách có lẽ là thứ đặc sản khó phai mờ trong mắt bạn bè trong nước, quốc tế. Phong cách người Đà Lạt chính là điều làm nên hồn cốt, làm nên cái chất rất riêng của phố núi. Đây là điều mà tôi, bạn rất tự hào khi được sống, làm việc và được là một công dân trên vùng đất này.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin