Minh họa: Phan Nhân |
Tôi là thứ đàn bà câm điếc - nói theo ngôn ngữ của chồng. Nhiều lúc hết thiết sống. Cưới nhau hai năm không thể sinh con, anh đục đẽo sáng tối. Hết chịu nổi, tôi quyết định khăn gói vào bệnh viện thành phố, đi một mình vì đợi chồng đã đằng đẵng. Không còn chút hy vọng nhỏ nhoi nào. Bác sĩ nói tôi bị suy buồng trứng, không có khả năng sinh con. Buồn. Thảm. Bác sĩ bảo cảnh ngộ này không chỉ riêng tôi rồi khuyên nhận con nuôi. Tôi cười rất tự trào. Cùng lúc có người nói nhỏ, chồng có bồ nhí rồi. “Có bồ nhí” nhưng vợ ghen là ngược ngạo. Anh cấm tôi ghen. Không thể được. Với tôi, xin lỗi, mọi thứ trên đời đều có thể chung chạ nhưng tình yêu thì nhất quyết không. Anh không từ bỏ người đàn bà đáng tuổi chị, thì tôi đành phải tự nguyện rút lui vậy.
Nhận quyết định từ tòa (là người chủ động nhưng bên thua cuộc đích thị là tôi), bèn thê thảm ngồi khóc. Là một sự sắp đặt của đấng Vô Hình chăng? Bác Ba nhà bên đi làm, ẵm về một đứa trẻ bị bỏ rơi trong vườn keo, mặt mũi xinh xẻo nhưng còn đỏ hỏn. Tôi xin được nuôi cô bé thiên thần. Em gái tôi - một y tá - hét:
- Muốn sống cho người khác, phải nghĩ tới mình trước. Thân mình không chịu lo thì lo được cho ai. Không khéo lại làm khổ bé lần nữa.
Ok, tôi sẽ vào viện, sẽ chữa cho hết căn bệnh dạ dày, thoát vị đĩa đệm và đau khớp gối. Rồi tôi sẽ là một người đàn bà… hữu dụng.
Nhờ có động lực mà lần này tôi đi viện với tâm trạng thoải mái hơn. Hết những ngày căng não rồi. Không còn nghe những lời chỉ trích, mạt sát thậm tệ của chồng, không còn khó chịu với cảm giác phừng phừng, nóng xé của trái ớt cay nữa. Vụ này nói nghe, chồng chửi tôi đàn bà ghen tuông nhưng xin thề, khi phải nổi cơn ghen thì đó là lúc lòng thấy khổ sở nhất, bị trời hành chứ chẳng ích sướng chi đâu. Nhưng giờ xong hết rồi. Đã không còn tình yêu, không dành cho nhau sự tôn trọng nữa thì ly hôn là lựa chọn đúng đắn. Giải thoát cho nhau, người nào cũng nhẹ gánh. Đôi khi, chia tay cũng là một loại… hạnh phúc.
Kì thực tôi rất sợ nhà thương. Từ hai lần nằm viện dài ngày, hễ nhắc đến nó là mũi tôi tự động nhíu lại. Tôi sợ mùi thuốc, tôi hãi những cây kim tiêm, tôi ám ảnh tiếng xe cứu thương. Nhưng nay thì không nghĩ như vậy nữa. Vào viện để tìm hy vọng và bình an. Lúc ôm hành lí ra bến xe buýt, lòng nhẹ nhõm. Tôi bỏ lại tất cả những nỗi niềm, bỏ lại quá khứ tồi tàn, bỏ bé Thiên Thần cho em gái trông dùm. Hôn bé con, tôi cười... một giọt nước mắt vạch ngang trên má khi nghĩ ngày về sẽ được ôm con vào dạ.
Xe chạy, đã gần đến bệnh viện tỉnh, tôi nhận điện thoại của một người bạn học. Bạn giới thiệu một địa chỉ tư nhân trị được bệnh này ở Nha Trang. Bạn lấy mình ra đảm bảo, đã điều trị ở đó hai tháng và bớt rõ, mà nếu không trị được dứt điểm cũng giúp được người bệnh có thể “sống chung với lũ”. Nhớ về hành trình ra vô bệnh viện hết tỉnh đến thành phố của bạn nên tôi đồng ý theo hướng dẫn.
Khu điều trị của bác sĩ Đông y (tư nhân) nhưng cung cách như một bệnh viện mini. Bệnh nhân ở xa, điều trị dài ngày được bố trí chỗ ăn ở thành một khu riêng. Tôi thấy khá ổn. Không quá ồn ào, không phải nghe tiếng xe cứu thương rùng rợn cùng tiếng gào khóc thương tâm của bệnh viện, thật tiện đôi đường.
Càng đẹp hơn khi nơi này gần biển.
Từ đầu đã nói không buồn nhưng giờ nhìn đâu cũng muốn trào nước mắt. Một mình, tôi cô đơn, lạc lõng.
Tờ mờ sáng tôi đã dậy. Thất thểu và nặng nề ra hành lang ngồi trầm mặc, nhìn xa xa về hướng sóng vỗ. Một vài bệnh nhân lớn tuổi cũng dậy sớm. Nhìn các cụ bà chân đi cà nhắc và chệnh choạng nhưng có các cụ ông vững chãi dịu dàng đi bên làm tôi chạnh lòng. Tôi đang chới với cùng bệnh tật. Tôi đang cô đơn đến tận cùng, tôi thèm được như vợ chồng già kia biết bao. Nhắm mắt để khỏi phải thấy cái hình ảnh đẹp đẽ ấy nữa. Nhắm mắt để biết mình đang tồn tại, để biết mình chẳng còn ai và để biết mình phải mạnh mẽ đến dường nào. Đôi mi khép chặt vẫn không ngăn được hàng nước mắt.
Bác sĩ điều trị tôi là một người đứng tuổi. Anh đã qua tuổi năm mươi nhưng nhìn anh không ai đoán nổi tuổi anh. Bác sĩ Thiên Bảo - một cái tên đẹp. Anh cũng đẹp, lịch lãm và nam tính. Khi hỏi về bệnh tình tôi, anh tập trung chuyên môn tối đa nhưng không giấu được vẻ chín chắn, trầm tĩnh và còn rất thân thiện. Tôi không còn nỗi lo một mình ở nơi xa lạ nữa. Anh cho người ta cảm giác an toàn.
Bác sĩ Thiên Bảo giúp tôi trong các bài tập vật lí trị liệu. Mỗi lần tay anh chạm vào tay, vai và lưng, tôi khá đau nhăn nhó nhưng anh dỗ: từ từ, ráng một chút, sẽ qua ngay, nhanh thôi. Lời nói có tác dụng như liều thuốc giảm đau, tôi thấy dễ chịu hẳn sau mỗi bài tập. Anh tận tụy, những lúc không phải giờ điều trị nhưng anh vẫn ghé phòng hỏi han mọi thứ, từ sinh hoạt đến ăn uống, có chỗ nào bất tiện thì báo để anh điều chỉnh. Không phải riêng tôi mà thái độ tử tế đó, anh dành cho tất cả bệnh nhân.
Mấy chị cùng phòng thì thầm với nhau về bác sĩ, chút thông tin ít ỏi về đời tư của anh mà mấy chị đã nghe lóng ở đâu đó. Tôi, đương nhiên cũng không ngoại lệ, không sáp lại chuyện trò nhưng vờ đọc sách và dỏng tai nghe.
Nghe đâu anh không thể tìm được người nối dõi. Hiện giờ còn đang mắc bệnh hiểm nghèo. Nhưng kì lạ, luôn niềm nở và luôn nở nụ cười trên môi. Mọi người sợ chạm vào chỗ đau của anh nên cũng thân thiện theo nhưng anh vẫn không ngại phơi bày niềm đau, anh xem đó là bản chất sâu thẳm của cuộc đời. Mình có nghĩa vụ trân quý sự sống của mình, cho đến khi tuổi trời đã mãn. Liệu bạn có hình dung được cảm giác của tôi lúc đó? Sững sờ, chết lặng. Và cả ăn năn nữa.
Ngày hôm sau, bác sĩ vào châm cứu, hướng dẫn tập vật lí trị liệu, tôi nhìn anh ngưỡng mộ như một người truyền cảm hứng, chưa bao giờ tôi thấy yêu cuộc sống đến vậy...
Ra khỏi khu điều trị, tôi có cảm giác thật sự ổn. Tôi tìm thuê nhà, tôi làm mẹ “đơn thân”. Rất nhiệt huyết đi làm và vui vẻ khi về nhà. Tôi cố gắng truyền sự lạc quan, yêu đời đến người xung quanh. Cuộc sống này, mỗi ngày đều là ngày cuối cùng nên phải sống thật tốt - tôi xem lời của bác sĩ là tâm niệm đời mình.
Cảm ơn bác sĩ đã kéo tôi ra khỏi lâm mê, đã làm thay đổi óc tôi nhìn, mắt tôi nghĩ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin