Minh họa: Phan Nhân |
“Một ngón tay nhúc nhích, nhúc nhích. Hai ngón tay nhúc nhích, nhúc nhích. Ba ngón tay nhúc nhích, nhúc nhích”…
Ban đầu Ngân muốn nói với mẹ là bài hát ấy đơn giản quá, nhàm chán quá, chẳng có gì hay. Mà cũng có lợi ích gì đâu nào. Những ngón tay của Ngân vẫn mềm èo như cục bột nhũn nước, đâu thể nhúc nhích nhúc nhích theo câu hát mời gọi của mẹ. Bên ngoài cửa sổ, tiếng mưa tí tách như thể một điệu nhạc đệm thêm theo câu hát của mẹ. Buồn càng thêm buồn. Tẻ nhạt càng thêm tẻ nhạt. Thế giới của Ngân và mẹ đôi khi cứ như hai đường thẳng song song. Bao điều mẹ thấy thú vị, Ngân thấy vô vị, và ngược lại. Người lớn thấy thật khó hiểu về thế giới trẻ tự kỷ, nhưng Ngân hay những đứa trẻ tự kỷ như mình chẳng bao giờ quan tâm thế giới bình thường song song bên mình kia có khó hiểu hay không. Có bao nhiêu việc cần làm, thay vì phải ngồi để hiểu về nơi mà mình không thể bước chân vào. Như sáng nay, Ngân dành cả buổi sáng để ngắm nhìn, trò chuyện cùng đám hoa mười giờ mới nở, chiều lại bận dõi mắt xem đàm kiến khiêng thức ăn về tổ của chúng ở đâu đó cuối dãy bờ tường… Việc nào cũng đầy thú vị, dù nhìn Ngân thi thoảng mẹ lại nén tiếng thở dài.
Ở góc nhà, chú Ngọc ngồi đọc sách. Chú nhẫn nại chờ mẹ chơi với Ngân xong, dỗ dành Ngân vào giấc ngủ. Và khi Ngân bắt đầu lơ mơ đi vào giấc ngủ thì mẹ mới có thể quay qua hỏi han trò chuyện với chú dăm câu. Giấc ngủ của Ngân thấp thoáng những lời thương yêu dịu ngọt của mẹ và chú.
Chú N., chú S., chú H… nhiều chú đã không thể nhẫn nại. Có vài người nói yêu mẹ, muốn quan tâm tới mẹ. Ngân đã thoáng lo sợ khi không ai nhắc tới sẽ lo cho Ngân. Nhưng rồi, hết thảy đến rồi đi, ngang qua cuộc đời hai mẹ con. Người dăm tháng, người dăm tuần, có người chỉ dăm ba ngày. Người lâu nhất là chú Ngọc được nửa năm. Chú Ngọc ấn tượng với Ngân bởi vẻ tháo vát, nhanh nhẹn. Hôm trước vừa thấy chú bắc thang lên mái nhà để lợp lại ngói giúp mẹ trước mùa bão về, hôm sau chú đã sửa lại hết một loạt dây điện cũ, ống nước cũ. Chú là người duy nhất chịu chơi với Ngân. Những người khác thường nhìn Ngân như thương hại, ngại ngần, dè chừng, có người không giấu được cái nhíu mày không vừa ý. Chỉ chú Ngọc thường đi ngang hỏi bé Ngân khỏe không, bé Ngân vui không, đêm qua ngủ ngon không… Chẳng bao giờ nghe Ngân trả lời nhưng chú vẫn vui vẻ gục gặc đầu, nheo nheo mắt nhìn. Có hôm chú còn ngồi ngắm hoa mười giờ rất lâu cùng Ngân. Điều đó khiến Ngân vui lây, đôi khi bất giác mỉm cười đáp lại… Có chú, mẹ cười nhiều hơn. Ngân cũng cười nhiều hơn.
Sau những cuộc gặp gỡ, mẹ vẫn thường hát câu: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi suốt cuộc đời lòng mẹ vẫn theo con”. Giọng hát trầm ấm của mẹ khiến Ngân hết lo ngại việc mẹ có thể bỏ Ngân mà đi lấy chồng. Ngân chỉ cảm thấy có chút buồn phiền mơ hồ trong mắt mẹ.
Những cuộc gặp gỡ, hẹn hò thưa dần, thưa dần rồi vắng hẳn. Hôm chú Ngọc rước cô dâu mới về khu tập thể, đi ngang nhà Ngân, cô ngó ra nhìn. Khi xe chầm chậm lướt ngang qua, chú Ngọc có nhìn Ngân cười rất buồn. Lúc ấy, mẹ còn lúi húi nấu cơm chiều sau bếp. Lúc đi lên, Ngân thấy mắt mẹ ươn ướt. Không biết vì mẹ cũng biết xe hoa vừa về ngang nhà hay vì khói bếp bay lên mắt.
* * * * *
Khi những đứa nhỏ cùng tuổi Ngân đều đã biết đi ở tuổi thôi nôi thì Ngân vẫn chỉ biết ngồi. Ngồi và im lặng, không u uơ điều gì. Mẹ hốt hoảng bế đi khắp các bác sĩ Tây y đến Đông y, tìm cả thầy cô can thiệp trẻ tự kỷ. Cửa ở chín phương thì hẳn mẹ phải gõ tới mười hướng. Gõ luôn cửa nhà những ông lang mà người ta gọi rẻ rúng là “lang băm”. Chỉ hy vọng có một nơi đúng bài đúng thuốc để Ngân có thể bình thường như những đứa nhỏ khác. Mẹ không thôi hy vọng, dù bất cứ bác sĩ nào cũng lắc đầu khẳng định Ngân sẽ không thể đi đứng bình thường chứ đừng mơ chi chuyện nói năng.
Đôi khi Ngân nghe vài người lớn xầm xì, kể cho nhau rằng ai bảo hồi mang thai, “mẹ nó” cột chặt bụng giấu bầu làm chi. Lại còn đuểnh đoảng đẻ rớt con trong nhà vệ sinh công cộng nữa chớ. Nó bị vậy là quả báo cho những tháng ngày nông nổi của mẹ nó… Chắc đó là nguyên nhân tạo ra con nhỏ dặt dẹo không ra giống người. Mọi người nói thản nhiên như không hề có sự có mặt của Ngân. Người ta còn nghĩ Ngân điếc. Vì điếc mới câm. Họ nghĩ đơn giản vậy và thản nhiên cầm muối xát thẳng vào vết thương của con nhỏ không thương tiếc. Nhưng câu chuyện dường như không bao giờ kết thúc khi chỉ dăm ba câu dang dở là mẹ đã có mặt ngay sau đó để chấm dứt mọi lời đàm tiếu. Ngân muốn hỏi mẹ tại sao mà không thể. Nhìn mẹ tất tả bế ẵm, Ngân đã bắt đầu trổ dáng khềnh khàng, Ngân thấy thương nhiều hơn giận. Ở tuổi lên bảy, Ngân vẫn cần có mẹ bế ẵm. Tuổi đó, có đứa nhỏ nào cần mẹ bế ẵm nữa đâu.
Ngân 10 tuổi, bài hát ngón tay ngoan vẫn được hai mẹ con chơi mỗi tối. Khác với những ngày trước, ngón tay Ngân đã có thể nhúc nhích theo điệu nhạc mẹ hát. Giọng Ngân hơi méo mó nhưng vẫn có thể ê a theo mẹ. Và chỉ một năm sau đó, cả bàn tay đã có thể cầm nắm, bàn chân đã có thể đứng vững và nhờ mẹ dìu, Ngân có thể bước những bước đầu tiên. Ngân đã bắt đầu hát được tròn những từ đơn giản. Hai mẹ con đã có thể chay dọc bờ biển, đi tìm những hạt cát tròn trịa mịn màng về làm tranh cát. Mẹ dạy Ngân cách nhuộm màu cát, cách làm tranh cát.
Những bức tranh cát của Ngân dần được nhiều người biết tới. Chính mẹ cũng bất ngờ vì những bức tranh cát của con gái sống động, lung linh và có hồn. Không ít lần, mẹ nhìn bức tranh Ngân vừa hoàn thiện mà không giấu được nước mắt xen lẫn nụ cười. Hai mẹ con có thể mở một ki-ôt nho nhỏ trưng bày và bán những bức tranh cát Ngân làm ra.
* * * * *
Ngân vẫn nhớ những lời đàm tiếu năm xưa nhưng không quan tâm tới điều đó từ lâu lắm rồi. Lúc mới nghe, Ngân giận mẹ, muốn hỏi mẹ thì không nói năng chi được. Khi đã nói được thì câu chuyện ấy không quan trọng với Ngân nữa. Những gì mẹ dành cho Ngân quan trọng hơn nhiều. Đôi khi sực nhớ lại, Ngân nghĩ đó chỉ là một tai nạn không vui, chắc rằng mẹ không muốn nhắc.
Bất ngờ, người đàn bà đẻ rớt con trong toilet công cộng ngày nào quay về. Cô quay về với người chồng năm xưa. Ngân sửng sốt khi biết mẹ chỉ là mẹ nuôi mình. Người buộc bụng giấu bầu, đẻ con trong toilet lại là cô gái tóc nhuộm màu hạt dẻ, móng sơn thẫm đỏ, trang điểm kĩ càng trước mặt Ngân lúc này. Ngân được mẹ kêu lại ngồi nghe để có thể đưa ra quyết định cuộc đời mình. Mẹ chỉ là bạn cùng phòng trọ với cô ấy. Bố mẹ đẻ của Ngân đấy, giờ đã là chủ nhà hàng dành cho người Việt ở Đức. Họ có cơ ngơi nhưng không có con cái để thờ tự. Khi biết con nhỏ quặt quẹo như củ lạc từ lúc sinh ra năm xưa giờ đã lành lặn thì tìm về xin lại. Nếu gật đầu, Ngân sẽ có cả sản nghiệp trong mơ cũng chưa từng thấy.
Ngân không quá khó khăn để đưa ra quyết định:
- Con bé ngày đó đã chết lâu lắm rồi cô chú ạ. Con bé ngày đó các bác sĩ nói nó không thể đi đứng được, đừng mơ chi nói cười. Có con ngày hôm nay là nhờ mẹ con. Con không bao giờ đi vì con không còn là con bé đó…
Đêm ấy, mẹ choàng tay qua ôm Ngân khi chuẩn bị ngủ. Giọng mẹ thầm thì:
- Mẹ đã lựa chọn con. Và mẹ đã chọn đúng.
Ngân nhắc mẹ khúc hát con cò. Mẹ ầu ơ nhẹ bẫng: “Dù ở gần con, dù ở xa con, lên rừng xuống biển cò vẫn tìm con, cò vẫn yêu con. Con dù lớn vẫn là con của mẹ, đi suốt cuộc đời lòng mẹ vẫn theo con”.
Nước mắt nóng hổi ấm nồng lăn đều trên má hai mẹ con. Ngọt ngào và hạnh phúc.
* * * * *
Ngân là nhân vật trong bài báo tôi đang thực hiện. Cô nhỏ vừa đoạt giải cao nhất một cuộc thi tranh cát nghệ thuật trong khu vực năm nay. Một cô bé tự kỷ phi thường mà tôi biết. Khi tôi hỏi Ngân làm sao mà những bức tranh Ngân vẽ nhiều cảm xúc như vậy, khi mà em chưa tới tuổi 20. Chị biết đấy, mẹ em đã biến thật nhiều điều không thể thành có thể bằng yêu thương và niềm tin của mẹ. Chưa bao giờ em thấy hai điều ấy bị dập tắt trong mắt mẹ. Mẹ em đã bỏ qua nhiều cơ hội để lập gia đình như những cô gái khác để lo cho em. Vậy thì em có lí do gì để thất bại?
Trời đổ mưa tầm tã. Tôi nhìn đồng hồ. Đã đến giờ đi đón con. Thằng bé hai năm nay vẫn phải đi học nói. Đôi lúc tôi không giấu được những tiếng thở dài vì nghĩ thằng nhỏ gián tiếp làm phiền mình khi luôn phải ngưng giữa chừng công việc để về đón nó.
Hôm nay mỉm cười nhưng nước mắt lại chảy… Lần đầu tiên tôi thấy một cô nhỏ hai mươi nói với mình rằng, cuộc đời này nhiều chuyện buồn mà, nhưng mình có quyền chọn niềm vui và hy vọng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin