Minh họa: Phan Nhân |
Sáo nằm trên giường, lấy chăn đắp kín nửa thân dưới của mình. Thằng nhỏ nghe thấy tiếng chim chào mào hót đâu đó ngoài vườn, tiếng con gà nhảy ổ và cả tiếng lũ vịt kêu quàng quạc như bị chó dồn. Sáo ngồi dậy, rụt rè vươn tay đẩy cửa sổ mở bung. Như chỉ chờ có vậy, ánh sáng ùa vào tràn ngập khắp căn phòng từng tối tăm kín mít mấy tháng nay. Sáo chầm chậm lật chăn, nhìn xuống một bên chân đã cụt của mình liền vỡ òa nức nở. Buông rổ măng khô xuống đất, Dịu từ ngoài sân chạy vội vào. Ôm chầm Sáo vào lòng, bàn tay chị liên tục xoa lên lưng đứa con bé nhỏ. “Mẹ thương! Mẹ thương! Rồi sẽ ổn thôi con ạ”. Hình như không phải chỉ để nói với con mà chị đang an ủi chính mình. Đã gần bốn tháng kể từ vụ tai nạn kinh hoàng ấy, chẳng đêm nào chị không gặp ác mộng. Sáng ấy, Sáo còn ngồi sau xe mẹ hát véo von. Trên những tán cây xanh, lũ chim chơi trốn tìm rơi xuống vài tiếng hót. Bỗng đâu chiếc xe rơ-moóc chở hàng đi cùng chiều bất ngờ va chạm mạnh khiến xe máy chị loạng choạng đổ vật ra đường. Sáo bị bắn ra khỏi xe đúng tầm bánh xe ô tô, bị nghiền nát một phần cơ thể. Không chỉ vậy, cú va chạm mạnh còn khiến Sáo bị gãy tay phải, bị thương nặng ở vùng bụng và nhiều thương tích khác. Sáo mới vừa tròn sáu tuổi, con còn cả một tương lai phía trước. Vậy mà…
Nhà nằm ngay bên bờ sông Hồng, gió thổi hương phù sa phập phồng trong cánh mũi. Sáo ngồi tựa đầu bên cửa sổ ngó đăm đăm ống khói bên sông. Ngày nào trước khi đi làm, bố cũng nói: “Nếu thấy nhớ bố thì cứ nhìn ống khói của nhà máy xi măng. Đấy là nơi bố đang làm việc”. Hồi trước từng có lần bố hứa bao giờ Sáo lên lớp một sẽ được sang sông chơi một chuyến. Sáo đã từng mường tượng mình sẽ chạy nhanh lên đò, lúc ra giữa sông sung sướng giang tay hét lớn để tiếng của mình vang vọng khắp nơi. Bờ bên lở ngóng sang phía bên bồi mường tượng ra biết bao điều thú vị. Sáo sẽ chạy lon ton theo chân bố. Thằng nhỏ còn muốn được vào thăm nhà máy nơi bố đang làm việc để hát cho các chú công nhân nghe bài “Phép lạ”. Nhưng bây giờ, Sáo không còn đôi chân lành lặn nữa. Sáo không thể bước đi. Dù đôi nạng gỗ bố để ngay ở đầu giường nhưng Sáo không muốn dùng đến nó. Sáo muốn đi bằng đôi chân khỏe khoắn của mình. Muốn đến trường chạy chơi cùng bạn bè. Muốn luồn lách khắp khu vườn rình con gà đẻ hoang ngoài bụi, con dế kéo đàn dưới bờ sông. Bây giờ, Sáo không muốn ra ngoài với bộ dạng này. Sáo sợ bị bạn bè cười chê nhìn chằm chằm vào bên chân cụt.
Tiếng xe máy dừng ở cổng, Thuần trở về sau ca làm việc. Cởi bộ quần áo công nhân, anh đập mạnh vào cột cổng để bụi xi măng bay hết. Gió thổi tốc lên, đám bụi như muốn nuốt chửng lấy người. “Giặt quần áo anh riêng ra nhé. Bụi xi măng độc lắm”, vẫn câu cũ ngày nào Thuần cũng dặn vợ như thế. Thuần làm ở máy nghiền có lúc thấy mình thành khối bụi. Dù đã đeo khẩu trang bảo hộ lớp trong lớp ngoài nhưng lúc nào Thuần cũng có cảm giác buồng phổi của mình phủ đầy những bụi. Trước kia đi làm vất vả nhưng cứ về đến nhà là vui, bởi hôm nào thằng Sáo cũng lon ton chạy ra đón bố. Có khi nó đứng tận đầu ngõ, nhìn thấy bố từ xa là nhảy cẫng lên huơ huơ mấy bông lau bẻ dưới bờ sông. Nó cứ thích sà vào người bố dù lần nào Thuần cũng nói “người bố bụi lắm, đừng có chạm vào”. Nó leo tót lên xe, ríu rít kể chuyện ở trường, ở lớp. Nhưng kể từ khi tai họa ập đến, thằng bé không còn thiết nói cười. Thuần đi làm về đến sân là hình ảnh con của những ngày khỏe mạnh vui cười lại hiện lên khiến anh đau xót. Nhiều khi anh ngồi bệt ở hè mãi không nhấc nổi người. Thuần rất muốn mở cửa buồng vào với con nhưng cũng sợ nhìn thấy đôi mắt u buồn của thằng nhỏ cứ chìm dần trong bóng tối.
“Quả trứng mà không cho gà ấp/ Thì vẫn là quả trứng mà thôi, Quả trứng ngày đêm đêm ngày ấp/Thì một chú gà con ra đời, Pi pi pi pi pi pi pi pi pi”. Thuần gõ cửa phòng con bằng bài hát mà thằng nhỏ thích. Không buồn ngước mắt lên, Sáo hỏi:
- Tổ chim ri trên cây vú sữa chắc đã nở ra con, chúng bỏ đi rồi phải không bố?
- Con không nghe thấy sao, tiếng chúng nó hót gọi bầy suốt ngày ở ngoài vườn đấy thôi. Chúng không đi đâu cả. Hay là bố cõng con ra thăm vườn nhé. Ngoài hàng rào dứa đã chín hết rồi. Quả mít mà con nuôi giờ cũng to như chú lợn con.
- Giàn gấc có đậu được quả nào không bố?
- Có chứ. Sai lúc lỉu là đằng khác. Chưa gì mẹ đã tính bao giờ chúng chín sẽ nấu xôi gấc cho con ăn đó. Con phải ra ngoài mà xem, đến chú chó, chú mèo cũng nhớ con lắm đấy.
Thuần ngồi xuống, chìa lưng ra cho Sáo bấu vào. Đôi bàn tay bé nhỏ rụt rè bám vào cổ bố. Bầu trời hiện ra, Sáo thấy mình bỗng nhiên cao vút tưởng như có thể chạm vào những tán cây trong vườn. Với tay hái một chùm nhãn nhỏ, bỏ vào miệng những ngọt ngào Sáo như quên hết những buồn đau mình từng đã trải qua. Sáo đòi bố cõng ra đứng ở bờ sông ngóng vọng sang phía ống khói đang cuộn lên lẫn trong ráng chiều màu đỏ quạch. Bố chỉ những cánh cò đang sải cánh bay qua dòng sông Hồng, thủ thỉ:
- Bố mong sau này con cũng sẽ bay thật cao, thật xa đến những nơi mà con mơ ước.
- Nhưng với một bên chân cụt, ngay cả việc đi trên mặt đất còn không thể bố ạ.
- Sẽ ổn thôi con trai. Chỉ cần con cố gắng.
Những đứa trẻ trong xóm ùa ra. Chúng cõng Sáo chạy dọc bờ đê thả diều, đi bắt chuồn chuồn, hun những con dế trũi. Có khi cả lũ đứng trên đê nhìn chuyến đò vội vã đưa những người công nhân sang bên kia sông kịp giờ đổi ca chiều. Nhìn cho đến khi bóng họ chỉ còn là đốm nắng lấp lóa đi lẫn vào những hàng cây. Cả lũ nằm vật ra cỏ hát nghêu ngao, nhìn những đám mây trên trời ngỡ ngàng thấy cô tiên, ông bụt, con chó lông xù, cái xe mất bánh, con cá có đôi cánh xinh xinh. “Ơ kìa! Một cậu bé cụt chân giống hệt tớ kìa kìa”. Cả lũ reo lên “ừ nhỉ”. Dịu đứng nhìn từng đứa nhỏ trong làng lần lượt tập đi trên đôi nạng gỗ mà nước mắt ứa ra vì xúc động. Đôi nạng gỗ không còn là nỗi sợ đối với Sáo nữa rồi. Người ta thấy thằng nhỏ hay chống nạng ra cổng nhà gọi bạn ời ời. Có khi Sáo dùng đôi nạng múa võ với con chó nhà hàng xóm chuyên cắn trộm.
Thấy con vui vẻ trở lại, vợ chồng Thuần cũng nhẹ lòng. Dạo này Thuần hay làm tăng ca, có thêm đồng ra đồng vào trang trải bớt nợ nần. Dịu vốn đau ốm liên miên, nhà đã nghèo giờ thêm mấy tháng điều trị cho Sáo dưới Bệnh viện Nhi Trung ương khiến gia cảnh càng thêm kiệt quệ. Mọi chi tiêu trong gia đình phần lớn đều trông chờ vào đồng lương công nhân của Thuần. Việc điều trị kéo dài đã có lúc Thuần tính hay là bán nhà lấy tiền chạy chữa cho con. Đúng lúc ấy, Công đoàn nhà máy đã kêu gọi anh chị em công nhân cùng san sẻ. Nhờ vậy mà toàn bộ chi phí chữa bệnh của Sáo đã được chi trả. Thuần biết ơn nhà máy và các đồng nghiệp của mình. Những người hàng ngày phải làm việc trong môi trường bụi bặm, vất vả chỉ mong đến tháng lương để trang trải bao khoản chi tiêu đang cần đến. Ấy vậy mà bất cứ anh em công nhân nào có hoàn cảnh khó khăn, mọi người đều dang tay đùm bọc. Ai có nhiều góp nhiều, có ít góp ít. Họ moi từ trong túi áo công nhân những tờ tiền bám đầy bụi xi măng thả vào chiếc thùng quyên góp quen thuộc được ai đó dùng son vẽ một trái tim màu đỏ. Tiền đó họ định bụng sẽ sắm cho con bộ quần áo mới vào đầu năm học. Tính cho con đi chơi nhà bóng cuối tuần. Tính tí nữa tan ca tạt qua chợ mua con cá, cân thịt đổi bữa cho con. Nhưng họ bảo nhau “có sao đâu, mình bớt tiêu đi một chút”.
Đầu năm học mới hàng năm, Công đoàn nhà máy vẫn thường có phần quà cho các cháu học sinh nghèo hiếu học. Chiều đó, lúc sắp tan ca, Thuần được báo tin anh chị em trong công đoàn sẽ đến thăm bé Sáo. Dịu không kịp chuẩn bị gì ngoài mấy chùm nhãn hái vội ngoài vườn. Thằng Sáo đi chơi về còn chưa ráo mồ hôi.
Nó ngồi lọt thỏm trong lòng bố, tay giữ khư khư món đồ chơi vừa được các cô chú tặng. Nhìn đôi nạng gỗ dựng ngay bên cạnh, cô Thư - Chủ tịch Công đoàn nhà máy hỏi:
- Con đi nạng có quen không?
- Dạ thưa cô, con cũng quen dần rồi ạ.
Cô Thư ngồi xuống sờ nắn bên chân quần buông thõng của Sáo, bùi ngùi. Ai đó hỏi thằng nhỏ về chuyện đến trường. Thoáng chút buồn, Sáo im lặng cúi mặt vân vê vạt áo...
Cô Thư bỗng lấy điện thoại cho Sáo xem một video về những vận động viên điền kinh khuyết tật. Sáo ngỡ ngàng nhìn họ chạy băng băng trên đường đua như những người bình thường có đôi chân khỏe mạnh. Nhìn chiếc huy chương vàng lấp lánh trên ngực người vận động viên, Sáo chợt nghĩ đến giấc mơ được sang bên kia sông chạy trên bờ cát trắng trải dài. Thằng nhỏ chợt thốt lên:
- Như một điều kì diệu.
- Con có muốn làm được điều kì diệu ấy không?
Sáo ngẩng lên khe khẽ gật đầu. Niềm hạnh phúc vỡ òa trên khuôn mặt khắc khổ của vợ chồng Thuần khi biết công ty sẽ tặng chi phí lắp đặt chân giả cho Sáo đến tận tuổi trưởng thành. Để Sáo có thể dễ dàng hòa nhập với cuộc sống, thuận lợi đến trường cùng bè bạn. Hôm lắp xong chân giả, đi đôi giày mới tinh mà mẹ mua cho trước sự cổ vũ reo hò của đám bạn trong xóm nhỏ, Sáo chập chững bước đi. Thời gian đầu còn mất thăng bằng, Sáo ngã nhào xuống đất. Nhưng bác sĩ nói rồi, chỉ cần Sáo chăm chỉ tập luyện một thời gian là có thể sử dụng thành thạo, đi lại dễ dàng. Tụi bạn đi giật lùi phía trước, vỗ tay cổ vũ cho người bạn nhỏ của mình. Những tiếng hát ồn ã cất lên dọc con xóm nhỏ lẫn trong tiếng chó sủa theo từng bước chân tụi nhỏ: “Pi pí pi pí pi/ Pi pí pi pí pi/ Pí pì pí pi/ Phép lạ hằng ngày thần tiên giấu trong đôi bàn tay/ Hôm qua là hạt mầm hôm nay đã thành cây/ Phép lạ hằng ngày thần tiên giấu trong đôi bàn tay/ Cho ta ngày mê say nhẹ tựa cánh bay”. Từng bước một nhích lên phía trước, rồi nhanh thôi Sáo sẽ tung tăng cắp sách đến trường. Mỗi chiều đi học về, Sáo sẽ ra bến đò ngóng về phía ống khói bên sông chờ bố tan ca. Cô Thư từng hứa nếu Sáo học giỏi và chăm chỉ tập luyện thì Tết Trung thu năm sau sẽ được vào nhà máy đón chị Hằng chú Cuội. Lời hứa ấy như ngôi sao cứ lấp lánh mãi trong tim thằng nhỏ.
Còn Dịu, trong trái tim chị cũng đang lấp lánh niềm vui khi mới được nhận vào làm việc trong nhà máy xi măng. Chị sẽ thật chăm chỉ, nấu những bữa ăn thật sạch, thật ngon để anh chị em công nhân đảm bảo sức khỏe làm việc tốt. Dịu biết ơn nhà máy và các đồng nghiệp của chồng mình. Bởi họ không chỉ giúp thằng Sáo đứng dậy bước đi sau biến cố lớn của cuộc đời, giúp chị có một công việc làm ổn định. Mà đằng sau bộ quần áo công nhân bụi bặm ấy là những trái tim ấm áp đã thắp lên ngọn lửa của tình người...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin