Nàng hai mươi tám

MAI ĐÌNH 01:08, 27/06/2024
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân

Hai mươi tám tuổi chưa chồng, nàng đã được liệt vào hàng… quá lứa. Đấy là ở quê lời ra tiếng vào thế thôi, chứ quanh năm bon chen nơi phố thị, nàng thấy mình còn xanh non quá lắm. Nghề báo cho nàng cơ hội tới nhiều vùng đất, gặp gỡ ngàn vạn người. Nàng tự nhận mình là kẻ tham lam khi yêu thích quá nhiều thứ. Điều này khiến bố nàng không khỏi ca thán, những người đàn ông từng là “cây si” của nàng cũng phải nhiều phen khó chịu.

Nghỉ lễ tận năm ngày nhưng nàng chẳng muốn đi đâu. Đám bạn nàng mỗi đứa một nơi, đứa vừa theo chồng tất bật lo toan đối nội đối ngoại, đứa làm công ty tư nhân không được nghỉ đúng chính lễ. Nàng lại ôm máy tính, kì cạch gõ suốt ngày, viết những bài tản mạn không đầu không cuối, chỉ để lúc rảnh rỗi mang ra đọc cho khuây. Tối nàng xem vài bộ phim trên truyền hình rồi ngủ. Mẹ nàng ngã xe đạp vì bị tụt huyết áp bất thình lình, cô y sĩ ở trạm y tế xã tư vấn: “Bác chịu khó lắng nghe cơ thể nhé. Nếu thấy choáng mệt là phải nghỉ ngơi ngay, ăn uống đầy đủ, suy nghĩ tích cực là khỏe thôi”. Mẹ chép miệng: “Bệnh gì kỳ, như kiểu ốm giả vờ thế này chán lắm!”.

Mẹ nàng là người đàn bà lam lũ, vẻ tảo tần hiện diện trong dáng vóc gầy gò khô khỏng. Nhìn bà già nua quá mức so với tuổi năm mươi, nhiều khi nàng có chút khó chịu. Khó chịu vì dù kêu mẹ nghỉ ngơi nhưng bà vẫn quen cặm cụi sáng đêm với bao việc không tên. Dẫu được chăm sóc bằng bao nhiêu thứ thuốc bổ hết đông lại đến tây y, thì bà cũng không mỡ màng ra được vì cái nết ăn uống quá giản đơn, thanh đạm. Mẹ luôn căn dặn nàng đi đâu cũng phải sống bằng cốt cách chân thành dung dị, mình là con nhà nông. Cả đời, bà đã hi sinh sức lực và tuổi trẻ để nàng - những đứa em nàng lần lượt vào đại học, theo đuổi những ước vọng của riêng mình. Hiểu và thương là thế, mà nàng không dừng được sự cáu kỉnh khi thấy mẹ không đi dép:

- Ủa mẹ, mẹ bị mất dép hay gì mà không mang?

- Mất đâu, ra vườn mà đeo dép coi bộ ngộ quá, vướng víu muốn chết…

- Mẹ cứ vầy hoài, chắc con chẳng dám đưa giai nào về chơi đâu.

- Bây nói gì kỳ, báo trước một tiếng là tao chỉn chu liền chứ gì!

Cuộc đối thoại này không biết đã lặp lại bao nhiêu lần, mỗi lần nhắc chuyện người thương, mẹ lại thở dài:

- Mấy đứa trạc tuổi mày chúng có con đi mẫu giáo, vào lớp một cả rồi đấy. Tính ở không tới chừng nào?

***

Mười chín tuổi, nàng thích một chàng trai có đôi mắt nâu buồn xa xăm trong lớp ôn thi đại học. Khi ấy nàng nghĩ mình yêu. Nỗi nhớ hành hạ nàng bởi ánh nhìn lạnh nhạt ơ thờ, hay là sự ám ảnh mà nàng gọi đó là khí chất nam nhân? Nàng mơ hồ không rõ, nhưng đã âm thầm khóc cả tháng trời khi người con trai ấy rời đi. Một thời gian dài, trong những giấc mơ chắp nối, ánh mắt ấy cứ xoáy vào tâm can, trói buộc con tim nàng.

Bước vào đại học, nàng gây “choáng” với anh chàng miền Tây điển trai bởi cú đỡ quả cầu bằng ngực điệu nghệ. Nhưng suốt hai năm, sự quan tâm lặng lẽ của chàng ta vẫn không làm tim nàng rung lên được. Nàng muốn yêu, muốn vùng thoát khỏi đôi mắt nâu ngày cũ mà không sao làm được. Người ta nói rằng, tình đầu là mối tình đẹp nhất. Dẫu là đơn phương thương nhớ, cũng khiến nàng cứ mê mải khó quên.

Đi làm năm đầu tiên, nàng quen một nhạc công của trung tâm văn hoá, lớn hơn nàng sáu tuổi. Sống xa nhà, nàng tự đặt ra nguyên tắc không đi chơi đâu quá 22 giờ. Nàng ghét việc nghe những cuộc gọi khuya lắc của gã, lè nhè nói rằng anh đang say. Có khi chỉ là những tin nhắn nhạt thếch được gã gửi đến, chỉ để chứng tỏ với hội bạn nhậu mình là “hoa” đã có chủ.

- Yêu nhau chín rưỡi mười giờ. Em cứ như gái cấm cung thế, buồn chết.

- Vô lý, các anh thích có vợ ngoan hiền, mà yêu thì lại không chịu gái ngoan - nàng đanh đá.

- Phụ nữ mà ngoan quá, nhàm chán lắm.

- Nếu chán, thì dừng lại thôi.

Đơn giản vậy và kết thúc. Nỗi nhớ không dày vò nàng nổi một tuần. Công việc cuốn nàng đi với áp lực bài vở ngồn ngộn, nàng lấy đâu ra thời giờ rảnh rỗi mà hoài niệm. Hoặc là nàng đã qua cái thuở mơ mộng, nên thấy những sướt mướt, chán nản chỉ tổ tốn thời gian. Nàng khá thoải mái đón nhận yêu thương, nhưng càng ngày càng không đặt để tình yêu là thứ gì đó quá quan trọng. Người đàn ông tiếp sau lại quá sạch sẽ, quá chi li về tiền bạc… Một dạo, nàng cảm thấy ngán ngẩm những hẹn hò, đưa đón, nên hễ thấy ai có ý định cưa cẩm là liền làm ra mấy hành động trái khuấy khiến người ta ghét bỏ mà xa lánh.

***

Huy chạy xe gần trăm cây số ghé thăm, mang cho nàng mấy cuốn tiểu thuyết của Sidney Sheldon. Nàng thích đọc tiểu thuyết phương Tây bởi văn phong phóng khoáng và chứa đựng cả kho tàng văn hóa. Ngày trước, nàng thích đọc "Hồn bướm mơ tiên", "Nửa chừng xuân" của Tự lực văn đoàn, rồi "Dòng sông ly biệt", "Điệp khúc tình yêu" của Quỳnh Dao. Màu tình yêu trong những tiểu thuyết ấy dù có phiền bi mà sao vẫn có cái gì đó lấp lánh, dịu ngọt quá chừng.
- Chiều nay Vân rảnh, cùng dự đám cưới anh bạn học cũ cùng Huy, được không?

- Rủ rê mời mọc kỳ cục, tui đi với tư cách gì - nàng căn vặn.

- Ờ thì,… là gì cũng được.

- Thù lao thế nào đây? - nàng tếu táo.

- Chắc cũng không có gì phức tạp đâu nhỉ, “giả vờ yêu” xem có ai trầm trồ không hén? - Huy cười lớn, nửa đùa nửa thật đáp lời. 

Nhiều năm, Huy cứ lặng lẽ đi bên cạnh nàng như thế. Anh biết rõ ý thích đọc sách và hát hò của nàng. Luôn nhớ nàng thích hoa gì, ăn phở bao giờ cũng phải có thật nhiều tương ớt và chanh. Nàng ví Huy giống một chiếc túi không đáy, có thể thu nhận hết những cáu gắt, chán nản, hay hân hoan của nàng. Cũng chỉ với Huy, nàng mới nói được nhiều đến thế, có thể khóc mà không sợ ánh nhìn thương hại. Huy nuông chiều cảm xúc của nàng, luôn lặng im lắng nghe tất thảy. Với nàng thì, lắng nghe chính là chia sẻ, là cách mà một người trưởng thành mới có thể làm được.

***

Chuyến công tác vùng biên thực hiện vệt đề tài về phòng, chống buôn lậu và vượt biên trái phép kéo dài cả tuần lễ. Nàng đi mà đểnh đoảng bỏ quên dây sạc điện thoại, nên mấy ngày liền chẳng ai liên lạc được. Những tối ngủ trong đồn biên phòng, có hôm qua đêm trên bản, lòng nàng vừa sục sôi tính chiến đấu nghề nghiệp, vừa thấp thỏm lo lắng. Lúc ấy, chỉ muốn gọi cho Huy, nghe giọng cười hài hước cho vơi sợ hãi.

Chiều muộn mới từ bản xa ra đến nhà khách trung tâm huyện, thấy người đuối mệt nên nàng ở lại, dự là sáng mai mới về thành phố. Tờ báo đang đợi những bài viết nóng hổi của nàng, nên ngủ được giấc ngắn lấy lại sức, nàng lại tỉnh dậy kì cạch gõ phím. Những dòng email của Huy khiến lòng dạ nàng bối rối:

- Nếu có một sự thật rằng, mỗi khi có ai đó nhớ đến mình, thì người được nhớ sẽ hắt hơi, anh chắc em đã chết vì hắt hơi lâu rồi. Vì anh… luôn nhớ đến em từng giây từng phút, bất kể là ngày hay đêm.

Nàng bật cười thành tiếng, nghĩ sao mà chàng ta sến súa quá, chẳng quen. Cười nỗi nữa là vì mấy câu này chẳng phải Huy tự viết, chỉ trích ra từ một cuốn sách. Mà cuốn sách ấy nàng đã đọc đi đọc lại mấy lần rồi, nên rất nhớ. Nhìn đồng hồ đã hơn 23 giờ, phân vân mãi nàng mới đánh liều xuống phòng trực bảo vệ gọi nhờ điện thoại. Đầu dây bên kia vẫn giọng nói quen thuộc, nhưng nay nghe nghiêm cẩn lắm. Mặt nàng bừng đỏ khi nghe Huy nhắc lại rõ ràng từng chữ thư gửi trong email. Nàng cười lớn cố xua đi nỗi ngại ngùng đang vây bủa.

- Sáng mai em về lại thành phố rồi.

- Ngày mai sinh nhật em đấy, chắc lại mải việc nên không nhớ rồi, phải không?

Nàng giật mình. Không phải vì nhớ ra ngày sinh nhật, mà vì nghe giọng nói trong điện thoại như đã thoát ra ở ngay bên cạnh. Huy đã đứng đó từ lúc nào, ngay phía sau lưng nàng, trên tay cầm bó cúc tana mỏng manh mà tươi tắn. Nàng ùa đến đón lấy bó hoa, hít hà mùi thơm nồng nàn như mật ong. Nàng thắc mắc, rằng bó hoa này Huy dành tặng vì tình bạn hay là nhiều hơn thế. Nhưng nàng không hỏi, cũng không muốn cắt nghĩa cảm xúc của chính mình lúc này. Có lẽ, đã đến lúc có một người thật sự dành cho nàng, mãi mãi.

Nàng hai mươi tám tuổi, và… nàng tin!