"Bản giao hưởng 1.000 người" tại Việt Nam

07:10, 24/10/2010

Tối 23-10-2010, dưới đũa chỉ huy của nhạc trưởng Honna Tetsuji, dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và các nhạc công khách mời - dàn hợp xướng gần 1.000 người trình diễn bản giao hưởng số 8 của nhạc sĩ vĩ đại Gustav Mahler tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Việt Nam.

Dàn hợp xướng gần 1.000 người trình diễn Bản giao hưởng số 8 của nhạc sĩ vĩ đại Gustav Mahler lần gần đây nhất tại Đức (2008).
Dàn hợp xướng gần 1.000 người trình diễn Bản giao hưởng số 8 của nhạc sĩ vĩ đại Gustav Mahler lần gần đây nhất tại Đức (2008).

Tối 23-10-2010, dưới đũa chỉ huy của nhạc trưởng Honna Tetsuji, dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và các nhạc công khách mời - dàn hợp xướng gần 1.000 người trình diễn bản giao hưởng số 8 của nhạc sĩ vĩ đại Gustav Mahler tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Việt Nam.

Các đơn vị tham gia gồm: Hợp xướng Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt nam, Học viện Âm nhạc quốc gia, đại học Sư phạm nghệ thuật Hà Nội, trường đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, Nhà văn hóa Thiếu nhi Hà Nội, hợp xướng đến từ Nhật Bản, Malaysia. Hợp xướng Quốc tế tại Hà nội với 8 chỉ huy Graham Sutcliffe (chỉ huy chính), Hà Mạnh Chung, Đặng Châu Anh, Trần Nhật Minh, Lý Giai Hoa, Lê Vinh Hưng, Nguyễn Kiều Lan, Nguyễn Ngọc Tùng.

Gustav Mahler là một trong số các nhà soạn nhạc vĩ đại nhất thời kỳ âm nhạc lãng mạn Châu Âu, ông cũng là một trong những vĩ nhân nổi bật nhất trong lịch sử âm nhạc thế giới về nghệ thuật giao hưởng như: L.V.Beethoven, P.I.Tchaikovsky, A.Dvorak, J.Brahms…

Bản giao hưởng số 8 của Mahler được hoàn thành trong mùa hè năm 1906, Đây là một kiệt tác vô cùng đồ sộ cả về quy mô nghệ thuật và tầm vóc nội dung, tư tưởng. Toàn bộ tác phẩm vừa là những lời hát ngợi ca về sự cứu thế, lòng nhân từ, sự tha thứ, tinh yêu và đức tin; vừa là lời nguyện cầu cho tương lai hòa bình và tươi sáng của nhân loại, và cũng là niềm tin về ý chí đấu tranh của loài người sẽ vượt qua mọi thế lực đen tối của cái ác tìm đến chân lý tri thức, đưa nhân loại đến chân trời tự do.

Tác phẩm được trình diễn lần đầu tiên tại Munich năm 1910, dưới sự chỉ huy của Mahler đã thành công rực rỡ, việc dàn dựng và tập luyện ròng rã đã làm hao tổn quá nhiều tâm sức của nhà soạn nhạc, 8 tháng sau (tháng 5-1911) ông qua đời tại Vienna. Sau thành công của buổi diễn ra mắt với sự tham gia của hơn 1.000 nghệ sĩ tham gia, trong 3 năm tiếp theo tác phẩm đã có được hơn 20 lần trình diễn qua các nước châu Âu và được gọi là “Bản giao hưởng một nghìn người”.
Đến cuối thế kỷ XX, “Bản giao hưởng một nghìn người” được biểu diễn ở khắp các châu lục và được lựa chọn trong các đại lễ kỷ niệm lớn như: Khai mạc liên hoan nghệ thuật trước Thế vận hội Sydney vào tháng 8-2000, kỷ niệm 400 năm thành lập thành phố Quecbec, Canada tháng 5-2008…

Chương trình còn có sự tham gia của các nghệ sĩ solo đến từ khắp thế giới: Kurano Ranko: Soprano I  và Koshigoe Mami: Soprano II - Nhật Bản; Hà Phạm Thăng Long: Soprano III - Việt Nam; Kaga Hitomi: Alto I -Nhật Bản; Einarsson Anna: Alto II - Thụy Điển; Nyári Zoltán: Tenor - Đức; Fukushima Akiya: Bariton; Nhật Bản; Katzameier Otto: Bass đến từ Hungary.

Đây là chương trình âm nhạc lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam cả về quy mô tổ chức với số lượng nghệ sĩ lớn nhất cùng biểu diễn trong một tác phẩm, sự tham gia nhiều nhất của các nghệ sĩ quốc tế tên tuổi, cả về tầm vóc nghệ thuật, tầm vóc tư tưởng của một trong số ít những tác phẩm giao hưởng nổi tiếng nhất của kho tàng âm nhạc thế giới.

Đây cũng là cơ hội để người người dân Việt Nam được thưởng thức một kiệt tác nghệ thuật của nhân loại trên quê hương mình.

Theo Tuổi Trẻ