Từ trời cao nhìn xuống, Hà Nội hắt lên một quầng sáng. Trong màn sương mùa thu mỏng mảnh, cái quầng hào quang ấy thật lung linh, kỳ ảo.
Trên đường phố Hà Nội. Du khách tham quan Nhà Thái Học - Quốc Tự Giám. |
Thuở nhỏ, đứa trẻ nhà quê lấm lem bùn đất như tôi trong giấc mơ cũng không tưởng tượng nổi dọc ngang Hà Nội. Thủ đô thấp thoáng qua giáo khoa lịch sử, bản đồ địa lý và láng máng văn chương, chí ít là “Hà Nội có tàu điện. Đi về cứ leng keng” của chú bé Trần Đăng Khoa thủa đó. Lớn lên, tôi cũng không có cái may được làm công dân bậc thứ của Thủ đô. Đường tàu Thống Nhất và những chiếc bánh xe ì ạch đèo dốc lôi tôi lên cao nguyên và “cắm” vào mảnh đất ấy có lẽ là suốt đời. Năm thì mười họa mới được gặp người quen và làm người quen trên những góc phố lạ và con đường lạ Hà Nội. Chính cái cảm giác lạ mà quen ấy đã tạo cho mình một thứ cảm xúc không tròn như thân mía nhưng lại ngọt như nước từ ruột mía…
Trong tiểu thuyết của một văn sỹ Anh quốc, tôi được đọc rằng: Một bác nông dân vùng núi cao mây phủ của nước Anh chưa một lần được đến Luân Đôn nhưng bác ta có thể ngồi hàng giờ tán chuyện về những lâu đài cổ ẩn hiện trong sương mù Luân Đôn cho bà lão hàng xóm. Và kỳ lạ là bà lão hàng xóm biết là bác tán phét nhưng vẫn há hốc mồm mà nghe quên cả bánh trên lò cháy khét lẹt. Còn trong một truyện ngắn khác của Pháp mà tôi đọc từ thời niên thiếu, có kể: Có tay ngư dân trẻ ở vùng Nam nước Pháp chưa hề biết Khải Hoàn Môn ở góc nào Paris nhưng đã vượt qua một cơn bão biển và cùng những người bạn của mình trở về yên lành với ý nghĩa “nếu trở về được sẽ giành tiền đi Paris chơi bời một chuyến cho hả dạ”.
Đây lắng hồn núi sông ngàn năm…
Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội
Hà Nội mến yêu!...
Mỗi lần bước chân lên đường phố Thủ đô, tâm hồn tôi như lắng sâu hơn, rộng mở và phóng khoáng bởi giai điệu hoành tráng trong trường ca âm thanh “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi. Lịch sử tái hiện, hồn dân tộc như sống động hơn sau mỗi bước chân dẫu ngàn năm xưa cổ như trầm tích…
Xẩm Hà thành. |
Như sang sảng đâu đây khí phách Lý Thường Kiệt với bài thơ “Thần” - tuyên ngôn độc lập đầu tiên của đất nước Đại Việt: “Sông núi nước Nam vua Nam ở - Rành rành định phận tại sách trời”. Cái lý lẽ thuận theo thiên địa ấy cùng với tinh thần bất khuất đã đuổi giặc Tống ra khỏi lãnh thổ quốc gia. Nguyễn Trãi ở thế kỷ XV đã tiếp nối bản tuyên ngôn thứ hai “Đại Cáo bình Ngô” với lời lẽ nhân văn, mà hùng hồn sấm sét: “Như nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu - Núi sông bờ cõi đã chia - Phong tục Bắc Nam cũng khác…” Và lần thứ ba, trên quảng trường Ba Đình một ngày mùa thu 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đại diện cho tinh thần và ý chí Việt Nam “Không có gì quý hơn độc lập tự do!” tuyên bố với toàn thế giới: “Nước Việt Nam là một nước độc lập và hoàn toàn là một nước tự do và độc lập!” Những bản tuyên ngôn ấy chính là “cốt thép” dựng nên đài vinh quang cho Hà Nội và cả Việt Nam, trong quá khứ xa xưa của lịch sử, trong hiện tại và muôn đời sau…
Bà Huyện Thanh Quan (Nguyễn Thị Hinh) vào thời của mình nên đã hoài cổ về Thăng Long:
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Còn Chế Lan Viên diễn tả tâm trạng của người Việt Nam mất nước vào thời Pháp thuộc:
Quanh hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê
Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ…
Không giống Bà Huyện Thanh Quan trong nỗi buồn thi vị đó, không giống tâm trạng trong hình tượng thơ Chế Lan Viên, người Hà Nội, người Việt Nam hôm nay ôn lại truyền thống lịch sử cha ông không phải bằng cảm xúc hoài cổ mà bằng lòng tri ân thành kính. Nội lực Việt Nam hôm nay được bắt nguồn từ tâm thức người Việt buổi sơ khai. Rồng vàng Thăng Long bay lên từ cánh hạc thời Hùng Vương dựng nước. Trống hội Thăng Long tiếp âm từ trống đồng Ngọc Lũ, Đông Sơn…
Đi trên những nẻo đường Hà Nội, đọc tên phố, tên đường như được quỳ gốc tưởng niệm và ê a học lời người hiền tài của thời xa xưa. Những Lê Lợi, Lê Quý Đôn, Chu Văn An, Nguyễn Văn Siêu, những Lê Văn Hưu, Trần Nguyên Đán và Nguyễn Trãi… Vào thămVăn Miếu, nép mình bên 82 bia đá Tiến sĩ, chợt nhớ câu văn nổi tiếng của chí sĩ Thân Nhân Trung (viết vào năm 1483): “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”…
Trên đường phố Hà Nội, tôi cũng từng được gặp rất nhiều những chị bán bún ốc, những anh đạp xích lô, bà lão bán chè chén thuốc lào và cả những em bé đánh dày…Họ không bao giờ được đề tên lên bia đá, bảng vàng nào nhưng họ cũng đã góp sức mình làm nên Hà Nội. Những ngày này, mỗi mạch máu trong trái tim họ đang rung lên những nhịp đập tự hào về Thủ đô của mình.