Khát vọng Nam Ban

11:10, 05/10/2010

Vùng Nam Ban nằm gọn dưới thung xanh. Thung xanh như cái bình cổ khổng lồ ngập tràn gió nắng. Thành bình là những con voi núi béo phì nằm ghếch đầu vào nhau mơ mộng.

Vùng Nam Ban nằm gọn dưới thung xanh. Thung xanh như cái bình cổ khổng lồ ngập tràn gió nắng. Thành bình là những con voi núi béo phì nằm ghếch đầu vào nhau mơ mộng. Dưới chân voi núi là dòng suối Cam Ly nước xanh biếc, bắt nguồn từ Đà Lạt chảy về sông Đạ Dâng; nó vặn mình uốn khúc đến cuối thị trấn Nam Ban thì bất ngờ đổ ập xuống vực sâu trên 30 mét, tạo nên một dòng thác trắng như dải lụa buông dài. Khối nước lớn dội vào ghềnh đá vỡ tan, bắn tung những giọt nước li ti lên ngọn cây cao làm thành màn mưa bụi, gặp ánh nắng xuyên qua, nó hừng lên bảy sắc cầu vồng lấp lánh. Con thác dữ gầm réo vang xa như tiếng voi gầm, người ta cảm hứng đặt tên cho nó là Thác Voi.

Mỗi sáng khi mặt trời chưa leo lên khỏi lưng voi núi, cả một góc trời đỏ rực. Rạng đông bung ra ngàn tia lửa đủ màu xanh đỏ tím vàng đổ tràn xuống bình cổ. Vào những ngày không nắng, sương trắng từ voi núi tràn ra trôi bồng bềnh, biến hoá thành những hình rồng, dáng phượng bay lượn trên đầu. Một cảnh thiên nhiên kỳ thú phơi bày. Du khách lên Đà Lạt, thích thú nơi này, thường xuyên thăm viếng cảnh tiên. Ăn uống vừa ngon, lại rẻ…Con người xứ này thân thiện, hiền hoà, vui vẻ.

Nằm giữa cao nguyên LangBiang và Di Linh, vùng Nam Ban có độ cao trên 900 mét so với mực nước biển. Khí hậu ở đây ôn hoà mát mẻ trong lành, rất phù hợp cho nghỉ dưỡng. Con đường 725 xuyên suốt vùng Nam Ban. Nam Ban đi Tà Nung – Đà Lạt, Nam Ban – N’ Thôn Hạ - Đức Trọng, Nam Ban – Đinh Văn – Tân Hà – Lán Tranh; Nam Ban nối với Quốc lộ 27 đi Đaklak, thông với các tỉnh Tây nguyên, rất thuận tiện cho đi lại và trao đổi kinh tế của địa phương.

Định cư trên trục đường 725 là xã Mê Linh, thị trấn Nam Ban và xã Gia Lâm. Gia Lâm có Suối Cạn, Mê Linh có đập tràn, thác Cam Ly Thượng, Nam Ban có thác Voi hùng vĩ. Bên kia suối là Đông Thanh có thác Bảy Tầng, bên này Hoàn Kiếm – Hai Bà ở trên miệng núi lửa đã tắt cách đây bốn nghìn năm, đất đai phì nhiêu màu mỡ. Thị trấn Nam Ban nơi quần tụ của bà con ở Đống Đa, Trưng Vương, Từ Liêm … Tất cả những con người cần cù, giàu sáng tạo đã làm nên một diện mạo Nam Ban đầy kiêu hãnh. Đi đâu, đến đâu ta cũng thấy những vườn cà phê trĩu trái, vườn chè, nương dâu xanh tốt. Nhà cửa đua nhau mọc lên san sát hai bên đường khang trang đẹp đẽ. Hàng chục ngôi nhà sang trọng mái thái kiến trúc hiện đại, cứ như những ngôi biệt thự Đà Lạt vươn mình trong nắng. Những sản phẩm này đều do thu nhập từ cà phê, dâu tằm … mà nên.

Ông Nguyễn Mạnh Cương, nguyên trưởng phòng tổ chức vùng Kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng cho biết: Thời kỳ đầu mới vào xây dựng kinh tế vùng Nam Ban, Tổng Bí thư Lê Duẩn vào thăm vùng, sau khi xem xét kỹ lưỡng đất đai, thổ nhưỡng và khí hậu, ông nói “ phải đưa cây dâu tằm vào đây và nhân rộng ra, sau đó là cây cà phê thì đời sống nhân dân mới giàu lên được”. Lĩnh hội ý kiến này, Trung ương chỉ đạo cho cán bộ và nhân dân vùng kinh tế cùng nhau phát triển. Vậy là đường lối chỉ đạo của Trung ương cho vùng kinh tế Nam Ban và cả huyện Lâm Hà đến nay vẫn đúng hướng.

Ông Nguyễn Mạnh Cương hào hứng cho biết thêm, vùng kinh tế Nam Ban, thuộc vùng kinh tế mới Hà Nội - Lâm Đồng xưa rất có duyên, thường xuyên được các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước quan tâm theo dõi như: bác Trường Chinh - bác Phạm Văn Đồng - bác Võ Nguyên Giáp,... vào tận nơi thăm viếng, hỏi han và cho nhiều ý kiến quý báu, động viên bà con Hà Nội trên vùng đất mới Lâm Đồng... Vùng mình đẹp lắm! - ông Cương nói tiếp - Tiềm năng kinh tế vùng Nam Ban còn nhiều, chưa khai thác hết đâu. Trong đợt ghé thăm vùng Nam Ban và huyện Lâm Hà vừa rồi, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định: “ Lâm Hà là huyện thứ 30 của Hà Nội”. Và thực tế thì Hà Nội đã hỗ trợ cho Nam Ban 50 tỷ đồng rồi. Chủ yếu để nâng cấp trường học, mẫu giáo, bệnh viện...Tới đây, Hà Nội có thể giúp ta phát triển hơn nữa. Đường thôn, ngõ xóm … nhiều nơi, nhiều chỗ còn yếu, rất cần tấm lòng quê mẹ Hà Nội. - anh muốn biết thêm về vùng đất này thì gặp ông Phan Hữu Giản, nguyên Phó ban vùng Kinh tế mới Hà Nội, sau này là Bí thư huyện uỷ Lâm Hà, rồi Bí thư thành uỷ Đà Lạt sẽ rõ.

Người thứ hai còn lưu giữ được nhiều tư liệu quý của vùng đất này là nhà thơ Trần Ngọc Trác, hiện nay là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng. Tôi chợt nhớ ra, có lần nhà thơ Trần Ngọc Trác nói với tôi “Em dự định viết một cuốn sách về vùng đất thân yêu này. Đối với em, Nam Ban là vùng đất có nhiều kỷ niệm sâu sắc mà suốt cuộc đời mình không bao giờ quên”.

Tôi tìm đến một vài người đang làm công tác lãnh đạo tại địa phương.

Tại văn phòng đảng ủy thị trấn, Nguyễn Phúc Thái vui vẻ tiếp tôi. Thái là lớp cán bộ trẻ đã qua quân ngũ, anh vừa được bầu làm bí thư đảng ủy thị trấn nhiệm kỳ 2010-2015. Với giọng nói từ tốn, nhẹ nhàng, Thái cho biết:Dân số vùng Nam Ban có khoảng trên ba vạn người. Trọng điểm kinh tế của vùng mình vẫn là cây công nghiệp, cà phê, dâu tằm và chăn nuôi trang trại tập trung. Thu nhập GDP năm 2009 bình quân đầu người là 17,5 triệu đồng, chú ạ.

Anh Thái cho biết thêm: Đại hội Đảng bộ huyện Lâm Hà lần thứ VI nhiệm kỳ 2010-2015 vừa qua “Định hướng phát triển kinh tế đồng bộ cả hai thị trấn Đinh Văn, Nam Ban và vùng Tân Hà – Lán Tranh. Đẩy mạnh cây trồng vật nuôi, chú trọng đầu tư thâm canh đưa các tiến bộ khoa học vào sản xuất; bước đầu triển khai xây dựng mô hình trồng rau, hoa theo hướng công nghệ cao tại thị trấn Nam Ban và xã Tân Văn”. Đầu tư xây dựng và khai thác các điểm du lịch: Thác Voi, thác Bảy Tầng, các điểm giải trí; đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn vào vùng Nam Ban.

Ở ta có ba điểm văn hoá hướng thiện là chỗ dựa tinh thần, là niềm vui của bà con, đền thờ hai Bà Trưng ở Mê Linh, chùa Linh Ẩn và nhà Thờ Nam Ban. Riêng đền thờ hai Bà Trưng, huyện Lâm Hà đang đầu tư xây dựng to đẹp hơn. Hoá ra ở đâu có con cháu của Hai Bà, của con Hồng cháu Lạc thì ở đó luôn là nguyện ước, khát vọng được xây dựng nơi thờ phượng để tưởng nhớ các tiền nhân, những vị anh hùng đã có công lớn cống hiến cả cuộc đời cho dân tộc, cho đất nước. Đền thờ Hai Bà mang ý nghĩa đó.

Xưởng chế biến tơ lụa Cường Hoàn ở cạnh UBND thị trấn Nam Ban. Chủ xưởng Cường cho biết: Cơ sở sản xuất khép kín từ A đến Z. từ khâu ươm tơ đến dệt lụa, rồi tẩy, nhuộm … ngay tại cơ sở và cho ra sản phẩm như: khăn, quần áo, cà vạt … Doanh số bán ra khoảng 7 tỷ đồng/năm. Cái được lớn nhất của xưởng chế biến tơ lụa Cường Hoàn là giải quyết được việc làm cho 50 lao động tại địa phương. Tôi hỏi – thế lương mỗi tháng của một lao động là bao nhiêu? – Hai triệu tư, chú ạ! – Làm thế nào mà du khách Tây đến xem đông vậy? – Xưởng chế biến tơ lụa của cháu đã được đưa lên mạng inernet, trên trang Web của Anh, Mỹ đều có, chắc họ coi trên mạng, biết và vào thăm thôi. Tôi mừng, Cường là lớp người trẻ, làm kinh tế giỏi. Con của một cán bộ vùng kinh tế Nam Ban đã hưu trí.

Trại dế Thiện An tại Mê Linh, chủ trại là đôi vợ chồng rất trẻ Huy Vinh cũng phát triển từ A đến Z.Từ khâu nuôi dế đẻ, đến dế con, rồi đến dế thịt đều ở tại trại. Sản phẩm dế thịt cung cấp cho nhà hàng, khách sạn ở Đà Lạt không đủ. Tôi hỏi: - Sao anh chị không mở rộng trại cho quy mô lớn hơn? Chị vợ im lặng một chút rồi nói: - Chúng cháu cũng muốn mở rộng trại nuôi nhưng còn thiếu vốn, vay mượn chẳng dễ chú ạ, ngân hàng cũng vậy cả thôi, khó khăn lắm!

Như đã hẹn, tôi vào thăm một gia đình nông dân giỏi ở xã Đông Thanh. Chị Lê Thị Hạnh, niềm nở đưa tôi vào nhà. Nhìn ngôi nhà một lầu một trệt mái thái, kiểu dáng xinh xắn, hiện đại, nội thất tiện nghi toàn loại đắt tiền; đủ nể cho một quả phụ giỏi giang có ý chí. Hạnh từng là lính thời đánh Mỹ, sau giải phóng về học sư phạm rồi đi dạy học; nay đã nghỉ chế độ. Sau một tuần trà, tôi hỏi: - Đất đai, vườn tược rộng thế này thì cô làm sao cho xuể. Hạnh cười : – Nhà em mất đã mười năm, ba cháu đã có gia đình riêng, còn hai đứa đang học đại học. Em có 6 ha cà phê và  4000 mét vuông mác mác (chanh dây), nuôi thêm 10 con heo nái, đẻ được bao nhiêu em nuôi hết. Heo vừa rồi thất bại, giá cám đắt, lợn bán ra lại rẻ; ấy thế mà thịt lợn họ bán ra có rẻ đâu, chỉ làm giàu cho đại lý cám thôi.

Tôi hỏi thêm: - Thu nhập cà phê và chanh dây ra sao? – Hạnh nói luôn: 6 ha cà phê vừa rồi được 300 triệu đồng, chanh dây thu lại khá hơn anh à, có 4 sào mà năm qua em cũng thu được 100 triệu đồng đấy! Em phải mượn thêm người làm, chứ mình em thì làm sao được. Tôi buộc miệng: Em giỏi quá, Hạnh khoe hồi còn chồng em, có 3 lần gia đình em được đón các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước. Đó là cố thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhà thơ Tố Hữu, Phó chủ tịch hội đồng Bộ trưởng và Bí thư thành uỷ Hà Nội, bác Lê Văn Lương. Ngày đó, gia đình nông dân Lê Thị Hạnh là điển hình tiên tiến có thành tích trồng và chế biến bột dong riềng giỏi. Tôi thầm nghĩ: Cô ấy đúng là mẫu phụ nữ hiện đại, giỏi việc nhà, đảm việc công.

Còn nhiều gương sáng nữa, nếu có dịp qua dốc Tám Trăm, sang thăm vùng kinh tế Tân Hà – Lán Tranh, cảnh đẹp người đông, đất đai phì nhiêu, màu mỡ. Tỷ phú phải kể đến hàng trăm, chủ yếu là bà con ở Hoài Đức – Thạch Thất – Phúc Thọ - Đan Phượng… đời sống của nhân dân nơi đây khấm khá lắm, giàu có hơn vùng Nam Ban …Theo như số liệu của huyện Lâm Hà mà đồng chí Nguyễn Đức Tài, Phó chủ tịch huyện khi nói chuyện với các văn nghệ sĩ Lâm Đồng về sáng tác tại Lâm Hà, thì toàn huyện có hơn 100 chiếc ô tô có giá trên 300 triệu đồng, trong đó phần lớn là các hộ nông dân, hộ kinh doanh cá thể là người Tràng An.

Nhìn đoàn học sinh ríu rít tan trường ra về, dưới nắng vàng hoe, đứng trên sân trường tiểu học Nam Ban II phóng tầm mắt về phía Đà Lạt; kia là dốc Tà Nung. Con đường nhựa như con trăn gió quăng mình trườn qua khe hai quả đồi rợp bóng thông reo, sang Mê Linh, trông xa như cặp vú xanh thiếu nữ tròn căng thách thức gió trời. Lòng tôi bỗng ngân lên:

Đường  dưới khe non thật hữu tình

Cửa Tà Nung khép, dáng thêm xinh

Lên đèo dốc dựng, leo cho khoẻ

Nhún nhảy chân run, khoái chứ mình?

Bất giác tôi nói với cô giáo trẻ, các cô hãy dạy cho các em nhiều hơn nữa về tình yêu quê hương đất nước, trong đó có vùng Nam Ban quê mình, để làm sao cho cái “bình cổ” của chúng ta mãi mãi vẹn nguyên, mãi là viên ngọc xanh lấp lánh của người Tràng An trên đất cao nguyên Lang Biang kỳ vĩ. Thay cho lời kết, xin có mấy vần thơ:

Bạn đến Nam Ban một chuyến chơi

Mùa xuân bất tận, cảnh say người

Mây như phượng múa vờn non thẳm       

Suối tựa rồng phun đổ thác rơi

Người tự bốn phương về dệt thắm

Khách từ muôn nẻo đến đua tươi

Thông reo, Linh Ẩn* ngời trong nắng

Phố núi chợ đông níu kéo… mời.

2/8/2010

*: Chùa Linh Ẩn: thuộc thị Trấn Nam Ban – Lâm Hà

 Bút ký Phú Đại Tiềm