Thế nhưng, phía sau hình ảnh ấy, người lính còn những dấu lặng buồn và cả những giọt nước mắt?
- Những đêm đầu thời kỳ mới nhập ngũ, những nữ quân nhân đêm đêm thao thức nhớ về bạn bè, thầy cô nơi mái trường làng mà mình vừa tạm biệt ra đi. Và những dòng nước mắt âm thầm lăn dài trên đôi má hồng lúm đồng tiền. Những nam quân nhân thời mới mặc áo lính đêm đêm trăn trở bởi nỗi nhớ nhà, nơi người mẹ già còng lưng nặng gánh trên cánh đồng quê mà giờ đây thiếu người đỡ đần gánh vác và những giọt nước mắt ứa ra…
- Giọt nước mắt của người lính không hề bi lụy, hèn yếu mà là sự biểu hiện của lòng hận thù và sức mạnh. Sau từng trận đánh đồng đội vơi đi ít nhiều, tiễn đưa những đồng đội hy sinh, giọt nước mắt người lính ứa ra đầy tiếc thương rồi để biến đau thương thành sức mạnh cho những trận chiến đấu mới.
- Trước những dông bão cuộc đời, những giọt nước mắt người lính vẫn cứ chảy ra trước tình đời. Ấy là phút chia tay đồng đội khi tạm biệt bởi đã có quyết định xuất ngũ, phục viên. Tay nắm chặt tay phút chia ly kẻ ở, người đi, nước mắt ứa ra mà chẳng nên lời khi “ cởi sao- trao mũ”, giã từ vũ khí từ đây!
- Giây phút chạnh buồn của người lính là khi gặp lại nhau từ thời chia tay Trường Sơn. Sau bao năm chinh chiến, tuổi thanh xuân đã gửi lại nơi đèo cao, suối sâu cho nên đến tận bây giờ, hàng vạn nữ quân nhân không có cơ hội tìm được tấm chồng. Gặp nhau, mừng mừng, tủi tủi không nói nên lời. Lặng im, họ hồi tưởng thời quá khứ, suy tư thời hiện tại và nghĩ đến ngày mai…thôi đành!
- Khi biết mình đã bị nhiễm chất độc da cam thì không thể nào đem lại hạnh phúc cho người vợ vốn đã một thời mòn mỏi ngóng tin người thương nơi chiến trường. Ngậm ngùi nhưng quả cảm, người lính kiên quyết chia tay để vợ đi bước nữa. Chuyện không và chưa bao giờ giản đơn nhưng đành phải vậy. Phút chia phôi họ nhìn nhau rồi trào nước mắt.
- Giọt nước mắt của người lính hàm chứa bao nhiêu điều. Thế nhưng những giọt nước mắt của người lính bao giờ cũng đầy niềm tin, trong suốt và lạc quan. Những giọt nước mắt ấy đáng trân trọng muôn đời!