Một… khoảng trống

03:10, 08/10/2010

 Theo ông Ngọc Lý Hiển, một chuyên gia về nghiên cứu văn hóa dân gian thuộc Sở VH-TT-DL Lâm Đồng, trong thực tế, sử thi Nam Tây Nguyên vẫn đang tồn tại; chỉ có điều, công tác sưu tầm, nghiên cứu chưa được quan tâm đúng mức mà thôi.

Trong khi sử thi các vùng Bắc Tây Nguyên và Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Phước… tỏ ra khá phong phú qua cuộc tổng điều tra gần đây nhất thì ở Lâm Đồng, vùng đất được đánh giá là giàu có về văn hóa dân gian, sử thi vẫn đang là một… thách thức cho các nhà sưu tầm. Tuy nhiên, theo ông Ngọc Lý Hiển, một chuyên gia về nghiên cứu văn hóa dân gian thuộc Sở VH-TT-DL Lâm Đồng, trong thực tế, sử thi Nam Tây Nguyên vẫn đang tồn tại; chỉ có điều, công tác sưu tầm, nghiên cứu chưa được quan tâm đúng mức mà thôi.

Ở Tây Nguyên, sau “Đam San” và Xinh Nhã”, những tưởng không còn sử thi nào đồ sộ hơn nếu được phát hiện. Nhưng trong thực tế, vấn đề hoàn toàn không phải như vậy. Sau 10 năm thực hiện, đề án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên” đã mang lại kết quả bất ngờ ngoài mong đợi: Tại hơn một ngàn buôn làng Tây Nguyên, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy số lượng sử thi lên đến 620 tác phẩm; trong đó, qua chọn lọc, có 75 tác phẩm được đánh giá là tiêu biểu nhất. Mới đây, bộ sách sử thi đã được xuất bản và được cho là đặc sắc và đồ sộ bậc nhất của Việt Nam với trên 60.000 trang in ở 62 tập và được in bằng hai thứ tiếng (tiếng dân tộc thiểu số và tiếng Việt).
 
ăn hóa cổ truyền của người thiểu số
Sinh hoạt văn hóa cổ truyền của người dân tộc thiểu số.
Điều bất ngờ khác, theo các nhà nghiên cứu, hiện trên địa bàn Tây Nguyên còn đến những 400 nghệ nhân biết hát và kể sử thi – một con số gây sửng sốt cho nhiều người vì trước đó, theo phán đoán của các nhà nghiên cứu thì số nghệ nhân này ở Tây Nguyên chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay. Đặc biệt, trong kho tàng sử thi vừa mới sưu tầm, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy ít nhất là 3 bộ sử thi liên hoàn (có thể gọi là sử thi phổ hệ) là “Ốt Drông” của người Mnông. “Dông” của người Bana và “Dăm Diông” của người Xê Đăng.
 
Theo các nhà nghiên cứu thì 3 bộ sử thi này có độ dàn nhất trong hệ thống sử thi thế giới hiện nay (mỗi bộ có khoảng 100 tác phẩm liên hoàn). Dưới một khía cạnh khác, một số vùng thuộc Bắc Tây Nguyên trước đây được cho là “vùng trắng” sử thi thì qua cuộc điều tra đã phát hiện những sử thi liên hoàn. Trong khi đó, vùng Nam Tây Nguyên được đánh giá là “cái nôi” của sử thi thì hầu như không tìm thấy gì thông qua cuộc điều tra vừa rồi.
Có thật là Lâm Đồng – Nam Tây Nguyên – là “vùng trắng” sử thi? Câu hỏi này đã có ít nhất một lần được chúng tôi đặt ra và nhận được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian ở Lâm Đồng, trong đó có ông Ngọc Lý Hiển. Theo ông Ngọc Lý Hiển, thực ra, Lâm Đồng không phải là “vùng trắng” sử thi; chỉ có điều là việc đầu tư cho công tác nghiên cứu, sưu tầm chưa thật đúng mức để “tìm” những áng sử thi hiện đang còn lẩn khuất ở đâu đó trong các buôn làng. Lâm Đồng là tỉnh đa sắc tộc. Trong đó, các dân tộc bản địa Tây Nguyên thuộc hai nhóm ngôn ngữ chính là Môn Khơme (Mạ, Coho, Chill…) và Mã Lai Đa Đảo (Churu, Raglay…).
 
Theo một số nghiên cứu trước đây của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian địa phương, trong một số thể loại “hát nói” của các tộc người thiểu số bản địa Lâm Đồng thì có những bài hát phải hát từ ngày này sang ngày khác, từ đêm này sang đêm khác. Tuy nhiên, những thông tin này đã không được quan tâm đúng mức để có thể tìm hiểu xem đó có phải là những sử thi hay không.
 
Theo GS Phan Đăng Nhật – một trong những chuyên gia về sử thi của Việt Nam – thì ở Lâm Đồng, qua thẩm định của ông, đã có một số người tìm thấy được sử thi. Và, ông đề nghị: Lâm Đồng cần có đầu tư đúng mức cho công tác nghiên cứu và sưu tầm ở lĩnh vực này. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngọc Lý Hiển, số lượng nghệ nhân biết “hát” sử thi ở Lâm Đồng chắc chắn là không nhiều, và hầu hết trong số họ là người đã cao tuổi. Vấn đề đang đặt ra trong lúc này là làm thế nào có đủ nhiệt huyết từ phía lãnh đạo và có đủ cơ sở vật chất để xúc tiến ngay việc nghiên cứu sử thi Lâm Đồng.
Lâm Đồng đã có một chương trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên ở phạm vi địa phương. Điều này thật đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong khi đó, vốn văn hóa cổ truyền của người thiểu số địa phương hầu như chưa được quan tâm đúng mức như trong thời gian vừa qua ở Lâm Đồng cũng là vấn đề không phải là không đáng lưu tâm!
Khắc Dũng