Ngay từ khi mới sinh ra, cư dân bản địa Tây Nguyên đã được nghe tiếng cồng chiêng trong lễ đặt tên. Từ đó, tiếng chiêng cồng gắn với tất cả các nghi lễ vòng đời như: Lễ kết bạn, lễ cưới, lễ bỏ mả… Đến các nghi lễ nông nghiệp như lễ xem đất, lễ đốt rẫy, lễ tỉa lúa, lễ mừng lúa làm đòng, lễ đưa lúa về kho, lễ đâm trâu…
Ngay từ khi mới sinh ra, cư dân bản địa Tây Nguyên đã được nghe tiếng cồng chiêng trong lễ đặt tên. Từ đó, tiếng chiêng cồng gắn với tất cả các nghi lễ vòng đời như: Lễ kết bạn, lễ cưới, lễ bỏ mả… Đến các nghi lễ nông nghiệp như lễ xem đất, lễ đốt rẫy, lễ tỉa lúa, lễ mừng lúa làm đòng, lễ đưa lúa về kho, lễ đâm trâu… Âm nhạc cồng chiêng không chỉ tạo nên cố kết cộng đồng thân thiện, bền vững; mà còn giúp các tộc người giao lưu với các thần linh.
Cồng chiêng làm nên đặc trưng của văn hóa vùng Tây Nguyên |
Giá trị đặc sắc của văn hóa cồng chiêng làm nên đặc trưng vùng miền của văn hóa Tây Nguyên; làm nên một loại hình nghệ thuật độc đáo gắn với lịch sử vùng đất. Từ Đắk Lắk trở lên phía Bắc Tây Nguyên, dàn cồng chiêng thuộc các tộc người Ê đê, Bana lên tới 30 chiếc. Người Ê đê, Bana sử dụng âm thanh cồng chiêng để ngợi ca những chiến công kỳ tích của các anh hùng huyền thoại như Đăm Săn, Xinh Nhã… Ở Nam Tây Nguyên dàn chiêng của người Mạ, Cơ Ho chỉ có 6 chiếc, đánh bằng nắm tay. Cồng có núm của người Chu Ru có 3 chiếc được gõ bằng dùi.
Ở Nam Tây Nguyên, người Mạ đặt tên cho chiêng theo thứ tự từ chiêng lớn đến chiêng nhỏ là: Me, Đum, Dum, Thoòng, Thơ, Thế, với ý nghĩa dàn chiêng là mẹ cùng các con trong một gia đình. Còn người Cơ Ho lần lượt đặt tên cho 6 chiếc chiêng là: Me tu, Rơn nhul, M Bot, N Druh, Ntom, Kon Kông với ý nghĩa dàn chiêng là anh em cùng một tộc họ theo huyết thống bên mẹ. Người Chu ru chỉ sử dụng chiêng đôi và chiêng bốn trong các đám tang; được tấu lên trong dịp lễ bỏ mả, lễ thi múa, lễ cầu mưa…
Tất cả các bản nhạc cồng chiêng của người Chu ru đều liên quan đến các thần linh. Với người Chu ru, âm thanh cồng chiêng là ngôn ngữ giao tiếp giữa người với thần linh.
Ở Bắc Tây Nguyên, cồng chiêng có mặt ở khắp các buôn làng Jrai, Bana tỉnh Gia Lai với 5655 bộ, trong đó có 932 bộ quý hiếm. Tỉnh Kon Tum với gần 2000 bộ, trung bình mỗi bộ gồm 10 chiếc, trong đó có hơn 30 loại cồng chiêng cổ quý hiếm… Năm 2005, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESSCO công nhận là: “Kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại”. Vinh dự này đã làm thay đổi mạnh mẽ góc nhìn của công chúng đối với văn hóa cồng chiêng.
Âm nhạc cồng chiêng đã, đang và mãi mãi là trụ cột của văn hóa Tây Nguyên, là điểm nhấn sinh động trong bản sắc văn hóa tộc người, đúng như GS.TS Trân Văn Khê khẳng định: “phải nhìn nhận rằng không có dàn chiêng cồng nào ở Đông Nam Á tinh vi, tế nhị như loại cồng chiêng Tây Nguyên”.