40 năm - ngày ấy, bây giờ

02:11, 01/11/2010

40 năm - ngày ấy, chúng tôi còn là những chàng thanh niên tràn đầy nhiệt huyết, xung phong cầm bút ra trận.

(LĐ online) - Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tố Hữu (khi đó là Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương), đúng 40 năm trước đây, tại Làng hoa Ngọc Hà - Quảng Bá - Hà Nội, một khoá học đã được Hội Nhà văn Việt Nam và Ban Tổ chức Trung ương Đảng phối hợp tổ chức. Chủ nhiệm khoá học này là nhà văn Nguyên Hồng, cùng một Ban giáo vụ là các nhà văn kỳ cựu như Kim Lân, Phan Tứ, Võ Quảng, Thu Bồn, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Xuân Tùng, Ngọc Trai… Tham gia giảng dạy, truyền đạt kinh nghiệm còn có các khuôn mặt lớn của văn học Việt Nam như Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, Nguyễn Văn Bổng, Trần Hoàn…

Đồng chí Phạm Quang Nghị ( bìa ngoài) - một trong những học viên của lớp viết văn khóa IV, nay là UV Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh Hùng tại ĐH Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ IX
Đồng chí Phạm Quang Nghị (bìa ngoài, đứng) - một trong những học viên của lớp viết văn khóa IV, nay là UV Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội chúc mừng và tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng tại ĐH Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ IX. Ảnh: N. M
Khoá học đặc biệt này có 76 học viên (trong đó có 4 nữ) phần lớn là những sinh viên vừa tốt nghiệp của hai khoa Văn, Sử thuộc Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Cùng tham gia khoá học còn có phóng viên, biên tập viên trẻ của một số cơ quan báo chí, xuất bản như Trần Vũ Mai, Đoàn Tử Diễn, Phan An, Ngô Thế Oanh, Từ Quốc Hoài… và các cây bút trẻ vừa xuất hiện trong Quân đội như Triệu Bôn, Nguyễn Tri Huân, Phạm Minh Lợi… hoặc là những công nhân cầm bút như Nguyễn Khắc Phục, Lê Điệp. Ngoài ra, khoá học còn có ba nhà văn trẻ của nước bạn Lào là Xu Văn Thon, Chăn Thi, Bun Thăm, mà sau này họ đều trở thành những nhà văn lớn, và đều thay nhau giữ cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn của đất nước Lào anh em. Nhà thơ Thanh Thảo vừa nhập ngũ, chuẩn bị ra chiến trường, thuộc Cục Binh vận, Bộ Quốc phòng, tự nguyện tham gia dự thính khoá học.

Hơn 4 tháng tham gia khoá học ở Quảng Bá là những ngày không thể nào quên đối với từng học viên khoá IV chúng tôi, dù đây chỉ là quãng thời gian ngắn ngủi trong cả cuộc đời của mỗi người. Cũng trong thời gian này, nhất là sau chiến thắng vang dội ở Đường 9, Nam Lào của quân đội ta, miền Nam đang cần thêm những người lính cầm bút. Chiến trường đã lựa chọn chúng tôi, những sinh viên “mặt còn búng ra sữa” (chữ dùng của thầy giáo chủ nhiệm - Nhà văn Nguyên Hồng), và chúng tôi cũng đã lựa chọn con đường đến với miền Nam yêu thương, dù ai cũng hiểu rất rõ đó là con đường khốc liệt nhất, nhưng cũng là xứng đáng nhất của tuổi trẻ ngày ấy. Đúng như nhận định của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, trong một lần đề cập tới khoá học đặc biệt này: “Lịch sử đã chọn một thế hệ và số phận dân tộc đã quyết định con đường đi của thế hệ này. Họ có một sứ mệnh đặc biệt: ghi lại trong ký ức văn học hình ảnh một giai đoạn của lịch sử dân tộc, tạo nhịp cầu cho đời sống văn học cách mạng không bị gián đoạn…”

Tại khoá học đặc biệt này, ngay bên Hồ Tây của Làng hoa Ngọc Hà – Quảng Bá, chúng tôi, những người sẽ là những chiến sĩ tay súng, tay bút đã nhận được những bài học hết sức quý giá, những kinh nghiệm từ việc đi - chiến đấu và viết của các nhà văn đi trước như Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Kim Lân, Chế Lan Viên, Thu Bồn, Phan Tứ…, đó là tình cảm, là khát vọng sống và chiến đấu, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng quang vinh và dân tộc anh hùng. Để rồi sau những chuyến đi thực tế về với Pác Pó và “quê hương cách mạng”, về với các chiến sĩ ở Trại điều dưỡng thương binh nặng ở Phủ Lý - Hà Nam… Những trang viết đầu tay của nhiều anh chị em đã được các nhà văn đi trước chăm chút, sửa sang từng câu chữ. Đó cũng chính là những hạt cát, viên gạch đầu tiên mà các học viên khoá học này gom góp để cùng nhiều thế hệ văn nghệ sĩ khác của đất nước góp phần xây dựng nên toà nhà lớn của văn học cách mạng ngày nay.

40 năm - ngày ấy, chúng tôi còn là những chàng thanh niên tràn đầy nhiệt huyết, xung phong cầm bút ra trận. Và ở khắp các chiến trường của miền Nam đều đã từng in dấu chân của các học viên khoá học này. Từ Bình Trị Thiên cho đến Quảng Nam, Đà Nẵng, Phú Yên và các tỉnh vùng cao Đắc Lắc, Gia Lai, Đà Lạt - Tuyên Đức, xuống đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long… Hơn 70 học viên đã được bổ sung cho hầu hết các mặt trận phía Nam, họ đã sống, chiến đấu và dũng cảm hy sinh như những người lính thực thụ.

40 năm - bây giờ, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm khó quên của những ngày đã qua, và dù nay tuổi đã cao, mái tóc xanh ngày nào đều đã bạc trắng, nhưng chúng tôi vẫn không thể nào cầm lòng được khi nghĩ về những bạn học và đồng đội ngày nào, đã không còn. Nguyễn Văn Long đã hy sinh trên đường ra trận, mà cho đến tận hôm nay, 40 năm đã qua, anh vẫn còn nằm đó trên đường Trường Sơn hùng vĩ, gia đình và bạn bè vẫn chưa tìm được di hài để đưa anh về lại quê hương Hà Nội thân yêu. Nguyễn Hồng thì hy sinh ở mặt trận Quảng Đà, khi mà những trang viết của các anh mới vừa chớm nở. Và một số người nữa đã từ biệt chúng tôi mãi mãi như các anh: Hà Linh Chi, Trần Vũ Mai, Nguyễn Văn Đồng, Bùi Hồng Việt…

40 năm - bây giờ, những học viên của khoá học này có người đang được giữ những trọng trách lớn của đất nước: Phạm Quang Nghị hiện là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Đức Hạt là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Tri Huân và Lê Quang Trang đều là Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam…

Gặp mặt sau 40 năm tại Hà Nội nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội , tất cả chúng tôi đều chung một suy nghĩ: các học viên của khoá học đặc biệt ngày nào, đều hoàn toàn có thể tự hào về những đóng góp của mình cho sự nghiệp giải phóng miền Nam. Hoàn toàn có thể tự hào là tất cả những người ra đi chiến trường không có một ai “B quay” hay “chiêu hồi” trong cuộc chiến ác liệt hôm qua và cũng như bị vấp ngã vì danh lợi, tiền bạc hôm nay. Dù còn công tác văn nghệ, báo chí hay đã chuyển ra làm công tác khác; dù đã là những người lãnh đạo như Phạm Quang Nghị, Nguyễn Đức Hạt hay là những người viết văn như Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Tri Huân…, hoặc là những cán bộ nghiên cứu khoa học như Phó Giáo sư, tiến sĩ Trần Đức Cường, Nguyễn Văn Lịch… và rất nhiều những người khác nữa, tất cả mọi người đều đã vượt qua nhiều thử thách, thăng trầm của cuộc đời và số phận, đều đã đang và có những đóng góp có ích cho nhân dân, cho đất nước.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đã tâm sự rất chân thành với anh chị em chúng tôi trong cuộc gặp mặt đầy cảm động của bạn bè sau 40 năm xa cách: “Chúng ta đã may mắn gặp nhau trong những ngày đẹp nhất, hạnh phúc nhất của cuộc đời mỗi người, khi trong lòng chúng ta đều cháy sáng ngọn lửa của lý tưởng, tất cả đều khát khao được chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp thiêng liêng: giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nếu phải bắt đầu trở lại, chắc chắn chúng ta cũng sẽ chọn con đường mà chúng ta đã đi…”. Còn Nguyễn Đức Hạt, Phó Trưởng ban tổ chức Trung ương cũng chia sẻ: “Chính những ngày gian khổ, hiểm nguy ở chiến trường, đã gắn bó chúng ta và chắc chắn tình cảm ấy sẽ đi cùng chúng ta suốt cả cuộc đời…”. Và Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh thì khẳng định: “Khoá IV là khoá học đặc biệt nhất trong lịch sử 8 khoá bồi dưỡng lực lượng viết trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam và đã để lại những bài học quý giá về tầm nhìn xa của Đảng trong việc đào tạo các thế hệ nhà văn, nhà báo gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân…”

Những học viên của khoá IV năm nào, sẽ chẳng bao giờ quên, mùa thu 40 năm trước đã hội tụ về dưới một mái nhà ở Quảng Bá - Ngọc Hà - Làng hoa nổi tiếng của Thủ đô, để rồi từ đây, những người lính cầm bút này đã tự nguyện hoà mình vào trùng trùng, điệp điệp những đoàn quân ra trận…

Hoàng Kim Ngọc