Từ ký "Làng trà Dưỡng Mong giữa phố B’Lao” bàn về trách nhiệm người cầm bút

08:11, 05/11/2010

Tạp chí Lang Bian số 89 + 90 (tháng 9 +10/2010) đăng bài “Làng trà Dưỡng Mong giữa phố B’Lao” của tác giả HNC viết theo thể loại ‘Ký”. Và vì thế chúng tôi xin đề cập đến những gì mà tác giả thể hiện trong tác phẩm này.

(LĐ online) - Tạp chí Lang Bian số 89 + 90 (tháng 9 +10/2010) đăng bài “Làng trà Dưỡng Mong giữa phố B’Lao” của tác giả HNC viết theo thể loại ‘Ký”. Và vì thế chúng tôi xin đề cập đến những gì mà tác giả thể hiện trong tác phẩm này.

“Ký”, theo giải thích của Từ điển Tiếng Việt, do Hoàng Phê, Trung tâm từ điển học Việt Nam và Nhà xuất bản Đà Nẵng, xuất bản năm 2005, thì đó là một loại văn “tự sự viết về người thật, việc thật. Có tính chất thời sự, trung thành với hiện thực đến mức cao nhất”.

Từ giải thích này, chúng tôi đã lần theo những “sự thật” mà tác giả HNC đã phản ánh như thế nào và có thực sự “trung thành với hiện thực đến mức cao nhất” hay không?.

Trước hết, khi đề cập đến Xí nghiệp trà quốc doanh Bảo Lộc, được thành lập sau ngày giải phóng Bảo Lộc, 28-03-1975, tác giả viết: “Thời bao cấp, Trưởng phòng Tổ chức của xí nghiệp trà là kẻ ăn hối lộ tàn bạo nhất. Chỉ xin làm công nhân hái trà cũng phải lo lót mấy chỉ vàng mới được nhận vào”. Theo chúng tôi đây là một kết luận không chính xác. Bởi lẽ, trong thực tế, nếu có một người cán bộ “ăn hối lộ tàn bạo” như thế mà các tổ chức Đảng, chính quyền ở cơ sở cũng như các ngành liên quan của Bảo Lộc lại có thể để yên cho anh ta được ư? Xí nghiệp trà quốc doanh Bảo Lộc ngày ấy đã có khá đông công nhân, nếu vậy thì người cán bộ tổ chức kia phải có một khối lượng vàng vô cùng lớn từ việc làm phi pháp của mình. Do đó, cần phải xem lại độ chính xác của thông tin này. Vì trong thực tiễn, có thể có kẻ ăn hối lộ của một vài người nào đó thì còn giữ được bí mật, chứ ăn hối lộ của rất nhiều người thì chắc chắn không thể nào che dấu được hành vi của mình. Chúng tôi chưa biết được Trưởng phòng Tổ chức hồi đó của xí nghiệp trà là ai, và liệu hiện còn sống hay không, nhưng những cán bộ được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ ngay sau khi mới giải phóng, có thể trình độ, năng lực còn  hạn chế, song về phẩm chất đạo đức thì hoàn toàn đảm bảo và tin cậy được...

Và vì vậy, nếu tác giả viết có tính chất kết luận như đã đề cập trên đây là chưa có sức thuyết phục, nếu không nói là một sự bịa đặt quá đáng!

Cũng trong bài này, tác giả ký “Làng trà Dưỡng Long giữa phố B’Lao” có những đoạn viết thiếu cẩn trọng và có phần hư cấu. “Chính ông Năm Tố, Chủ tịch huyện thời đó khi họp với các cán bộ thu mua của thương nghiệp và Xí nghiệp trà đã gầm lên: các anh thu mua kiểu gì chẳng khác nào trấn lột? Một tay các anh bóp cổ dân đến le lưỡi, một tay các anh móc túi dân đến sạch sành sanh? Dân họ nuôi heo các anh có cung cấp rau cám cho họ không? Dân trồng trà các anh có cung cấp phân bón cho họ không? Tại sao các anh lại thu mua theo giá của các anh quy định? Thật vô lý ! Các anh chẳng khác nào bọn cường hào ác bá thời phong kiến. Ông bà xưa đã nói như đinh đóng cột: “Tiền trao cháo múc”. Vậy mà khi mua của dân, các anh chỉ viết cho họ một cái phiếu hẹn ngày trả tiền. Mà muốn nhận được tiền, dân cũng phải hối lộ cho bọn kế toán, thủ quỹ. Chúng tôi đi làm cách mạng để mang lại công bằng. Vậy mà các anh chị lại dựng lên những bất công áp bức như thế thì dân làm sao chịu  nổi?!”
 
Đoạn trích trên đây hơi dài, nhưng để rõ hơn cái “sự thật” mà tác giả HNC viết, chúng tôi đành phải làm cái việc không đáng có này. Và, chưa dừng lại ở đó, HNC còn kết luận bừa rằng: “Những lời tâm huyết, đầy tính nhân văn của ông Năm Tố mãi đến hôm nay vẫn còn vang vọng. Vậy mà đau đớn thay, sau đó ông Năm bị đánh bật ra khỏi Thường vụ Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện!”

Quả thật là cho đến lúc này, chúng tôi cũng không thể nào hiểu nổi là tác giả bài ký: “Làng trà Dưỡng Mong giữa phố B’Lao” lại có thể bịa đặt ra những sự việc như đã nêu trên. Trước hết, không thể nào tin được, trong thực tiễn lại có thể tồn tại một vị Chủ tịch huyện có những lời phát biểu trong một cuộc họp như đã trích trên đây. Cũng xin thưa với tác giả HNC là, sau giải phóng ở Bảo Lộc không có vị Chủ tịch nào tên là Năm Tố cả. Đúng ra, chỉ có ông Năm Tố La, một cán bộ ở chiến khu về được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND huyện mà thôi. Và cũng trong thời gian đó, huyện Bảo Lộc chưa hề kỷ luật một vị Chủ tịch nào liên quan đến việc phát ngôn như tác giả đã, nói gì đến việc “ bị đánh bật ra khỏi Thường vụ Huyện ủy và Chủ tich UBND huyện”. Rõ ràng, sự bịa đặt ở đây của tác giả HNC là không thể chấp nhận được.

Chưa hết, khi đề cập đến “Cuộc triển lãm hình ảnh về thành quả của huyện sau 10 năm giải phóng” tác phẩm đã viết như sau: “Ngoài hình ảnh công an, bộ đội truy quét Fulro, nhân dân hăng say lao động, bọn trộm cắp, xì ke ma túy, còn có những hình ảnh gây ấn tượng nhất cho người xem là ảnh mấy bà, mấy cô trên người  không một mảnh vải che thân, nhưng được trà, cà phê, thịt heo bó kín từ cổ xuống chân trông như những rô bốt, như người hành tinh!”

Xin bạn đọc, đọc kỹ và tự rút ra nhận xét về đoạn văn trên đây, nhất là khi nó được đặt trong bối cảnh là cuộc triển lãm “về thành quả của huyện sau 10 năm giải phóng”. Còn ở đoạn  sau thì tác giả lại miêu tả: “Trà hái xong, họ (các nhà vườn tư nhân) tự sấy khô, đóng, nén chặt lại như những viên gạch, cứng như đá. Mỗi viên hai ký, họ bó chặt quanh người từ tay đến chân. Trông họ chẳng khác những anh bộ đội đặc công ngày trước bộc phá TNT đi đánh sân bay Biên Hoà, kho xăng Nhà Bè”.

Đoạn trích trên đây không biết có được bao nhiều phần trăm sự thật, nhưng chắc chắn việc tác giả ví những người đi buôn bó chặt trà “từ tay đến chân” như bộ đội đặc công bó TNT để đi đánh sân bay… là không đúng sự thật. Bởi vì, khi ra trận, bộ đội đặc công của ta không hề có việc buộc “bộc phá TNT” từ tay đến chân. Theo chúng tôi, có lẽ tác giả cần phải có thời gian tìm hiểu thêm về cách đánh giặc của binh chủng đặc biệt này để có thể phản ánh được chính xác hơn…

Tóm lại, bài ký “Làng Trà Dưỡng Mong giữa phố B’lao” là một tác phẩm cường điệu, bóp méo sự thật. Nó hoàn toàn chưa nêu bật lên những đổi thay cơ bản của người trồng trà cũng như quá trình vượt khó của những người dân xứ Huế khi rời quê hương đến gây dựng nên một làng trà nổi tiếng ở Bảo Lộc. Qua đây âu cũng là nhấn mạnh trách nhiệm “công dân – nghệ sỹ” của người cầm bút không thể phản ánh hiện thực một cách “khuyên xằng” như HNC.
 
Hoàng Kim Ngọc