“Bằng chính tác phẩm của mình, người nghệ sỹ nhiếp ảnh không chỉ thi vị hóa cuộc sống mà phải phản ánh đúng hiện thực cuộc sống đang diễn ra như thế nào, để từ đó đặt ra những vấn đề cần làm gì để cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn bằng sự thay đổi và có khi bằng cả sự cải tạo nó nữa.
“Bằng chính tác phẩm của mình, người nghệ sỹ nhiếp ảnh không chỉ thi vị hóa cuộc sống mà phải phản ánh đúng hiện thực cuộc sống đang diễn ra như thế nào, để từ đó đặt ra những vấn đề cần làm gì để cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn bằng sự thay đổi và có khi bằng cả sự cải tạo nó nữa. Vậy, bức tranh đời thực này phải chính là đích ngắm của ống kính” – nghệ sỹ nhiếp ảnh Võ Văn Nghệ, Thư ký Chi hội Nhiếp ảnh Hội VHNT Lâm Đồng, phát biểu.
|
|
So với các địa phương khác, số lượng những người cầm máy ảnh ở Lâm Đồng không nhiều (Hội VHNT Lâm Đồng chỉ có 33 hội viên Chi hội Nhiếp ảnh). Tuy nhiên, những giải thưởng và danh hiệu – thước đo của lao động nghệ thuật – mà những người cầm máy ảnh hằng năm mang về cho nhiếp ảnh Lâm Đồng trong nhiều năm qua là không nhỏ. Một số liệu nhỏ, xin được nêu ra đây để vừa nói lên đặc thù riêng của nhiếp ảnh Lâm Đồng nhưng đồng thời còn nhằm chứng minh cho cái “tầm” của đội ngũ các tay máy xứ sở Nam Tây Nguyên: Trong 33 hội viên hiện đang sinh hoạt tại Chi hội Nhiếp ảnh Lâm Đồng, có đến 20 người là hội viên Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh VN. Và, cũng khá đặc biệt là, Lâm Đồng có đến 2 chi hội nhiếp ảnh thuộc Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh VN là Chi hội Nhiếp ảnh Đà Lạt và Chi hội Nhiếp ảnh Bảo Lộc. Điều đặc biệt, hầu như năm nào nhiếp ảnh Lâm Đồng cũng đều gặt hái những giải thưởng mang tầm khu vực, quốc gia và quốc tế. Tuy không phải là tất cả nhưng phần nào, những giải thưởng và danh hiệu đó cũng nói lên giá trị lao động nghệ thuật nghiêm túc của những người cầm máy ở Lâm Đồng.
“Lâm Đồng với đặc thù tỉnh miền núi, có nhiều dân tộc cùng sinh sống, điều kiện thiên nhiên có những khác biệt so với nhiều địa phương khác… chính là nguồn đề tài vô tận của giới văn nghệ sỹ nói chung và giới nhiếp ảnh nói riêng. Trước những chất liệu cuộc sống ngồn ngộn ấy, những năm qua, nhờ hướng ống kính của mình vào bức tranh đời thực, nhiều nghệ sỹ nhiếp ảnh của Lâm Đồng đã gặt hái những thành công nhất định” – nghệ sỹ nhiếp ảnh Võ Văn Nghệ tâm sự.
Ở Đà Lạt, hầu như ai ai cũng quen với những sương mù bảng lảng, với sự hùng vĩ của thác hồ, với muôn hồng ngàn tía của hoa, với mơ màng của rừng thông ngút ngát… Nhưng mỗi lần ngắm những bộ ảnh “Sương”, “Hoa”, “Lá”, Mầm”… của MPK, chắc hẳn ai cũng phải ngạc nhiên thác phục và giật mình tự bảo rằng, nếu không có những khoảnh khắc “chớp mắt” ấy được ghi lại thì chắc gì ta hiểu được đến nhường kia những giá trị của điều bình dị hiện hữu quanh ta. Cũng như vậy, nếu là người sống ở xứ sở Blao đất đỏ bazan, con người ta hẳn quá đỗi quen thuộc với những đồi chè ngậm sương lúc tinh mơ, những nương dâu ngát xanh chạy dài ôm lấy con suối len lỏi qua những bãi bồi, những bước chân chai cứng bám trên vách đá của những người con núi rừng… Nhưng ta sẽ không khỏi ngạc nhiên khi ống kính của những Nguyễn Văn Thương, Vũ Thị Tịnh, Phạm Bình… (Bảo Lộc) đã “chộp” được những khoảnh khắc “xuất thần” của dòng chảy cuộc sống quanh mình để lưu lại cho muôn đời sau. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Thương – Chi hội trưởng Chi hội Nhiếp ảnh Bảo Lộc (thuộc Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam) , tác giả của “Hạnh phúc tuổi già” (bức ảnh đã vượt qua hơn 1.200 tác phẩm của 227 tác giả thuộc 43 tỉnh thành trong cả nước để nhận giải nhất cuộc thi “Gia đình Việt Nam xưa và nay với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước” vừa được tổ chức mới đây) tâm sự: “Tuy thời gian cầm máy chưa dài nhưng nơi tôi đang sống và cả những nơi tôi đã qua và bấm máy đã dạy cho tôi hiểu được giá trị đích thực của cuộc sống qua ảnh. Không hướng ống kính vào bức tranh hiện thực đời sống vô cùng phong phú này thì chắc chắn những tác phẩm của tôi và của anh chị em làm nghệ thuật trên lĩnh vực nhiếp ảnh ở Bảo Lộc khó đạt được những kết quả như đã đạt được trong thời gian qua”. Thật vậy, nhờ bám sát cuộc sống mà nghệ sỹ nhiếp ảnh Lê Thái Sơn (Đà Lạt) ngay từ những ngày đầu cầm máy đã gây được ấn tượng cho giới nhiếp ảnh trong và ngoài tỉnh bằng những tác phẩm “Ánh sáng gọi rừng” (giải nhì tại một cuộc thi ảnh nghệ thuật miền Trung), “Cho màu xanh ngày mai” (giải khuyến khích tại cuộc thi “Những giá trị xanh” do Saigontimes group tổ chức)… Hoặc như, trong một lần đi thăm người quen ở bệnh viện và chứng kiến cảnh bác sỹ phẫu thuật vá môi hở hàm ếch cho trẻ, tuy chỉ là tình cờ thôi nhưng hiện thực cuộc sống ấy có giá trị “gợi ý” rất lớn giúp nhà nhiếp ảnh nữ duy nhất của Lâm Đồng Vũ Thị Tịnh chớp lấy khoảnh khắc “vàng” để làm nên một “Nụ cười mới” được trao huy chương vàng tại cuộc thi nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 4 được tổ chức tại VN có chủ đề “Vì một cuộc sống tốt đẹp trên trái đất” (cuộc thi này có khoảng 6.000 tác phẩm trên khắp thế giới tham gia). Nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Thị Tịnh tâm sự: “Hiện thực cuộc sống rất quan trọng với những người làm nghệ thuật trên lĩnh vực nhiếp ảnh như chúng tôi. Nếu không có một hiện thực đầy xúc động của em bé người dân tộc thiểu số sau khi được vá môi cười thật tươi ngay sau phút lo sợ với hai hàng nước mắt chưa kịp khô trên má, thì làm sao tôi có thể có được một tác phẩm “có tiếng nói” đến như vậy!”. Với “Nụ cười mới”, không chỉ dừng lại ở sự chia sẻ với những người kém may mắn mà Vũ Thị Tịnh còn gióng tiếng chuông đánh thức lòng trắc ẩn của cộng đồng.
Theo nghệ sỹ nhiếp ảnh Võ Văn Nghệ thì các tay máy của Lâm Đồng có thế mạnh là trong tác phẩm của mình đã phản ánh khá đậm nét hiện thực cuộc sống, mang ý nghĩa nhân văn cao; việc xử lý kỹ thuật đạt đến trình độ cần thiết; đam mê với nghề và có những sáng tạo đáng kể. Tuy nhiên, vẫn theo ý kiến của nghệ sỹ nhiếp ảnh Võ Văn Nghệ thì việc tạo dấu ấn riêng của tác giả qua tác phẩm phản ánh hiện thực đời sống chưa thật rõ nét chính là điểm yếu cần khắc phục của nhiếp ảnh Lâm Đồng hiện nay.
Thi Hoàng