Ngày 10.10.2010 Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội sẽ chính thức diễn ra. Cách đây đúng 1000 năm sau khi lên ngôi, vua Lý Công Uẩn quyết định dời đô từ thành Hoa Lư (Ninh Bình) ra thành Đại La và đổi tên là Thăng Long.
Qua mộc bản Triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới
(LĐ online) - Ngày 10.10.2010 Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội sẽ chính thức diễn ra. Cách đây đúng 1000 năm sau khi lên ngôi, vua Lý Công Uẩn quyết định dời đô từ thành Hoa Lư (Ninh Bình) ra thành Đại La và đổi tên là Thăng Long. Đến năm 1831Vua Minh Mạng đặt tên mới Hà Nội. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, nhưng đến nay kinh đô Thăng Long- Hà Nội thực sự trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn nhất và tiêu biểu nhất cho đất nước Việt Nam. Nhân dịp này lamdong.vn gởi đến bạn đọc loạt bài Khám phá Thăng Long-Hà Nội qua Mộc bản triều Nguyễn- Di sản tư liệu thế giới
|
Mộc bản khắc Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn. |
Bài 1: Lần đầu tiên tìm thấy Mộc bản khắc “Chiếu dời đô”
Ngày 1.8.2010, Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO thông qua nghị quyết công nhận Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới. Trong qúa trình tìm kiếm tài liệu Mộc bản triều Nguyễn liên quan phục vụ sự kiện kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, cán bộ và nhân viên Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (TTLTQG IV), tại Đà Lạt lần đầu tiên tìm thấy những tư liệu quan trọng về “Chiếu dời đô” của vua Lý Thái Tổ..
|
Niềm vui lần đầu tìm thấy Mộc bản khắc Chiếu dời đô. |
Gần 30 năm lấy Mộc bản làm bạn tri kỷ, đã từng tìm tòi, nghiên cứu, dịch thuật, sắp đặt các đề mục cho kho tàng Mộc bản khổng lồ với 34.618 tấm hiện đang lưu giữ tại TTLTQG IV, nhưng ngày 24.5.2010 Thạc sĩ Phạm Thị Huệ, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, cùng các cộng sự mới tìm thấy Mộc bản khắc Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ. Thạc sĩ Phạm Thị Huệ thổ lộ: “Lần đầu tìm thấy Chiếu dời đô, khiến tôi suốt 2 tuần liền không ngủ được, trong lòng cảm thấy phấn chấn nao nao. Tôi nghĩ, vua Lý Thái Tổ đã phù hộ chúng tôi khi chúng tôi đang thực hiện một số công trình nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội”.
Xin trở lại với Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn). Công Uẩn vốn họ Nguyễn, người Cổ Pháp (Bắc Ninh), mẹ họ Phạm. Ông sinh ngày 17 tháng 2, niên hiệu Thái Bình năm thứ 5 (974). Năm lên 3 tuổi, mẹ phải nhờ nhà sư Lý Khánh Văn nuôi hộ, cho nên sau này ông lấy họ Lý của cha nuôi – Lý Công Uẩn. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, khi vua Lê Trung Tông bị Lê Ngọa Triều giết, quần thần đều chạy trốn, duy chỉ có một mình Lý Công Uẩn ở lại ôm vua mà khóc. Lê Ngọa Triều nể phục khen là trung, phong cho làm Tả thần vệ Điện tiền Chỉ huy sứ. Khi Lê Ngọa Triều chết, Lý Công Uẩn được các quan trong triều đưa lên làm vua. Khi lên ngôi, ông xuống chiếu đại xá thiên hạ, lấy niên hiệu là Thuận Thiên. Năm 1010 là năm Thuận Thiên thứ nhất.
Là người thông kinh sách, mưu lược, nhìn xa trông rộng, Lý Công Uẩn thấy thành Hoa Lư chật hẹp, giao thông gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế (nông, công, thương…), bởi vậy, ông quyết định dời đô ra thành Đại La và chính tay nhà vua viết Chiếu dời đô.
Theo Thạc sĩ Phạm Thị Huệ, bản gốc Chiếu dời đô mới tìm thấy nằm trong bộ sách “Đại Việt sử ký toàn thư” (kỷ Lý Thái Tổ- quyển 2- mặt khắc 2), thuộc khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới, đang được bảo quản tại TTLTQGIV, với ký hiệu H 31/8. Đây là bản khắc chữ Hán ngược, kích thước 41x21,2cm, khuôn khổ in 29,5x20cm. Toàn bộ Chiếu dời đô có 214 chữ, không kể phần chú thích. Thạc sĩ Huệ nhận xét, bài chiếu được bố cục rất chặt chẽ, lời văn khúc triết, đầy sức thuyết phục. Lý Công Uẩn nói rõ mục đích và lợi ích của việc dời đô: “Mưu nghiệp lớn, chọn ở nơi chính giữa, dựng kế cho con cháu muôn đời; trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện lợi thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh”. Sau khi nghiên cứu từ cổ tới kim, xem xét thực tế vị trí thành Đại La, nhà vua thấy: “Thành Đại La…ở giữa khu vực đất trời, được thế rồng chầu – hổ phục, chính giữa nam – bắc – đông – tây, tiện nghi núi sau – sông trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa; dân cư không phải chịu khổ vì thấp trũng, tối tăm; muôn vật hết sức tốt tươi phần thịnh”. Lý Công Uẩn khẳng định vị trí quan trọng của thành Đại La đối với việc xây dựng và phát triển đất nước: “Xem khắp nước Việt, đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”. Cuối cùng nhà vua quyết định: “Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở”. Dựa trên bản khắc vừa tìm thấy, thạc sĩ Phạm Thị Huệ cho rằng phải dịch: “…được thế rồng chầu – hổ phục… tiện nghi núi sau- sông trước” mới thoát nghĩa, mới diễn đạt đúng được ý của nhà vua về vị trí của thành Đại La, bởi bấy lâu các sách sử đều ghi “…được thế rồng cuộn hổ ngồi…tiện nghi núi sông sau trước”.
Theo Thạc sĩ Phạm Thị Huệ, rất có thể Mộc bản Đại Việt sử ký toàn thư, trong đó khắc Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn đang bảo quản tại TTLTQG IV là bản khắc từ thời Lê (1697). Cũng có giả thiết cho rằng Đại Việt sử ký toàn thư được khắc lại vào thời Nguyễn (khoảng từ 1802-1807). Nhưng dù là bản khắc từ thời Lê hay thời Nguyễn thì Chiếu dời đô cũng là di sản rất quí, vì đây là bản khắc cổ nhất còn lại của Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay.
Lâm Viên