Trong kho tàng tài liệu Mộc bản triều Nguyễn đang được gìn giữ bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (TTLTQG IV) cho thấy các vua đời Lý-Trần đã có những biện pháp tích cực trong việc cải cách văn hóa và nâng cao trình độ dân trí.
Qua tranh vẽ, phim ảnh, chúng ta thường thấy các quan khi vào chầu vua đều đội chiếc mũ cánh chuồn và đi hia, nhưng ít ai biết tục lệ ấy xuất phát từ đời vua nào. Khi khám phá kho tài liệu Mộc bản, các chuyên viên TTLTQG IV đã tìm được câu trả lời. Ở quyển 3, mặt khắc 2 của sách Đại Việt sử ký toàn thư, (ký hiệu H31/9), đời vua Lý Thánh Tông ghi: “Mùa thu tháng 8, vua ngự điện Thủy Tinh cho bách quan vào chầu, truyền các quan đội mũ phốc đầu (tức là mũ cánh chuồn, có 2 dải cánh dương ra hai bên), chân đi hia, mới cho vào chầu. Đội mũ phốc đầu, đi hia bắt đầu từ đấy. (Kỷ Hợi, Chương Thánh Gia Khánh năm thứ nhất (1059). Còn vua Lý Nhân Tông đã có cách để buộc các quan chức phải học hành đàng hoàng, nhằm mục đích nâng cao dân trí. Tại Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 3, mặt khắc 10 (ký hiệu H31/9) có ghi: “tuyển chọn quan viên văn chức, người nào biết chữ, cho vào Quốc tử giám. (Bính Thìn, Thái Ninh năm thứ 5 (1076). Một điều đặc biệt, khi vua Lý Nhân Tông sắp băng hà đã dặn dò con cháu phải giảm mọi thủ tục ma chay lâu ngày: “không chôn cất hậu (làm ma tốn kém), làm mất cơ nghiệp; không để tang lâu, làm tổn tính mệnh,...phải tiết kiệm, không xây lăng mộ riêng…”(1) (Đinh Mùi, Thiên Phù Khánh Thọ năm thứ nhất (1127). Đây có thể xem là một nét văn hóa tiến bộ mà đến thời nay, con cháu hậu thế vẫn phải học tập noi theo.
Lập Quốc học viện và Giảng võ đường
Vua Lý Nhân Tông (năm Ất Mão- 1075) đã mở khoa thi đầu tiên ở Thăng Long- Hà Nội để tuyển dụng nhân tài phục vụ đất nước. Đời vua Trần Thái Tông vào năm Đinh Hợi (Kiến Trung năm thứ 3 (1227) tổ chức thi Tam giáo(2). Bắt đầu từ năm 1232, nhà Trần đặt ra học vị Thái học sinh. Học vị này từ năm 1442 đổi thành học vị Tiến sĩ. Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 5, mặt khắc 7 (ký hiệu H31/11), còn ghi rõ danh tính những người đỗ cao: “Tháng 2, thi Thái học sinh. Đỗ đệ Nhất giáp là Trương Hanh, Lưu Diễm; đỗ đệ Nhị giáp là Đặng Diễn, Trịnh Phẫu, đỗ đệ Tam giáp là Trần Trung Phổ. (Nhâm Thìn, Kiến Trung năm thứ 8 (1232). Tiếp đến, vua Trần Thái Tông còn mở khoa thi để chọn lựa nhân tài, định lệ Tam khôi, là danh hiệu cao quý, dành riêng cho 3 người đỗ cao nhất trong kì thi Đình (đó là Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa). Cụ thể Mộc bản quyển 5, mặt khắc 13 (H31/11), Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Đinh Mùi (Thiên ứng Chính Bình, năm thứ 16 (1247), mùa xuân, tháng 2, mở khoa thi chọn kẻ sĩ. Ban cho Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên; Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhãn; Đặng Ma La đỗ Thám hoa lang. Cho 48 người đỗ Thái học sinh, xuất thân theo thứ bậc khác nhau. Trước đây, hai khoa Nhâm Thìn (1232) và Kỷ Hợi (1239) chỉ chia làm giáp, ất, chưa có chọn Tam khôi. Đến khoa thi này mới đặt danh hiệu Tam khôi.
Không chỉ dừng lại ở các kỳ thi chọn lựa nhân tài phục vụ đất nước, vua Trần Nhân Tông còn tôn vinh những bậc hiền tài, học giỏi; mở trường lớp cho dân chúng học hành. Liên quan vấn đề này, Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 5, mặt khắc 19 (ký hiệu H31/11) ghi lại: “Tháng 6, lập Quốc học viện; đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Á Thánh (Mạnh Tử), vẽ tranh 72 người học trò giỏi của Khổng Tử (thất thập nhị hiền) để thờ. Mùa thu, tháng 8, lập Giảng võ đường. Tháng 9, xuống chiếu mời nho sĩ trong nước đến Quốc tử viện, giảng tứ thư lục kinh. (Quý Sửu, Nguyên Phong năm thứ 3 (1253). Tiếp nối công cuộc cải cách giáo dục của nhà Trần, khi lên ngôi, vua Lê Thánh Tông (Năm 1460-1497) đã cố gắng nâng cao trình độ văn hóa, dân trí bằng cách: “Sáng lập chế độ mới mẻ, văn vật bấy giờ rất khả quan; cõi bờ mở mang, cương vực nước nhà càng thêm rộng”(3).
Chú thích:
(1): Hồ sơ H31/9, Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 3, mặt khắc 25 – Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
(2): Hồ sơ H31/11, Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 5, mặt khắc 4 – Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
(3): Hồ sơ H97/3, Ngự chế Việt sử tồng vịnh tập, quyển 2, mặt khắc 16 – Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.