Chương trình khai mạc Lễ hội cầu Long Biên - 2010 vừa kết thúc, chưa có nhiều du khách trên cầu. Các tay săn ảnh bỗng nhớn nhác tới chỗ người xúm lại ở giữa cầu, văng vẳng giọng nữ ca theo tiếng đàn …
Người kéo đàn đã vào bậc “cổ lai hi” (tự giới thiệu một cách tâm đắc: “Nghệ sĩ đường phố”-Sài Gòn), tên là Tạ Trí Hải, nhập ngũ 1958 - nguyên là giáo viên văn hóa Cục Công binh, sau chuyển ngành, trở thành kỹ sư, công tác ở Cục Công nghiệp thành phố Hà Nội. Say nghệ thuật ca hát và giỏi kéo đàn từ ngày còn ở đội tự vệ-bán vũ trang, chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ xâm lược. Những hôm trực chiến, địch đến là đánh, địch đi lại… đàn, bằng chính bàn tay đã bóp cò súng nhả đạn bắn máy bay Mỹ, bảo vệ cầu Long Biên.
Người múa hát là Đặng Thị Bích Hạnh, 64 tuổi, ở Phường Thổ Quan (Khâm Thiên - Hà Nội), nguyên là chiến sĩ văn nghệ xung kích thuộc Bộ Tư lệnh Đoàn 559. Cánh thanh niên tình nguyện, học sinh, sinh viên đến vây quanh, làm bà “tái hiện” thời con gái, tươi tắn và ríu rít như chim sơn ca! Bà khoe: Chồng bà là ông Đinh Quảng – chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường Thổ Quan. Hôm 18-11-2010, ông chủ trì Hội nghị đoàn kết toàn dân của phường, bà dẫn chương trình văn nghệ và hát tặng đại biểu hai bai bài... Kết thúc hội nghị, về nhà, bà được ông thưởng bằng…tình cảm!
Một chàng “Nghệ sĩ đường phố” và cô cựu văn công Trường Sơn chung lòng yêu Hà Nội, yêu cầu Long Biên mà kết thành điệu hát cung đàn. Du khách còn chúc mừng Cựu nhà giáo-chiến sĩ công binh Tạ Trí Hải, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, ngay trên cây cầu lịch sử.
“Nốt trầm” (như tài tử vi-ô-lông Tạ Trí Hải nói khiêm nhường) ấy đã làm xao xuyến bao người trên cây cầu, giữa buổi sáng sông Hồng cuối thu đầy lãng mạn.