Sinh ra trên vùng đất sương mù giăng kín, vàng rực hoa dã quỳ, tiếng hát của Nguyên Thảo khi mới là cô bé 17 tuổi đã khiến cho không ít người ngạc nhiên. Giọng hát ấy có một sức hút kỳ lạ dẫu không qua trường lớp hay sự hướng dẫn nào, cô chỉ hát bằng tâm hồn mình. Cứ đến mùa hội diễn người ta lại tìm cô, bà mẹ lo con gái không tốt nghiệp phổ thông được, đôi lúc phải nói dối để cho con học bài thi.
Trong không gian nhỏ bé ấm áp của căn nhà trên dốc phố, Nguyên Thảo được nuôi dưỡng lòng yêu nhạc từ ngày biết hát bi bô. Cả gia đình ai cũng biết hát, các dì của Nguyên Thảo hát cho vui thôi nhưng cũng là những giọng ca của phường, có văn nghệ là góp vui. Các dì và mẹ có tiết mục, Nguyên Thảo cũng được lên sân khấu hát cho thiếu nhi. Ở đâu có đĩa nhạc mới, ba Nguyên Thảo sưu tầm về cho cả nhà nghe. Thảo là người học rất nhanh, có khi cả nhà trở thành dàn đồng ca. Có những ca khúc thích hát mà chưa cảm được hết, Thảo lại được mẹ gợi ý. Giai điệu đẹp, ca từ sâu sắc lắng đọng nơi cô từ đó.
Nguyên Thảo đã là một tên tuổi được khán giả yêu nhạc cả nước biết đến. |
Bằng mọi giá để nổi tiếng, chạy show, kiếm nhiều tiền ...không phải là sự lựa chọn của cô lúc này. Nhìn bề ngoài, người ta ngại cho vẻ điềm tĩnh một cách… thờ ơ của cô. Nhưng Nguyên Thảo luôn biết sử dụng quỹ thời gian của mình một cách hiệu quả. Cô không muốn bị mang tiếng là một ca sĩ trẻ hát non và vội vàng cầu danh. Thêm một chút may mắn, tất cả những điều đó sẽ nằm trong tầm tay khi bản thân mình đủ sức sở hữu nó, đó là cách tiến thân của cô.
Ẩn bên trong tĩnh lặng ấy là sự vận động không ngừng, chưa bao giờ Nguyên Thảo thổ lộ với ai nhưng tâm hồn cô luôn thao thức. Khao khát ngày một lớn nhưng Nguyên Thảo không bao giờ vội vàng trình bầy những tác phẩm thiếu sự mài giũa công phu.
Nguyên Thảo tự tin, thêm một chút kiêu hãnh, Tôi sẽ để lại dấu ấn không mờ nhạt với công chúng đã dành sự ưu ái cho mình.
Từ Đà Lạt, Nguyên Thảo tìm đến nhạc sĩ Dương Thụ với mong muốn "có một album được hát đúng với những gì mình thích, không bán chạy thì để cho bạn bè nghe". Đĩa demo bài Nghe mưa cô thu không chỉ thuyết phục nhạc sĩ khó tính này, mà còn chinh phục luôn cả 2 "sao" trẻ Anh Quân, Huy Tuấn. Họ dành sự ưu ái cho cô gái nhỏ bằng 6 bài hát mới.
Khăn gói ra Hà Nội cả tháng để thu album, Thảo được Mỹ Linh - Anh Quân đãi tiền nhà và phòng thu. Nhạc sĩ Dương Thụ hứa chỉ nhận tiền tác quyền nếu album bán ra có lời. Nhiếp ảnh gia Lê Thanh Hải sau khi nghe xong bản thu CD cũng chụp hình miễn phí, kiến trúc sư Nguyễn Tri Phương Đông không nhận tiền thiết kế. Vậy là Suối và cỏ được xây dựng khá "kiệm tiền", chủ yếu bằng công sức và cái tình góp lại để tôn vinh giọng ca mà nhạc sĩ Dương Thụ ví là "phảng phất nét của Nora Jones" - giọng ca vàng nước Mỹ.
Không theo kiểu phô trương giọng dày, giọng khỏe, Thảo hát như để giải tỏa chính những tâm trạng của mình, diễn đạt tâm hồn mình, kể câu chuyện của mình. Giọng của cô cũng không hực lửa bên ngoài mà chinh phục người nghe bằng sức nặng nội tâm rất sâu. Vì vậy, điều đầu tiên có thể cảm nhận ở Suối và cỏ chính là sức truyền cảm của giọng ca.
Kế đến, sản phẩm này được Anh Quân, Sơn Thạch, Dũng Đà Lạt, Hoài Sa phối rất mộc. Nền nhạc chủ yếu là trống jazz, guitar thùng, ít có bề dày của những nhạc cụ điện tử. Từ sự tinh tế của phần hòa âm này, Nguyên Thảo mặc sức phơi bày tiết tấu trong giọng ca, trong con người cô. Những bài hát được trình bày vừa chuẩn mực vừa có chất phiêu rất bình dị, tạo nhiều cảm giác pha trộn.
Với những bài quen thuộc trước đây như: Bay vào ngày xanh, Nghe mưa, Gọi anh, Nguyên Thảo cũng có chỗ đứng khá riêng so với đàn chị Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung. Cô không "gọi anh" khát cháy như Thanh Lam mà mềm mại và thiết tha từ bên trong. Tương tự, với Nghe mưa và Bay vào ngày xanh là sự mộc mạc, trong sáng và lối xử lý mềm mại.
Dương Thụ nhận xét về giọng ca Nguyên Thảo: "Nhẹ nhàng nhưng vẫn đầy đặn, có sức truyền cảm và điều quan trọng là có nội tâm rất mạnh mẽ". Đàn chị Mỹ Linh cũng không tiếc lời dành cho Thảo: "Cô ấy là một giọng ca rất có tương lai".
Lời của những bài hát mới trong album được viết từ câu chuyện của chính Nguyên Thảo từ những ngày ở Đà Lạt. Đó là chút thổn thức trong tình yêu: "Từ ngày anh đến con đường dốc bỗng thêm dịu dàng. Và em như thấy sao đẹp thêm. Và trời như bỗng xanh hơn nhiều. Và mây trắng cũng bay về thêm bát ngát" trong Ô kìa nắng. Hay là một khúc tự sự trong Mơ về mẹ: "Những ngày tháng tư, trời mưa buồn. Ngày xa vắng. Không còn, đã không còn mẹ để yêu thương. Mưa phùn, tiếng mưa phùn rất nhẹ. Lòng thương nhớ. Mơ về tiếng ru. Để có mẹ ngồi bên con". Hoặc khát vọng mong manh trong Ước muốn: "Em muốn bay mãi, nhưng trở về đâu? Em muốn trôi mãi, nhưng chảy về đâu? Em muốn yêu mãi, nhưng chẳng một ai".
Thừa hưởng nguồn cảm xúc từ Đà Lạt, thành phố sương mù có đầy hoa và cỏ dại. |
- Đường từ Đà Lạt vào Sài Gòn lập nghiệp của chị thế nào?
- Tôi nghĩ muốn phát triển nghề nghiệp thì phải tìm nơi có nhiều điều kiện. Ở Sài Gòn có nhiều thày, tôi cũng có nhiều bạn ở đây, vậy là khăn gói lên đường. Thời gian đầu tôi hát cả đám cưới để trang trải cho cuộc sống và tiền học phí. Tôi chưa bao giờ cảm thấy tủi vì điều này. Phải qua con đường sỏi đá để có thể đạt được những điều mình mơ ước, tôi vui vì có những ngày tháng tự lập đáng nhớ.
- Hành trang của chị là gì?
- Là sự cố gắng. Xác định rất rõ ràng mình yêu nghệ thuật ca hát, vì thế tôi phải cố gắng hết mình và tìm cơ hội để học hỏi. Thật ra ban đầu, mang trong mình tâm lý "cái gì cũng kém người" từ giọng hát, phong cách, quần áo nên tôi rụt rè lắm. Nhìn dáng hát "cong vai" của tôi thì biết. Nó toát lên từ tâm lý bên trong. Bây giờ thì kiểu ấy vẫn còn, nhưng chắc là do thói quen chứ không phải chịu "nặng" tâm lý nữa.
- Sau khi vào Sài Gòn lập nghiệp, chị được gì?
- Được... vẫn sống được, được làm công việc mình yêu thích và được... bạn đang phỏng vấn để viết báo (cười).
- Chị nghĩ gì về đường ca hát của mình sắp tới?
- Không nghĩ gì cả. Tôi chỉ tự nhủ bây giờ đang làm công việc mà mình yêu thích và phải làm nó một cách tốt nhất. Mà được làm việc mình thích đã là một niềm hạnh phúc rồi, đúng không? Mỗi con người có một cuộc đời, điều mình yêu thích thì mình phải làm cho tới nơi tới chốn. Đã yêu mà làm không đến nơi đến chốn thì sẽ bị nghĩ là hời hợt. Tôi không muốn bị coi là như vậy.
- Theo chị, để hát hay thì điều gì là quan trọng nhất?
- Tôi dùng cách đánh thức tâm hồn của mình.
- Làm điều này bằng cách nào?
- Tôi thừa hưởng nguồn cảm xúc từ Đà Lạt, thành phố sương mù có đầy hoa và cỏ dại. Những điều đó đánh thức tâm hồn tôi.
Và tôi nghĩ mình là người may mắn biết cảm nhận nỗi buồn, để hiểu hết giá trị của niềm vui một cách trọn vẹn hơn. Tôi thường tự hỏi mình thích nghe gì, thích nhìn gì và lắng nghe điều gì, hoặc không thích gì. Có lẽ những điều này cũng hỗ trợ cho chiều sâu của cảm xúc.
- Âm nhạc tác động đến việc xây dựng tâm hồn của chị thế nào?
- Tôi nghe nhạc không chú trọng vào hình thức mà rất quan trọng cảm giác. Thích những âm thanh làm mình có cảm giác như "bừng dậy" từ bên trong. Tôi thường nghe hai bố con Nat King Cole hát jazz hay Takakhan, Kitaro...
- Chị được Phạm Duy đánh giá rất cao. Chị cảm nhận thế nào về nhạc của ông?
- Tôi quý nhạc Phạm Duy ở chỗ ông diễn tả những nỗi đau không bị nặng nề. Có những ca khúc nghe xong thì mình muốn tự tử kiểu "trái tim tôi đang tan vỡ đây này", nhưng nhạc Phạm Duy thì nỗi đau rất nhẹ nhàng, cái đẹp cũng nhẹ nhàng, thanh thoát, rất dễ chịu.