Tranh thêu tay Đăng Việt – Mỗi sản phẩm là một tác phẩm

04:11, 24/11/2010

Nằm ẩn mình trong một tòa nhà cũ kỹ tại số 7 Nguyễn Viết Xuân (phường 4, Đà Lạt), những bức tranh thêu tay Đăng Việt dường như có hồn hơn dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân là những người sinh ra và lớn lên tại thành phố ngàn hoa.

Nằm ẩn mình trong một tòa nhà cũ kỹ tại số 7 Nguyễn Viết Xuân (phường 4, Đà Lạt), những bức tranh thêu tay Đăng Việt dường như có hồn hơn dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân là những người sinh ra và lớn lên tại thành phố ngàn hoa. Có lẽ sự yên bình, thơ mộng của Đà Lạt đã ảnh hưởng ít nhiều đến nét mộc mạc, bình dị nhưng rất sắc sảo trong tâm hồn nghệ nhân để tạo ra những sản phẩm tranh thêu có giá trị mỹ thuật và nghệ thuật cao. Và tiêu chí tranh thêu tay Đăng Việt hướng tới là biến mỗi sản phẩm của mình thành một tác phẩm nghệ thuật.
Họa sỹ Đăng Việt đang vẽ thiết kế mẫu thêu mới.
Họa sỹ Đăng Việt đang vẽ thiết kế mẫu thêu mới.
Ngay từ khi mới thành lập, cái tên Đăng Việt như một mơ ước về “Việt Nam phát triển”, “Việt Nam đăng quang” của những con người yêu quê hương, yêu Đà Lạt. “Nếu đọc theo tiếng Anh không dấu thì Đăng Việt được hiểu là “dáng Việt”, chúng tôi muốn lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc, đó là sự thêu thùa những đường kim mũi chỉ qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ Việt Nam”, chị Trần Lệ Thủy – Giám đốc Công ty TNHH Đăng Việt chia sẻ.

Chị Thủy đến với nghề thêu, với những bức tranh thêu tay như một nhân duyên. Là con gái Đà Lạt, từ nhỏ chị đã yêu nét đẹp dịu dàng của thành phố hoa và mong muốn sau này sẽ làm được việc gì đó để làm cho Đà Lạt đẹp hơn. Tốt nghiệp Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, chị không ở lại tìm một công việc có thu nhập cao như bao người khác mà về lại nơi mình sinh ra để lập nghiệp. Vốn thích những gì liên quan đến thủ công, mê những bức tranh thêu tay, chị tự mày mò học thêu mặc dù trong gia đình không có ai làm nghề này.

Là người có tâm hồn nhạy cảm, yêu Đà Lạt, chị luôn trăn trở khi nghĩ về những người phụ nữ do điều kiện nào đó không được học hành đầy đủ nên không có công việc ổn định. Vượt qua những khó khăn ban đầu để bước vào nghề thêu khi mà ở Đà Lạt, tranh thêu đã bắt đầu có chỗ đứng. Sau khi đọc “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, ngọn lửa tuổi trẻ và lòng tự hào dân tộc như được thổi bùng lên, thắp sáng trái tim và khối óc Lệ Thủy. Vậy là công ty TNHH Đăng Việt ra đời với ngành nghề chính làm tranh thêu tay, chỉ với tâm nguyện là tạo công ăn việc làm cho phụ nữ Đà Lạt và thỏa niềm đam mê tranh thêu của chị. Mới đầu chỉ là vài ba bức tranh, chị Thủy bắt tay xây những viên gạch đầu tiên cho “lâu đài” tranh thêu tay của mình. Sau hơn một tháng đi vào hoạt động, công ty TNHH Đăng Việt đã nhận được hợp đồng cung cấp 20 bức tranh về hoa và phong cảnh cho các phòng VIP khách sạn Sunrise Beach Resort Nhatrang – khách sạn 5 sao duy nhất ở Nha Trang lúc bấy giờ. Trị giá hợp đồng không lớn nhưng chính sự hài lòng của những người quản lý Sunrise Beach Resort Nhatrang đối với những sản phẩm đầu tiên của Đăng Việt đã đem lại niềm tin cho toàn công ty, từ đó tạo ra động lực thúc đẩy tinh thần sáng tạo để Đăng Việt tiếp tục tạo ra những sản phẩm tranh thêu có giá trị mỹ thuật và nghệ thuật cao.

Với tiêu chí “Mỗi sản phẩm là một tác phẩm”, chị Thủy mong muốn tranh thêu tay Đăng Việt sẽ đem lại cảm nhận sâu sắc về nhiều góc độ của cuộc sống cho người thưởng thức tranh. Từ khâu lên ý tưởng, vẽ thiết kế, chọn vải, chỉ thêu cho đến khi nghệ nhân bắt tay vào việc thêu và đóng khung để hoàn thành tác phẩm đều có bàn tay của chị Thủy. Theo chị, để một bức tranh thêu ra đời là cả một quá trình, cần phải trau chuốt, phải luôn chú ý đến chất lượng và không bỏ sót một công đoạn nào mới tạo ra được một sản phẩm tốt. Tranh thêu tay là một sản phẩm thủ công nên bằng niềm đam mê và sự sáng tạo, chị Thủy luôn cố gắng biến mỗi sản phẩm thủ công, thành một tác phẩm, để thêu tranh trở thành một nghệ thuật. Với đội ngũ thợ thêu trẻ, là những con người Đà Lạt hiền hòa, những bức tranh thêu tay Đăng Việt luôn chứa đựng những cung bậc cảm xúc gắn chặt với tâm hồn nghệ nhân. Các dòng tranh như: tranh phong cảnh (Xóm đêm,Chợ về chiều, Bức họa đồng quê, Bến đò xưa, Sau lũy tre làng, Ký ức miền quê…) là những khắc họa chi tiết và có hồn về quê hương, đất nước; tranh hoa (Hoa bất tử, Hoa sen, Hoa cát tường, Hoa lan…), tranh các loài vật (Vũ khúc đêm trăng, Tình bạn, Mã đáo thành công…), tranh bộ (Tùng cúc trúc mai, Mùa xuân, Mùa hạ, Mùa thu, Mùa đông…), tranh tĩnh vật (Hương đầu mùa, Hoa tím ngày xưa, Hoài niệm, Bên khung cửa…), nghệ thuật thêu thư pháp và đặc biệt là tranh phóng tác với những tác phẩm Có Có Không Không, Được mùa… Trong đó, nổi bật nhất là tác phẩm Chở che trong bộ sưu tập Có Có Không Không thể hiện triết lý sống qua sự phối kết các gam màu phản diện một cách tinh tế. Đài sen đang kết hạt được che chở bởi một tán lá rộng, phía trên đó như thấy cả bầu trời rực nắng. Tác phẩm không những thể hiện sâu sắc tính nhân bản trong nghệ thuật mà ngay cả kỹ thuật thêu cũng được nghệ nhân chăm chút thật kỹ càng. Hay như tác phẩm Có Có Không Không – Hương nắng với một bối cảnh rộng bó buộc trong không gian hẹp toát lên nét phản diện vốn tồn tại hiện hữu nơi mỗi tâm hồn. Qua đường kim mũi chỉ, những nghệ nhân như muốn níu kéo thời gian dừng chân cảm nhận hương vị ngọt ngào của hoa, cảm nhận cái  nắng vàng rực rỡ trên nền xanh của lá. Từ một cách nhìn khác, tác phẩm E ấp trong bộ sưu tập Có Có Không Không lại cho thấy một một nụ sen hé nở đang vén lá vươn lên làm đẹp cho cuộc sống. Bên cạnh đó, một đài sen như có như không in bóng trên nền xanh của lá, vàng của nắng tạo một cảm giác rạng rỡ nhưng vẫn sâu lắng và nhẹ nhàng…

Với niềm đam mê nghề thêu, yêu nghệ thuật cũng như tình yêu dành cho Đà Lạt, “muốn tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị nghệ thuật hơn nữa để tạo nét đặc trưng cho Đà Lạt, tạo dựng hình ảnh nghề thêu Việt Nam, tôi mong muốn bằng cách liên doanh liên kết, hợp tác và trao đổi kinh nghiệm với tất cả các doanh nghiệp, những người đã, đang và sẽ tham gia làm tranh thêu cũng như các mặt hàng thêu tay khác hay đơn thuần chỉ là những người quan tâm đến những sản phẩm may thêu thủ công của Việt Nam – một nét văn hóa của người Việt”, chị Thủy tâm sự.
 
Tuấn Hương