Viết cho ai, viết để làm gì và viết như thế nào – câu hỏi không bao giờ cũ!

02:11, 16/11/2010

(LĐ online) - Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một lãnh tụ kiệt xuất của Đảng cộng sản Việt Nam mà còn là người sáng lập, vun dưỡng nền báo chí, văn học cách mạng. Chính vì vậy, Unesco từng công nhận Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa”.

(LĐ online) - Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một lãnh tụ kiệt xuất của Đảng cộng sản Việt Nam mà còn là người sáng lập, vun dưỡng nền báo chí, văn học cách mạng. Chính vì vậy, Unesco từng công nhận Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa”.
     
 
Như chúng ta biết, cả cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gắn bó và cống hiến cho độc lập, tự do của dân tộc. Để giác ngộ, khơi dậy phong trào cách mạng, Bác luôn coi trọng vấn đề văn hóa. Trong trang cuối bản thảo “Nhật ký trong tù”, Hồ Chí Minh đã luận giải về văn hóa: “Vì lẽ sinh tồn cũng như vì mục đích cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương tiện, phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó gọi là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống, và đòi hỏi của sự sinh tồn”.

Người không chỉ đề xuất khái niệm văn hóa theo nghĩa rộng mà còn cho rằng văn hóa là một kiến trúc thượng tầng; những cơ sở hạ tầng của xã hội có kiến thiết rồi văn hóa mới kiến thiết được và đủ điều kiện phát triển được. Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã từng xây dựng và phát triển nền văn hóa mới trong thời đại mới. Đảng từng đề ra chủ trương phát triển một nền văn hóa dân tộc, khoa học, đại chúng; văn hóa là một mặt trận và những người làm công tác văn hóa là những chiến sĩ.
        
Với trách nhiệm của người cầm bút - “những chiến sĩ” trên mặt trận tư tưởng, vậy văn nghệ sĩ trước hết phải là những người phải có tính Đảng cao nhất. Mắcxim Goocki từng viết: “Tôi viết từ trái tim nhưng trái tim đó thuộc về Đảng”. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra như Hồ Chí Minh từng dạy: “Viết cho ai, viết để làm gì và viết như thế nào?” luôn luôn là câu hỏi, là sự trăn trở và là lương tâm của người cầm bút.
       
Trước hết, chúng ta cần nhận thức rõ tác phẩm của mình viết để phục vụ ai? Phải khẳng định sự nhất quán đối tượng của văn học – nghệ thuật là quần chúng nhân dân, sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước. Văn học – nghệ thuật đích thực không thể chấp nhận sự mơ hồ về đối tượng, thiếu tính giai cấp mà cần tuân thủ nguyên tắc bất di bất dịch “nghệ thuật vị nhân sinh”, “nghệ thuật phục vụ chính trị”. Do vậy, văn nghệ sĩ cần có bản lĩnh, lý luận chính trị và sự nhạy cảm chính trị, gắn bó với hiện thực đời sống, tâm tư tình cảm của nhân dân để phản ánh phong trào cách mạng của quần chúng, cổ vũ và động viên nhân tố tích cực, phê phán và đấu tranh với hiện tượng tiêu cực. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Viết và nói phải có mục đích, phải có nội dung”. Về vấn đề “Viết để làm gì”, Người khẳng định: “Viết để tuyên truyền, để giác ngộ, để đoàn kết, để thức tỉnh quần chúng”. “Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Đồng thời phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân”. Nội dung viết phải nhằm tới việc thực hiện mục đích viết, giúp cho việc đạt được mục đích viết. Nội dung viết phải chứa đựng những thông tin, những vấn đề của thực tiễn thực sự cần thiết cho bạn đọc, phục vụ lợi ích của bạn đọc, lợi ích của dân của nước. Người cũng nhắc nhở “Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra”. Tác phẩm phải đảm bảo tính chân thật nếu không sẽ làm mất niềm tin của độc giả, không có sức thuyết phục…

Trên thực tế, cũng có không ít tác giả thiếu sâu sát, thiếu đồng cảm và chia sẻ với cuộc sống nên có những góc nhìn hẹp (nhìn cây mà không thấy rừng) “lệch lạc”, “bôi đen”, “tô hồng” vấn đề, sự việc… nên thông điệp từ tác phẩm mà tác giả gửi gắm chỉ là những tiếng nói “lạc lõng”. Là người “từ giọt nước vẽ nên biển cả”, từ hiện tượng luận giải về bản chất, khuynh hướng vận động của hiện tượng, sự việc có đúng quy luật hay không, do vậy nhà văn phải luôn chia sẻ nỗi đau, chung niềm vui của nhân sinh. Từ đó, cho thấy chức năng, vai trò to lớn đòi hỏi ở văn học – nghệ thuật là phải mang tính giáo dục, tính thẩm mỹ, tính định hướng dư luận xã hội. Nói một cách khác, văn học - nghệ thuật phải hướng tới bản chất hiện thực, hướng tới cái tốt và cái đẹp của cuộc sống.

Hiện nay, văn học  - nghệ thuật đất nước đang hướng về “nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc” thế nhưng ở một vài tác giả, tác phẩm đã chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận độc giả nên trên nhiều trang văn, trang thơ có biểu hiện đề cao chủ nghĩa cá nhân, lối sống suy đồi, tâm lý hưởng lạc, vật chất hóa…là một điều rất đáng phê phán. Cá biệt cũng có những trường hợp khi phê phán cái cũ đã sa vào tình trạng hư cấu, cường điệu, khuếch đại quá nhiều làm giảm tính chân thật; thậm chí còn thiếu thiện chí, mải “bắn súng lục vào quá khứ” mà không phân tích, tìm hiểu nguyên nhân chủ quan, khách quan và tìm ra hướng vận động tất yếu của sự việc, con người.

Chúng ta biết rằng phê phán một hiện tượng nào đó trong cuộc sống rất khó vì đòi hỏi sự cân phân, tình cảm (yêu, ghét) phải được khách thể hóa – Nghĩa là cần ở người viết phải có một thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng. Phê phán không có nghĩa là đạp đổ, phủ nhận “sạch trơn”, đưa đẩy sự việc vào chiều hướng bế tắc “không có ánh sáng cuối đường hầm”. Trong phê phán cần phát hiện và xây dựng được những hành động, nhân cách tích cực và phải có thái độ khẳng định nó sẽ là cái tất yếu của xã hội.  
     
Vấn đề cuối cùng là viết như thế nào? Theo tôi cảm nhận vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là yếu tố tiên quyết. Tiếng Việt vốn phong phú, tinh tế, biểu cảm và thực tế đời sống nhân dân rất linh hoạt, sáng tạo với ngôn ngữ. Trong sáng tạo văn học – nghệ thuật không thể thiếu tính nhân dân. Do vậy, người cầm bút cần có ý thức làm giàu vốn ngôn từ, cách sử dụng ngôn từ của nhân dân, của đại chúng. Tác phẩm đi vào lòng công chúng khi nó được thể hiện một cách dễ hiểu, tránh cầu kỳ và rối rắm như thách đố người đọc, lằng nhằng như bè rau muống…Tác phẩm nhằm để giáo dục, cổ động nhưng người xem không nhớ, không hiểu được là viết không đúng, nhắm không trúng mục đích… Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần chú trọng thể hiện ngôn từ một cách ngắn gọn, hàm súc với phương châm nội dung nào hình thức ấy. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy “Ngắn gọn có nghĩa là gọn gàng, rõ ràng, có đầu, có đuôi, có nội dung thiết thực, thấm thía, chắc chắn”. Nhà văn tài năng là “phù thủy” sử dụng ngôn từ, ngôn từ đối với họ là sản phẩm của quá trình lao động miệt mài “chưng cất”… Và để tránh tình trạng dùng ngôn từ sáo  rỗng, “nhạt như nước ốc”, thiếu hình ảnh… nhà văn cần có sự quan sát mẫn cảm, biết phát hiện và thể hiện câu chữ “đắt” về những chi tiết, hành động điển hình của sự việc, con người!
       
Viết cho ai, Viết để làm gì và viết như thế nào là vấn đề không mới song cũng luôn luôn là câu hỏi không bao giờ cũ đối với quá trình sáng tạo văn học - nghệ thuật. Ý thức sâu sắc và thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ là điểm tựa, đòn bẩy để  người cầm bút có tác phẩm xứng đáng với sự kỳ vọng của công chúng thưởng thức văn học – nghệ thuật.
                                                           
Nguyễn Thanh Đạm