Có những bài hát mãi đi cùng năm tháng, và có những con người như một bản tình ca. Nhạc sĩ Hoàng Việt (sinh ngày 28 tháng 2 năm 1928 tại Chợ Lớn, Sài Gòn, nhưng suốt tuổi ấu thơ ông sống ở Cái Bè, Tiền Giang - quê mẹ) là một người như thế!
Nhạc sĩ Hoàng Việt |
Chiến tranh đồng nghĩa với chết chóc. Tuy nhiên, với một tấm lòng dễ cảm của con người đôn hậu, nghĩa tình, Hoàng Việt đã khám phá ra chất nhạc trữ tình bi thiết nơi những làn điệu dân ca xanh mướt, sáng tạo nên bản tình khúc Lên ngàn rơm rớm nỗi niềm kháng chiến: “Hò ơi! Dòng sông chảy xiết lái thuyền chèo đi/ Trên sông Vàm Cỏ Đông nước chảy ngược dòng/ Hò ơi! Em chèo thuyền đi lên rẫy Tráng Cồng cắt lúa thay chồng, thay chồng nuôi con/ Nước ngập đồng xanh lúa chết/ Gió mưa sập đổ mái nhà/ Bao nhiêu gia đình tan hoang/ Đau thương lệ rơi chứa chan”. Một sự thật nghiệt ngã, xót xa của cuộc kháng chiến đã được nhạc sĩ Hoàng Việt viết ra chứa trọn cảm xúc chân thành, trong sáng, xa thẳm. Có đau thương, có nước mắt, có đổ vỡ nhưng tuyệt nhiên không có bi lụy, não nề. Chính điều này đã làm nên giá trị nhân văn và cứu cánh nghệ thuật của Hoàng Việt. Ông không khai thác đến tận cùng cái bi kịch cá nhân, hoặc xoáy vào đời tư tầm thường, nhỏ mọn mà gắn cảm xúc của mình hòa trong cảm xúc rộng lớn thời đại. Do vậy, dù là nhạc trữ tình, nhưng ở Hoàng Việt ông đã vượt thoát được cái ủy mị, kêu than – vốn là thuộc tính của dòng nhạc này. Lời ca Hoàng Việt thường mênh mang tỏa sáng bởi một tấm lòng rộng mở, tràn trề, bao dung.
Ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, bên cạnh âm chủ là đau thương, mất mát thì vẫn còn đó những thanh âm lạc quan, yêu đời. Hoàng Việt cũng nhận ra sự thật đó. Thế là bản Nhạc rừng, điệu Valse, đầy sáng tạo ra đời, và ngay lập tức loang xa trên mọi ngả đường kháng chiến: “Cúc cu! Cúc cu! Chim rừng ca trong nắng/ Im nghe! Im nghe! Ve rừng kêu liên liên/ Rừng hát gió lay trên cành biếc/ Lao xao! Rì rào! Dòng suối uốn quanh làn nước trôi trong xanh/ Róc rách! Róc rách! Nước luồn qua khóm trúc/ Lá rơi! Lá rơi! Xoay tròn nước cuốn trôi/ Có anh chiến sĩ đi qua khu rừng vắng/ Lắng nghe nhạc rừng tâm hồn vui phơi phới/ Cây rừng dội tiếng theo lời ca mênh mang”.
Năm 1954, hòa bình được lập lại ở miền Bắc, đất nước tạm thời chia làm hai miền. Người lính nhạc sĩ Hoàng Việt tập kết ra Bắc, vào học Trường Âm nhạc Việt Nam khóa I, mang theo nỗi nhớ quắt quay miền Nam ruột thịt. Để rồi năm 1957, nhân nhận được thư vợ từ miền Nam gửi ra, nó như một cái cớ để Hoàng Việt vỡ oà trong niềm xúc cảm của con tim. Bản Tình ca được viết ra trong cái cảnh “Đêm Nam ngày Bắc” đang từng ngày từng giờ thiêu đốt ông: “Khi hát lên tiếng ca gửi về người yêu quê ta/ Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba/ Em ơi! Nghe chăng lời trái tim vọng ra/ Rung trong không gian mặt biển sôi ầm vang/ Qua núi biếc trập trùng xa xa/ Qua bóng mây che mờ quê ta/ Tiếng ca đời đời chung thuỷ thiết tha”. Một niềm hân hoan, thư thái như vỡ ào trong tiếng đập con tim. Đang là cơn sốt dẻo ở Hà Nội, bản Tình ca của Hoàng Việt đã được Quốc Hương hát vang trên Đài tiếng nói Việt Nam. Và ngay lập tức công chúng yêu nhạc cả nước nhiệt thành tán thưởng. Bởi vì nó phù hợp với lòng mong mỏi của nhân dân đối với sự nghiệp giải phóng thống nhất đất nước.
Sau khi tốt nghiệp Trường Âm nhạc Việt Nam, Hoàng Việt được cử đi học tiếp ở Nhạc viện Sofia, Bulgaria. Tại đây, dưới sự giáo dưỡng trực tiếp của vị giáo sư âm nhạc khả kính Goléminiff, Hoàng Việt đã hoàn thành bản giảo hưởng số 1 cung Đô trưởng của đời mình, mang tên: Quê hương. Bản giao hưởng này đã từng vang lên tại thủ đô Sofia trước sự thán phục của nhiều người.
Về nước, Hoàng Việt có nguyện vọng trở lại chiến trường miền Nam. Nguyện vọng đó đã thành hiện thực vào ngày 24 tháng 1 năm 1966. Ở chiến trường luôn cận kề giữa sống và chết nhưng Hoàng Việt vẫn luôn ấp ủ viết tiếp một bản giao hưởng số 2 qua âm hình chủ đạo của con sông Cửu Long quê mẹ. Tiếc rằng tất cả chỉ dừng lại ở ước nguyện. Ngày 31 tháng 12 năm 1967, con người có đôi mắt sâu thẳm, đằm thắm tình người ấy đã nằm xuống, để lại một ước nguyện dang dở về bản giao hưởng số 2 cùng những ca khúc trữ tình cách mạng mà một thời gắn bó với dân tộc, quê hương, và đã làm nên tên tuổi ông.
Người nghệ sĩ nào cũng muốn tác phẩm của mình đến với công chúng, ghi dấu ấn trong lòng người, và hơn nữa được sống lâu bền trong tâm khảm nhiều thế hệ. Tất nhiên không phải ai cũng làm được. Thường thì đụng đến tâm tư riêng, tình cảm riêng, như tình yêu đôi lứa, với những buồn vui cá nhân thì dễ thành công. Nhưng nói đến cái gì cao đẹp, to lớn hình như nó xa vời, khó len vào lòng người, may mắn được nhắc đến nhờ thời cuộc. Hoàng Việt nói về tình cảm lớn mà thốt lên như nỗi lòng riêng tư, đó là sự hoà quyện của tình người và tình đời, cái chung và cái riêng. Khi trong lòng tác giả tràn ngập tình yêu quê hương, đất nước, nhất là trong chiến tranh giữ nước vĩ đại thì cái lãng mạn cách mạng, chất anh hùng ca càng thấm đượm. Ý tưởng đó lại được chuyển tải bởi giai điệu mang hơi hướng dân ca, cái vốn có trong dòng máu người dân Việt Nam thì nó càng bám rễ vào công chúng. Thưởng thức các ca khúc Hoàng Việt ta cám ơn ông vì đã nâng tâm hồn mình bay bổng, rộng mở. Và với Hoàng Việt, đây là phần thưởng lớn mà công chúng nhiều thế hệ dành cho ông.
Năm 1996, Hoàng Việt được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về âm nhạc đợt I. Đó là một sự khẳng định mạnh mẽ, chắc chắn, xứng với những đóng góp to lớn của ông đối với nền tân nhạc Việt Nam. Ca khúc Hoàng Việt đến nay vẫn còn để lại trong trái tim chúng ta nhiều suy ngẫm, làm cho nội tâm chúng ta dấy lên nhiều rạo rực, xôn xao, nhiều ánh trời ấm nóng có giá trị truyền cảm sâu nặng của nghệ thuật yêu nước, yêu người.