“Chào rơi”, theo Từ điển Tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, Nxb Đà Nẵng, 2005) có nghĩa là “Chào mời, lấy lệ, không thật bụng”. (Ở một vùng quê đồng bằng sông Hồng, dân gian còn lưu truyền: “Chào dơi” có nghĩa là lời chào dối, nhưng chỉ dối một nửa, nửa dơi-nửa chuột, lấy từ tích: Con dơi gặp lúc “nửa đêm-giữa đường”, sà vào tổ chim, nói với chủ nhà rằng mình cũng là chim, sà vào tổ chuột, lại nói rằng mình cũng là chuột).
Rõ ràng, theo cao sang sách vở hay dân dã đời thường, nói chung, “chào rơi” hàm ý xã giao, lấy lệ, chứ không chủ ý cầu khiến thực hiện. Từ bản nghĩa của nó, chào rơi tồn tại nhiều dạng với những biến nghĩa.
Dạng đặc xệt “chào rơi” là nói dối 100%. Chào mời nhưng không thực bụng. Qua ngữ điệu, âm sắc, cách chào mời, người không tinh ý lắm cũng biết đó là “chào rơi”, quyết không ngộ nhận để tránh bị chê cười. Dạng phổ biến là chào mời xã giao, lấy lệ, “bán rơi”. Thí dụ: Gia đình đang ăn cơm, gặp người quen, thậm chí với cả người lạ mới gặp lần đầu, là chào mời: “Mời ông (bà, anh, chị…) xơi cơm!”. Bà ngồi ăn quà giữa chợ, gặp bạn, cũng đon đả: “Mời bác ăn quà”. Người quen, thân nhau không phải không có lúc: “Hôm nào đến tôi chơi nhé!”. Gọi là “bán rơi”, bởi trong dạng chào mời này không phải không có trường hợp thực lòng, mặc dù ít. Một dạng “chào bán rơi” khác, vừa để cầu khiến, lại vừa lấy lệ. Đó là lời chào mời của người bán hàng. Mục đích vận động mua hàng, nhưng khi biết người đi qua cửa hàng không có ý định mua hàng, chủ hàng vẫn chào mời lấy lệ.
Chào mời xã giao, lấy lệ trở thành thói quen, khó bỏ được. Có thể vì nó ra đời trong hoàn cảnh cộng đồng người nông dân Việt Nam xưa, sớm đèn tối lửa có nhau, làm không đủ ăn, miếng ăn là một thứ cực kỳ hệ trọng. Ở vào hoàn cảnh ấy, bản năng vừa nhân văn, vừa ích kỷ của con người dẫn đến một tình trạng giao tiếp xã hội lưỡng đôi: Mình đang ăn, gặp người khác mà không mời, e rằng mang tiếng tham lam, ích kỷ, ăn độc. Nhưng mà mời thì… có nhiều nhặn gì đâu mà ăn, thậm chí mời nhưng lại sợ người ta ngồi ăn thật để rồi không biết xoay xở thế nào.
Cũng như cách nhận biết đối với “chào rơi đặc xệt”, chỉ thông qua ngữ điệu, âm sắc, hành vi và cách mời chào, người đã lớn, dù có ít chữ hay là giáo sư, tiến sĩ thì cũng đều hiểu được bản chất của chào mời xã giao, lấy lệ. Người không hiểu sự đa dạng của chào rơi thì chưa phải là một người lớn bình thường. Chợ quê, bà bán bún riêu thoăn thoắt bốc bún, chan canh cho đám thực khách ngồi hàng ngang chờ đến lượt. Bỗng một cậu bé đi qua, bà bán bún đon đả nói với nó: “Ăn bún riêu đi cháu!”. Thằng bé ngồi thụp xuống đánh gọn một bát, xong đứng dậy đi. Bà bún đòi tiền. Nó không hiểu, cứ đi. Bà bún làm ầm lên: “Đồ ăn quịt!”. Xung quanh bàn tán: “Trẻ con nó biết cái gì. Bảo nó ăn thì nó ăn!”. Bà bún hiểu lắm cái sự “chào rơi”. Nhưng trong trường hợp này thì bà đã ngộ ra: Mải bán hàng nên mắc sai lầm!
Chào mời xã giao, lấy lệ thì thường là nói to, thăng hoa, nhưng lời đáp thì lại cực kỳ đơn giản, có khi chỉ là “Cảm ơn ông bà!”, “Vâng ạ!”. Nguyên do là vì vai trò của chúng khác nhau. Không chào mời, hoặc chào mời lí nhí, thì bị chê bai: “Đồ ích kỷ, chỉ sợ người ta ăn mất!”. Nhưng đáp lại thì thế nào cũng được. Thậm chí không đáp lại, như trường hợp người đi thu tiền điện ở phố nọ, gặp gia đình đang ăn cơm, gia chủ chào: “Mời anh ăn cơm!”. Anh ta đáp lại: “Gia đình cho thu tiền điện tháng này!”. Chẳng sao cả!
Trong quan hệ sinh nhai, bên cạnh “chào rơi” xã giao, lấy lệ là chào mời thực. Đó là chào mời khách ăn cỗ. Chào mời đối với những việc này có khi phải “thực” gấp hai ba lần. Và cái sự chào mời thực ấy, khi đã được cả người mời và người được mời quan tâm, nó cũng thăng hoa, mang chút xã giao với một sắc thái khác: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”.
“Chào rơi” xã giao, lấy lệ thuộc phạm trù lịch sử chứ không vĩnh viễn, thế mà ngàn năm rồi tồn tại. Xưa thiếu khó đã đành, nay khối nhà no đủ, dư thừa, vẫn cứ chào mời xã giao, lấy lệ đó thôi. Xem ra, chưa biết đến bao giờ nó mới thật sự không tồn tại. Bởi nội hàm nó, cái xã giao, cái lấy lệ đã tạo ra tình cảm tương ái cộng đồng và trở thành một nếp sống… Vô hình trung, nó trở thành nét văn hóa của người Việt ta. Cũng vì thế, nó trường tồn và thuyết phục. Không ít cô dâu, chú rể người Tây đã vì yêu vợ là người Việt Nam mà học và thực hành chào xã giao, lấy lệ, bồi thêm sức sống cho hành vi văn hóa độc đáo này.