Vần thơ viết giữa luống cày/ Chữ lên, chữ xuống/ Câu bay, câu chìm/Mấy dòng lấm láp gửi em/Có thương/em tát nước thêm cho đầy/ Trăng chiều ngấp nghé lùm cây/Long lanh giọt bạc/rơi/đầy bùn non/Tình ta dù chửa vẹn tròn/Câu thơ/ướt/ánh trăng son… quê mùa/Anh mang áo lấm vào chùa/ Dâng nguyên trinh trắng lên tòa tình yêu.
Nhuần nhuyễn luật - vần, là ca dao mà không phải ca dao, thơ lục bát Kiều Công Luận mang hình ảnh giản dị, như bay lên từ chính ruộng vườn, đồng đất, từ những luống cày; nhưng ý tình, cấu tứ thì không giản dị chút nào. “Thóc rơi – gặp chút nước thừa/ Lề đường thân cỏ ngác ngơ nhìn trời/Chẳng nên cánh lúa bời bời/ Xin làm cỏ mạ dâng đời chút… xanh” (Cỏ mạ). Thơ Kiều Công Luận rất tình, tình đến mức người đọc không nghĩ ông đã ở vào tuổi quá lục tuần: Thế là em lái sang ngang/Ngoảnh đi/vứt/mảnh hồng nhan giữa dòng/Còn anh vớt lá thuyền không/ Mà ăm ắp/sợ/chìm trong bão tình (Đừng em). Em cho nửa ánh mắt cười/Để anh bèo dạt mây trôi bến tìm/Em cho hương gió dịu êm/Anh đem bão tố bỏ quên đầu đình/Em cho một tiếng ân tình/Buộc anh gánh cả đời mình chạy theo (Em cho thế đã quá nhiều). Trong thơ gửi một người không kịp gặp, ông viết: Bứt chùm phượng tím cuối giêng/Bay về xứ nóng tặng em vội vàng/ Trời già sao lắm đa đoan/ Chưa xanh hội ngộ đã vàng chia ly (Gửi tím vào chiều). Và thật tài tình: Chắc nơi em khuyết vầng trăng/Thơ anh cứ lệch, kê bằng lại nghiêng/Tắt lòng một khoảng chao chênh/Lưỡi liềm sắc thế – tơ tình mỏng tang (Trăng khuyết). Thơ anh lệch hay vì thấy em khuyết mà lòng anh “chao chênh” đứng ngồi không yên, để rồi “kê bằng lại nghiêng”. Trước sợi “tơ tình mỏng tang” mà “lưỡi liềm sắc thế” thì chỉ có đứt mà thôi. Nhưng tình yêu thì không co tuổi: Gặp em ở khúc quái chiều/Gió phơ mái tóc – biết yêu là gì/ Vướng câu lục bát gốc si/Thấy mình đắm đuối không đi được rồi/ Thật tiếc là tóc bạc rồi, mới gặp em thì còn “biết yêu là gì”. Thật mâu thuẫn khi “quái chiều” rồi mà vẫn “Thấy mình đắm đuối không đi được rồi”, khi nhận ra: Em là bóng của chính tôi/Dẫn nhau chạy đến cái thời ngu ngơ/Một tay níu nửa câu thơ/Một tay vịn tiếng chuông chùa mà reo (Vấn vướng câu lục bát) Cũng có khi dí dỏm: “Chuông chùa chìm giữa xô bồ/Vào xin quét lá…/ni cô mỉm cười/ Dạy rằng: Nghiệp đã thế rồi…/Cõng tim đầy sẹo về đời mà tu (Lận đận câu thơ)
Quê hương xứ Đoài với núi Tản, sông Đà luôn nằm trong nỗi nhớ của nhà thơ Kiều Công Luận. Nơi ấy có tiếng mẹ ru thời ấu thơ “Ngọt ngào buông khúc ca dao/Quạt mo mẹ vỗ tôi vào trong mơ/… Vắng cò lạnh cả bờ sông/Cò con côi cút, trắng đồng sương sa/ Chiều nay hương khói nhạt nhòa/Từ vô tận khúc xưa xa… vọng về (Khúc mẹ ru); có tình yêu đầu đời “Bến xưa nay đã thành cầu/Ngẩn ngơ tìm mãi bãi dâu bến đò… Lạy trời đừng nổi sóng to/Bóng người xưa với con đò… đừng tan (Ngẩn ngơ). Kiều Công Luận làm thơ dễ dàng như chính thơ được tuôn chảy từ lòng mình. Tất cả những hình ảnh, câu chuyện đời thường đi vào ông tự nhiên chất chứa xúc cảm. Cơn sốt đất ở một vùng đất mới mà vừa ngày nào còn là rừng rậm hoang vu cũng thành tứ; một tờ lịch rơi cũng thành vần: “Một tờ mỏng mảnh tuột tay/ Lòng ta… một lá vàng bay về chiều” (Một tờ lịch rơi). Để rồi gom thời gian của buổi “xế chiều” thành thơ: Xót xa/ chợt nhận ra mình/Câu thơ heo hắt – mùa xanh đâu rồi/ Làm sao tìm lại bóng tôi/Khói vương lá bếp/chiều rơi sau vườn/ Sông nào chôn nhớ giấu thương/Cho tôi/vớt lại đoạn đường đã qua/…Nhặt gom/mảnh vãi mảnh rơi/ Một đời/ chắp vá thơ tôi/…cuối chiều (Thơ tôi). Kiều Công Luận vốn mộc mạc chân thành như chính lời tâm sự của ông: “Thân tôi cây tạp, gỗ thường/ Đục, cưa, đẽo, gọt thịt xương sá gì/Xin đừng sơn phết làm chi/ Thớ, vân mộc mạc – Tôi thì là tôi (Tôi), nên người viết bài này cũng không bình thơ ông nhiều vì dù có “sơn phết” thì thơ ông vẫn là những vần thơ lục bát giản dị tài hoa khiến người đọc dễ cảm. Trong trào lưu cách tân thơ (cả cấu tứ, câu chữ, hình ảnh), thơ Kiều Công Luận vẫn sáng lên những vần thơ chất chứa ý tình bằng thể thơ truyền thống dân tộc, đó là điều đáng trân trọng.