Họa sĩ Lê Duy Ứng và ánh sáng niềm tin

03:12, 01/12/2010

Cách đây 35 năm, đại tá quân đội, Họa sĩ Lê Duy Ứng bị hỏng mắt khi tham gia đoàn quân giải phóng tiến vào Sài Gòn ngày 28/4/1975. Khi tỉnh dậy, trước mắt ông chỉ một màu đen, máu từ 2 hốc mắt chảy dòng dòng...

Họa sĩ Lê Duy Ứng vẽ Bác Hồ với nhà thơ Quỳnh Hoa (Hà Tĩnh) trong điều kiện mắt không nhìn thấy, chỉ sờ tay và tưởng tượng.
Họa sĩ Lê Duy Ứng vẽ Bác Hồ với nhà thơ Quỳnh Hoa (Hà Tĩnh) trong điều kiện mắt không nhìn thấy, chỉ sờ tay và tưởng tượng.
Cách đây 35 năm, đại tá quân đội, Họa sĩ Lê Duy Ứng bị hỏng mắt khi tham gia đoàn quân giải phóng tiến vào Sài Gòn ngày 28/4/1975. Khi tỉnh dậy, trước mắt ông chỉ một màu đen, máu từ 2 hốc mắt chảy dòng dòng. Ngay lúc đó ông chợt nghĩ đến Bác Hồ, ông đưa tay với tìm tập giấy vẽ và tưởng tượng hình ảnh của Bác, dùng ngón tay vẽ lại bằng chính máu của mình. Khi bức họa hoàn thành, người họa sĩ đã ghi lên bức tranh dòng chữ bất hủ: "Ánh sáng và niềm tin - Con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân".
 
35 năm qua, trải qua 2 cuộc phẫu thuật ghép giác mạc, mắt khi sáng tỏ, khi mờ đục, có lúc tối hẳn. Nhưng niềm tin luôn đi theo họa sĩ Lê Duy Ứng thôi thúc ông sáng tạo. Hàng chục ngàn tranh vẽ, ký họa, điêu khắc đã ra đời, trong đó ông vẽ nhiều tranh và tạc nhiều tượng Bác Hồ. Đã có hơn 3.000 bức tranh vẽ ký họa chân dung Bác Hồ, gần 200 tác phẩm điêu khắc, 39 triển lãm cá nhân và nhiều giải thưởng mỹ thuật. Ông kể về những tác phẩm nghệ thuật ra đời trong màn đêm, những năm tháng hạnh phúc được nhìn thấy ánh sáng và tràn đầy niềm hứng khởi sáng tạo. Năm 1982, lần đầu tiên được ghép giác mạc thành công, đã nhiều năm sống trong bóng tối, ngay sau khi nhìn thấy ánh sáng, ông đã vẽ Bác Hồ, đại tướng Võ Nguyên Giáp và vẽ bác sĩ Nguyễn Trọng Nhân – người đã trực tiếp ghép giác mạc mang đến cho ông nguồn ánh sáng. Năm 2005, gay cả những ngày nằm trên giường bệnh ở Kyoto (Nhật) chờ ghép mắt lần 2, nằm trên giường bệnh, bằng chút ánh sáng cuối cùng ông cũng không ngừng vẽ. Ngay khi được ghép giác mạc, vừa nhìn thấy ánh sáng, dù mắt chưa hồi phục nhưng niềm vui khiến ông đã vẽ đến 500 bức ký họa trong hơn chục ngày. Vẽ cả người quen biết lẫn người không quen, người mới gặp. Từ ô cửa sổ bệnh viện, ông vẽ đường phố Kyoto đông đúc xe ôtô, hình ảnh 1 cụ già dắt chó qua đường, tất cả nhịp sống đời thường đều được ký họa như một tiếng reo của tình yêu cuộc sống.
 
Có mặt ở Đà Lạt, họa sĩ hầu như không nhìn thấy gì, trước mắt chỉ loang loáng lờ mờ. Kể chuyện với các văn nghệ sĩ Lâm Đồng trong hội thảo “Văn nghệ sĩ Lâm Đồng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, họa sĩ Lê Duy Ứng đã dành những tình cảm thiêng liêng của mình khi nói về chủ tịch Hồ Chí Minh – Người là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận của ông. Hình ảnh Hồ Chí Minh như luôn thường trực sẵn trong tâm thức của ông. Giao lưu với các văn nghệ sĩ Hà Tĩnh tại nhà sáng tác Đà Lạt, họa sĩ Lê Duy Ứng đã vẽ Bác Hồ bên cạnh Lê-nin trước sự thán phục tài năng, niềm tin và tình cảm thiêng liêng của người họa sĩ tài hoa với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Trên nền tờ bìa trắng, họa sĩ Lê Duy Ứng cầm bút, nần mò, và nhập tâm. Nét bút bắt đầu đi từ vầng trán, ánh mắt, gương mặt, mũi, râu, tóc… Chỉ trong 2 phút, từng nét Bác Hồ, Lê-nin hiện ra trong tiếng trầm trồ ngợi khen “giống, giống quá” của đông đảo văn nghệ sĩ. Tiếp đó, nhà thơ Quỳnh Hoa (hội văn nghệ Hà Tĩnh) có vinh dự được họa sĩ vẽ ký họa. Chỉ cần… sờ để vẽ, những nét nhấn nhà thơ Quỳnh Hoa với gương mặt thon gọn, mũi cao, trán hơi dô, đã được họa sĩ Lê Duy Ứng ký họa bên cạnh hình ảnh Bác Hồ. Chị Quỳnh Hoa tâm sự: “Đây là một niềm vinh dự với chị trong chuyến tham dự trại sáng tác ở Đà Lạt”.
Dù trong lúc gần như tái mù hoàn toàn, sáng tác trong bóng tối chỉ bằng trí tưởng tượng, khó gấp trăm ngàn lần, nhưng họa sĩ Lê Duy Ứng vẫn không ngừng sáng tạo. Những lúc mày mò vẽ mới thấy ánh sáng quý giá biết nhường nào.  Ông còn rất nhiều ý tưởng nghệ thuật cần làm, nếu có một điều ước, họa sĩ Lê Duy Ứng ước thêm một lần nữa được nhìn thấy ánh sáng.
 
Quỳnh Uyển