Khoa cử ở Thăng Long và Việt Nam

10:12, 05/12/2010

Trong bài trước chúng tôi đã giới thiệu đời vua Lý Nhân Tông (năm Ất Mão- 1075) đã mở khoa thi đầu tiên ở Thăng Long - Hà Nội để tuyển dụng nhân tài. Từ bước khởi đầu ý nghĩa ấy, các khoa thi của chế độ phong kiến Việt Nam được duy trì đến đời vua Khải Định triều Nguyễn (năm Kỷ Mùi-1919) mới châm dứt.

Trong bài trước chúng tôi đã giới thiệu đời vua Lý Nhân Tông (năm Ất Mão- 1075) đã mở khoa thi đầu tiên ở Thăng Long - Hà Nội để tuyển dụng nhân tài. Từ bước khởi đầu ý nghĩa ấy, các khoa thi của chế độ phong kiến Việt Nam được duy trì đến đời vua Khải Định triều Nguyễn (năm Kỷ Mùi-1919) mới châm dứt.
 
Đại việt sử ký tòan thư.
Đại việt sử ký tòan thư.
Thăng Long với các khoa thi Hương, thi Hội, thi Đình
 
Mỗi triều đại phong kiến Việt Nam đều tổ chức khoa thi với các chế độ và hình thức khác nhau, với mục đích phát hiện nhân tài, phục vụ đất nước. Trong 844 năm tồn tại, chế độ khoa cử của Việt Nam đã lựa chọn được hàng vạn nhân tài phục vụ sự phát triển của đất nước; trong đó có những người đã làm rạng rỡ cho non sông đất nước, là những tấm gương sáng cho hậu thế noi theo. Không thể phủ nhận, khoa cử là con đường công danh của con người trong xã hội phong kiến.
 
Trong lịch sử khoa cử Việt Nam đã có 184 khoa thi: Triều Lý tổ chức được 6 khoa thi; Triều Trần 14 khoa; Triều Hồ 2 khoa; Triều Lê 28 khoa; Triều Lê Trung Hưng hay Lê- Trịnh tổ chức 73 khoa; Triều Mạc 22 khoa và Triều Nguyễn 39 khoa. Chế độ khoa cử thời Phong kiến được tổ chức rất nghiêm ngặt và chia làm 3 kỳ: Thi Hương, thi Hội, thi Đình. Thi Hương là thi ở các trấn, các tỉnh. Chỉ những Tỉnh có khả năng mới được mở một trường thi. Thông thường, các trấn hoặc tỉnh lân cận gộp lại thành một trường thi. Thi Hội và thi Đình được tổ chức tập trung ở Kinh đô.

Khoa thi Hương
 
Người đi thi Hương không bị giới hạn về độ tuổi, nhưng phải dự kỳ kiểm tra trình độ trước đó khoảng một năm. Trước khoa thi chính thức 4 tháng lại phải dự sát hạch một lần nữa. Khoa thi Hương tổ chức rất nghiêm ngặt, điều kiện dự thi được quy định chặt chẽ; nội dung thi và chấm thi rất nghiêm túc. Triều đình cắt cử các quan có uy tín làm chánh Chủ khảo, phó chánh Chủ khảo, Tri cống tử, chánh phó Đề điệu, Giám đằng lục và quan Giám thí để giữ trật tự trường thi. Các quan chấm thi gọi là nội liêm và ngoại liêm phải cách ly với bên ngoài để tránh thiên vị hoặc hối lộ. Điểm chấm thi xếp thành 4 cấp: Ưu, bình, thứ và liệt.
 
Thí sinh đỗ đạt trong kỳ thi Hương được lấy từ người có điểm cao xuống thấp theo danh sách chấm thi và chia làm 2 loại: Tốp đầu bảng có danh hiệu là Cống sĩ hoặc Hương cống (số lượng do nhà vua quyết định). Đến triều Nguyễn, năm Minh Mạng thứ 2 (1821) thì đổi thành Cử nhân. Những người đậu cử nhân được phép thi Hội. Tốp sau đó có danh hiệu là Sinh đồ. Đến năm Minh Mạng thứ 2 (1821) thì đổi thành Tú tài. Người đỗ ở tốp này không được đi thi Hội.
Khoa thi Hội
 
Thi Hội là khoa thi cấp quốc gia chỉ dành cho những người đã đỗ Cử nhân hoặc tốt nghiệp trường Quốc Tử Giám. Thi Hội cũng phải trải qua các 7 giai đoạn như thi Hương nhưng mức độ cao hơn nên còn được gọi là đại khoa. Bài thi sau khi được quan chủ khảo chấm xong, phải dâng lên Vua duyệt, sau đó mới công bố kết quả. Người đỗ kỳ thi Hội được danh hiệu Tiến sĩ (quan Nghè). Các Tiến sĩ được Vua ban cân đai áo mão để vinh quy bái tổ và được dự khoa thi Đình.
 
Khoa thi Đình
 
Thi Đình được tổ chức rất long trọng tại sân đình nhà vua. Lễ khai mạc diễn ra tại điện Cần Chánh và có Vua ngự giá. Trong ngày công bố kết quả, các Đại tân khoa được thiết đãi tại điện Thái Hòa. Các tân Tiến sĩ được vinh dự khắc tên trên bia Tiến sĩ để lưu danh muôn thuở. Kết quả thi Đình có 3 loại học vị: Tiến sĩ cập đệ (xếp vào bảng Đệ Nhất giáp), Tiến sĩ xuất thân (bảng Đệ Nhị giáp) và Đồng Tiến sĩ xuất thân (bảng Đệ Tam giáp). Đến triều Nguyễn còn có thêm học vị Phó bảng (người có điểm thi gần sát với hạng Đệ tam giáp).
 
Ngoài ra, chế độ khoa cử còn có khoa thi cao hơn thi Đình là khoa Đông các. Khoa này lấy Tam khôi và dành cho những người đã đỗ Tiến sĩ và đang làm quan. Trong thời kỳ phong kiến, những người đỗ đạt rất được nể trọng đặc biệt đối với những người đỗ Đại khoa. Người đỗ Cử nhân được bổ nhiệm đi làm quan ở các tỉnh, huyện. Đỗ Tú tài được tuyển dụng làm Giáo thụ (cấp phủ) hay Huấn đạo (cấp huyện). Tú tài cũng có thể mở trường dạy học để đào tạo nhân tài cho đất nước.

Khoa cử triều Nguyễn
 
Qua khảo cứu khối tài liệu mộc bản triều Nguyễn (được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới), TTLTQGIV thống kê được 434 mặt khắc bản gốc Mộc bản, khắc in về chế độ khoa cử dưới triều Nguyễn qua các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình. Hồ sơ Mộc bản H 62/2 ghi “từ năm Đinh Mão đời vua Gia Long đến năm Tân Mão đời vua Thành Thái, tổng cộng có 38 khoa thi Hương”. Ngoài việc khắc in về thi Hương, tài liệu Mộc bản triều Nguyễn còn khắc in về các kì thi Hội, thi Đình…dưới triều Nguyễn (hồ sơ H 62A, H62B, H62C).
 
Việc khắc in chế độ khoa cử dưới triều Nguyễn rất chi tiết, từ thể lệ, phép tắc thi đến danh sách các vị đỗ đạt trong các kì thi rất cụ thể. Tài liệu mộc bản triều Nguyễn đã khắc ghi tên tuổi, quê quán…những người thi đỗ trong các khoa thi Hương ở các trường trong cả nước. Đối với các kì thi Đại khoa (thi Hội, thi Đình), mộc bản triều Nguyễn khắc ghi tên tuổi và tiểu sử những người đỗ đạt, đồng thời khắc ghi tên tuổi, quê quán những người có quan hệ thân thuộc cùng đỗ Đại khoa. Đây là những tài liệu gốc rất quý đang được bảo quản tại TTLTQG IV.
 
Dưới triều Nguyễn cũng như các thời đại trước, việc tổ chức các khoa thi nhằm mục đích kén chọn nhân tài, bổ sung quan chức cho chính quyền. Đây là việc quan trọng, được triều đình rất quan tâm và còn nguyên giá trị đối với thời đại hôm nay.  Đúng như trong bài ký bia Tiến sĩ khoa Đại Bảo Nhâm Tuất do Hàn lâm viện Thừa chỉ Thân Nhân Trung soạn, có viết: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế, các bậc đế vương thánh minh chẳng ai không coi việc kén chọn kẻ sĩ, bồi dưỡng nhân tài, vun trồng nguyên khí làm công việc cần kíp”.

Lâm Viên- Phạm Thị Huệ