Bước xuống xe, cô trở về với phố núi cùng với cái rét mướt của chiều tàn cuối đông. Hất ngược mái tóc dài quá lưng cô hít căng lồng ngực hương Cao Nguyên đã bao năm cô mới có dịp quay về.
Ảnh minh họa. |
Bước xuống xe, cô trở về với phố núi cùng với cái rét mướt của chiều tàn cuối đông. Hất ngược mái tóc dài quá lưng cô hít căng lồng ngực hương Cao Nguyên đã bao năm cô mới có dịp quay về.
Cô nhận ra trong gió thoảng mùi ngai ngái đăng đắng của dã quỳ. Chưa nhìn thấy hoa mà hương đã phả vào trong gió trãi khắp phố núi, lùa vào nỗi nhớ của cô bao năm cất kỹ.
Men theo lối mòn cũ đưa cô về nhà của Dì. Chân khẽ đạp lên vạt cỏ, cô lắng nghe tiếng chuông chùa ngân vang, cô lặng đi giây lát rồi dừng lại. Chùa Khánh Hỷ sát bên nhà, mỗi sớm, mỗi chiều tiếng chuông chùa như nhịp thở hiền hòa. Chùa vẫn thế, không có gì thay đổi. Vẫn tường cũ rêu phong, mái cong cong cổ kính, những cội mai đang nhú những mầm non tơ, nụ xinh xinh ken dầy hơn cả lá, vườn sầu riêng xen với vú sữa đang nồng nàn đơm hoa kết trái. Cô đi ngang nhà cũ, ngôi nhà gỗ cách đây hơn 10 năm của mẹ con cô. Cô đứng nép bên dậu thưa đưa mắt tìm căn nhà nhỏ bé.
Không còn vết tích. Chủ mới đã phá nhà cũ thay vào đấy là ngôi biệt thự lộng lẫy. Sống mũi cay cay, cô như nhìn thấy dáng mẹ cặm cụi đan sọt. Cảm thấy hơi ấm của mẹ quấn quýt bên chị em cô mỗi khi trời trở lạnh hay vào những đêm giông gió.
Dì nhận ra cô từ xa. Lật đật chạy ra ôm đứa cháu như cánh chim bạt xứ. Xúc động chẳng nói nên lời nên Dì cứ thổn thức gọi: “Cháu ơi”.
Đêm lạnh.
Dì đốt than sưởi ấm. Cô như trẻ nhỏ nằm hẳn vào lòng Dì để Dì bóp lấy đôi tay gầy gầy của cô, thiu thiu ngủ khi Dì lùa tay lên tóc. Dì thầm thì kể bao nhiêu là chuyện . Chuyện nhà cũ, chuyện đồi dã quỳ, chuyện đất đai bị người ta lấn... Cả chuyện Công, người bạn học cùng lớp ngày xưa thỉnh thoảng vẫn xách chôm chôm, sầu riêng thăm Dì roi ra về bao giờ cũng hỏi: “Cháu của Dì chừng nào về?”, ngập ngừng lúc lâu sau câu trả lời của Dì: “Chẳng biết được nó. Nó như bèo trôi biết đâu mà dừng.” Công nhẹ thở dài dặn thêm dì một câu: “Cô ấy về xin Dì cho cháu hay. Cháu chỉ muốn xem độ này cô ấy sống ra sao?”. Cô thiếp đi trong hơi ấm của Dì, trong chập chờn câu hỏi: “Mình muốn hỏi cậu co vui không khi về chốn cũ”.
Nhà cô trước kia ở dưới đồi dã quỳ. Gọi là đồi dã quỳ là vì cứ mỗi độ xuân sang dã quỳ vàn rực như nắng cả quả đồi rộng lớn. Dã quỳ giăng khắp phố núi nhưng tập chung nhiều nhất là ở ngọn đồi phía sau nhà cô. Mỗi sớm tinh sương cô hay chạy vù ra ngõ nhìn sương long lanh đọng trên cánh hoa ngoài dậu thưa. Dã quỳ mọc xen lẫn với hàng bông bụt, xuân sang hàng rào rực rừ sắc vàng dã quỳ, sắc đỏ bông bụt nhìn thấy thích mắt.
Nhiều người gọi dã quỳ là cúc quỳ, sơn quỳ, quỳ dại, cúc Nitobe, hướng dương Mexico…Hoa mọc hoang dại trên khắp Cao Nguyên nhưng cô cứ đinh ninh ở Lâm Đồng của cô nhiều loài hoa này nhất. Dã quỳ là hoa dại những vô cùng kiêu hãnh. Hoa không hướng theo ánh nắng mặt trời như hướng dương mà dịu dàng nghiêng mình theo gió đưa.
Cô xem dã quỳ là chiếc đồng hồ riêng mình. Ngày được bắt đầu từ lúc mặt trời nhô lên từ ngọn đồi dã quỳ và kết thúc sau khi mặt trời trốn sau đồi. Tháng năm cũng được tính bằng mùa dã quỳ. Khi cuối đông, xuân chớm sang là dã quỳ vàng lối ngõ…là năm hết, tết đến.
Cô khoát nước rửa mặt bằng nước nơi khe suối, thấy cô gái trong ánh nước nhìn cô nhoẻn miệng cười. Chân trần cô lên đồi dã quỳ…Nâng một cành hoa dại, cô thấy trong làn sương mỏng cả cô và dã quỳ trở nên mong manh vô cùng. Chỉ khác dã quỳ dù sớm mai hay trưa nắng gắt hoặc chiều lạnh tái tê dã quỳ vẫn vàng rực, tinh khôi, e ấp mang sức sống mãnh liệt. Còn cô, cô cô yếu mềm hơn dã quỳ, ủy mị hơn dã quỳ…
Tối qua khi Dì hỏi: “Có cho Công và bạn bè cũ hay con về không?”. Cô nghẹn lời bảo: “Thôi, Dì ạ. Con không có chuyện gì vui để kể. Hôm nào con sẽ trở về nữa…Khi nào có chuyện gì vui để kể...” Bỗng thấy mắt mình cay cay, vài giọt sương mai hay nước mắt rơi lên hoa dã quỳ….Cô bỗng nhớ mái tóc dài buông xõa của cô giáo cũ... Muốn đến thăm cô ấy quá, lại thôi…Cô có chuyện gì vui để mà kể cho cô ấy nghe đâu….
Từ trên đồi cao cô nhìn xuống thung lũng trãi dài hút mắt... Nhà cô đó, căn nhà gỗ nhỏ chẳng đủ che mưa che nắng bốn mùa mà rộn rã tiếng cười; mẹ cô đó, người chải tóc để cho con gái ngồi thắt bím cho mẹ; út của cô đó, lủi thủi rủ chị Ba đào ao thuê cho chị Hai đóng học phí... Phía xa kia là nhà Dì lẫn trong vườn sầu riêng đang mùa trái rụng trong vườn….
Quệt nước mắt, lời Dì như ám ảnh: “Chẳng biết được nó. Nó như bèo trôi biết đâu mà dừng”…
Cúi hôn dã quỳ, cô thì thầm... Mai mình về... nhớ dã quỳ lắm, dã quỳ ơi”