Sắc màu huyền bí tín ngưỡng của đa thần

04:12, 29/12/2010

Bất cứ nền văn minh nào cũng gắn với một dòng sông. Các dân tộc bản địa ở Đam Rông cũng vậy; có biết bao thế hệ đã cư trú bên sông K’rông Nô; càng không thể đếm được có bao nhiêu câu chuyện diễn ra bên dòng sông này – Những câu chuyện góp phần hình thành bản sắc văn hóa riêng có của các tộc người Tây Nguyên.

Bất cứ nền văn minh nào cũng gắn với một dòng sông. Các dân tộc bản địa ở Đam Rông cũng vậy; có biết bao thế hệ đã cư trú bên sông K’rông Nô; càng không thể đếm được có bao nhiêu câu chuyện diễn ra bên dòng sông này – Những câu chuyện góp phần hình thành bản sắc văn hóa riêng có của các tộc người Tây Nguyên.

Dòng sông K’rông Nô chảy trong tâm thức của người Cill ở Đạ Long, Đạ Tông, người Mnông ở Đạ Mrông, Rô Men, Đạ Rsan. Bởi từ xa xưa, tất cả các nghi lễ cộng đồng của tổ tiên đã diễn ra bên dòng sông này: từ lễ chuyển buôn đến lễ đâm trâu. Đây là dịp để dân làng tề tựu đông đủ để “Cầu xin thần núi, thần sông, thần suối… chứng giám, gia hộ mọi điều tốt lành cho dân làng…”. Họ đánh đồng la, thổi khèn, múa hát suốt đêm bên đống lửa, cạnh cột nêu đâm trâu… với câu chuyện thần thoại linh thiêng về nàng Đạ Bú Ka Kông - người con gái được sinh ra từ sông K’rông Nô và sông K’rông Ana. Nữ thần đã để lại dấu tích của mình là 2 dòng suối nước nóng, một ở Đưng K’Nớ, một ở Đạ Long - Đây là nơi vị nữ thần đun nước tắm cho con trong 2 lần sinh nở. Sau đó, Bông theo cha lên núi, Bang theo mẹ xuống biển. Câu chuyện này giống với mô típ của người Việt về truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ. Người Cill ở Đạ Long không chỉ truyền lại cho con cháu sự tích về bà Ka Kôông, mà còn thực hiện nhiều nghi lễ cầu xin vị thần này sức khoẻ và an bình.

“Chuyện tình bên sông K’rông Nô” được truyền trong dân gian bằng hình thức ngâm kể. Bản trường ca được mọi người ưa thích bởi có hình ảnh của chính họ gắn với dòng sông K’rông Nô. Ngay trong đoạn mở đầu: “Ngày sống cùng mẹ, cùng cha nhớ hoài sông K’rông Nô… Mẹ như một nụ hoa hồng… Cha là một vị anh hùng. Sinh người con trai - Đặt tên là Đại Bàng. Gia đình sống nơi sông K’rông Nô”. Đại Bàng trưởng thành, chàng yêu một sơn nữ tên là Hoa Lang. Đại Bàng đưa Hoa Lan về thăm buôn làng mình: “Núi này thuộc về sông K’rông Nô… Suối này là suối K’rông Nô... Cha và mẹ sống trên đầu sông K’rông Nô… Bây giờ hoa từ đầu sông K’rông Nô không còn như lúc xưa… Sông K’rông Nô đã có những bãi cát để tìm bạn bè… Rừng K’rông Nô như một khu vườn lớn… Đường đồng bằng K’rông Nô không còn cao. K’rông Nô ơi, hãy mang mặt trời về sông ta”.

Dòng sông K’rông Nô thao thiết chảy, và hoà trong lòng nó những khát vọng sống của miền sơn cước, những mơ ước cháy bỏng được hoà mình với thiên nhiên. Có lẽ vì thế, những truyền thuyết, truyện cổ tích bên sông K’rông Nô thường xuất hiện chàng Trăng, nàng Nai, nàng Chim Cút, hoặc con khỉ, con hổ, con rồng nước như: Chuyện tình Đung - Lan; Chuyện người anh hùng; Chuyện con vắt; Chuyện giết con rồng nước; Chuyện con khỉ đứng cây… mà chuyện chàng Trăn là một ví dụ: Xưa có một người đàn bà mang bầu đang đứng phơi lúa, bỗng bị con của thần mặt trời nhập vào, ngay sau đó bà trở lại và sinh ra một con trăn. Từ khi có trăn thần ở trong nhà, khi bà mẹ thiếu nơm bắt cá, Trăn làm nơm bắt cá; thiếu gùi thì Trăn đan gùi; thiếu sà gạt thì Trăn rèn sà gạt… Thấy Trăn tài giỏi, nàng Nai, nàng Heo rừng, nàng Chim Cút đều muốn bắt Trăn làm chồng. Mẹ chàng Trăn bảo nàng nào giã một bao lúa thành một bao gạo mới lấy được Trăn. Nàng Nai và nàng Nai vừa giã, vừa ăn hết cả gạo lẫn cám nên đã thua cuộc trước nàng Chim Cút.

Một hôm, nàng chim Cút đi xách nước về tiếp bạn của chồng, chàng Trăn thấy nước đục nên đã từ bỏ nàng. Cút tức giận mang con bỏ đi. Ít lâu sau, Cút biến thành viên ngọc rơi vào tay chàng Trăn và nói: “Nếu chàng lấy được vợ như nàng Cút thì viên ngọc sẽ biến mất; nếu không, viên ngọc sẽ ở mãi bên chàng!”. Sau đó, chàng Trăn lần lượt kết hôn với các nàng Hoa Bầu, Hoa Bí, Hoa Ớt, Hoa Cà nhưng viên ngọc vẫn còn nguyên. Chỉ khi chàng kết hôn với nàng Hoa lúc đó viên ngọc biến mất. Vì nàng Hoa chính là hoá thân của nàng Cút. Một hôm chàng Trăn lấy kẹp tóc của nàng Hoa, đổ nước gạo xuống đất biến thành cây đa cổ thụ. Nhiều loài chim đậu trên cây đa, bố nàng Hoa bắn chim nhưng chim không rơi. Thấy chàng Trăn quấn ở gốc cây đa, ông bố cả sợ nói: “Nếu thích con gái tôi hãy thả cây đa ra”, và mời chàng Trăn về nhà làm đám cưới. Chàng Trăn đã cứu giúp dân làng qua nhiều phen hoạn nạn. Cuối cùng, chàng đã đem quần áo xuống sông K’rông Nô trả cho thần Rồng. Từ đó, chàng trở thành người anh hùng của tộc người M’nông.

Huyền thoại bên sông K’rông Nô nhuốm màu sắc huyền bí của tín ngưỡng đa thần. Nó là một trong những câu chuyện dẫn các tộc người Tây Nguyên về thưở nguyên khai - Một thưở nguyên khai thiêng liêng, kỳ diệu và đầy sức mạnh.
 
Đinh Thị Nga