Thái độ đối với tiếng Việt

11:12, 08/12/2010

Là một giáo viên dạy môn ngữ văn trung học phổ thông thường xuyên tiếp xúc với các bạn trẻ, chấm bài, đọc thư từ, giấy tờ ghi chép, sổ lưu bút... của các bạn, tôi nhận thấy một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ sử dụng tiếng Việt không chính xác.

Là một giáo viên dạy môn ngữ văn trung học phổ thông thường xuyên tiếp xúc với các bạn trẻ, chấm bài, đọc thư từ, giấy tờ ghi chép, sổ lưu bút... của các bạn, tôi nhận thấy một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ sử dụng tiếng Việt không chính xác.

Ở đây tôi không nói đến các lỗi chính tả, lỗi về ngôn ngữ mà các bạn mắc phải. Tôi muốn nói đến những điều các bạn biết là sai nhưng vẫn sử dụng. Tôi chỉ lấy một trong rất nhiều ví dụ mà tôi đã gặp và biết nhiều người khác cũng đã gặp.

Tôi đọc trong một cuốn sổ ghi chép có học sinh viết như sau: “you hỏi tôi thík làm j à? Tôi thík làm ca sĩ. Còn sở thík của tôi à? Tôi thík đi shopping, đi en hàng, xem fim, thík tém... nói chung thík nhiều lém. (Bạn hỏi tôi thích làm gì à? Tôi thích làm ca sĩ. Còn sở thích của tôi à? Tôi thích đi mua sắm, đi ăn hàng, xem phim, thích tám, nói chung thích nhiều lắm)”.

 

 
Thật sự khi đọc cách viết của các bạn như vậy, tôi cảm thấy cực kỳ khó chịu! Ở đây tôi cũng chưa nói đến việc các bạn chêm tiếng Anh vào quá trình nói và viết của mình. Tôi muốn nói đến những từ như: thík (thích), j (gì), en (ăn), tém (tám), lém (lắm)... Những trường hợp này các bạn biết là sai nhưng vẫn sử dụng. Khi được hỏi thì các bạn nói là viết tắt cho nhanh, và một trong những lý do muốn viết cho nhanh là do nhắn tin qua điện thoại di động, nhất là việc nhắn tin, nói chuyện với nhau qua mạng mà các bạn vẫn gọi là “chat”, cùng lúc phải “chat” với nhiều người thì phải viết tắt cho kịp. Vẫn biết có những trường hợp các bạn muốn viết cho nhau theo cách riêng của mình, nhưng lâu dần thành thói quen, sử dụng trong mọi trường hợp là không thể chấp nhận.

 

Hơn nữa trong những trường hợp như: en (ăn), tém (tám), ăn pánh (ăn bánh), rùi (rồi), thui (thôi), Nhox (nhóc), bít (biết), pé ơi (bé ơi)... thì viết tắt được bao nhiêu và nhanh hơn được bao nhiêu!? Rõ ràng vấn đề ở đây là thái độ. Chúng ta chưa có thái độ nghiêm túc khi sử dụng tiếng mẹ đẻ của mình.

 

Tôi mong các bạn hãy yêu và tôn trọng tiếng Việt. Yêu tiếng mẹ đẻ cũng là một trong những cách thể hiện lòng yêu nước của mình!

Theo tuoitre.vn