Thao thiết dã quỳ...

03:12, 10/12/2010

(LĐ online) - Như một kẻ lữ hành tự do, cùng với biết bao loài hoa hoang dại khác, dã quỳ vàng không cần một trật tự nào, một sự sắp đặt nào cho sự hiện hữu của mình.

[links()] (LĐ online) - Những tháng ngày trước Hiệp nghị Paris, giặc Mỹ điên cuồng ném bom miền Bắc. Tôi và những đứa trẻ chân đất đầu trần miền biển cùng hết thảy làng trên xóm dưới sơ tán lên mạn ngược. Đó là lần đầu trong đời thấy màu hoa dã quỳ rực rỡ đến thế. Hoa mọc dày thành rừng và trải khắp núi đồi, hoa tràn theo các thung lũng, ken vào sát vách những mái nhà tranh của người dân xứ núi. Một bức tranh sơn cước hư ảo, đẹp và buồn nao lòng.
       
 
Thế rồi, một kỷ niệm không thể nào quên là bởi do lạc nước, tất cả đám trẻ chúng tôi đều bị bệnh ghẻ ngứa. Đứa nào đứa nấy lở loét, gãi soàn soạt, réo ỉ eo suốt ngày. Người lớn sốt ruột, tìm đủ loài cây thứ lá mang về chữa trị nhưng không thể khỏi. Cuối cùng, người dân bản địa mách nấu nước lá dã quỳ tắm cho đám trẻ. Mẹ tôi vội vã bắc lên bếp nồi lá dã quỳ đậm đặc và tắm ngay cho tôi. Do sơ ý, bà dội luôn từ đầu đến chân và thế là cái thằng tôi cả ngày hôm ấy không thể mở mắt. Mẹ tôi khóc hết nước mắt vì ngỡ rằng thằng con trai của bà đã chuyển từ bệnh ghẻ ngứa sang bệnh mù lòa…
      
Kỷ niệm ấy đã quá lâu rồi nhưng tôi vẫn nhớ, nhất là khi lên với Tây Nguyên và mỗi mùa miền đất trên cao này rạo rực sắc hoa dã quỳ. Như một lời hò hẹn, chớm đông là dã quỳ về thắp lửa. Màu hoa hoang dã ấy tràn trề đèo An Khê và ngập nắng vàng suốt thảo nguyên Madrak. Hoa như tạo thêm sức sống cho thung lũng Măng Đen hay triền núi Ngok Linh. Hoa men theo dòng chảy những dòng sông Krông Anô, Krông Ana rồi xuôi về những ngọn núi, dòng sông trên cao nguyên Lâm Viên. Như một kẻ lữ hành tự do, cùng với biết bao loài hoa hoang dại khác, dã quỳ vàng không cần một trật tự nào, một sự sắp đặt nào cho sự hiện hữu của mình. Ẩn mình lặng lẽ, an nhiên, vô ưu suốt tháng rộng ngày dài rồi chợt một ngày thao thiết bừng nở như chứng minh về một sức sống vô hạn giữa muôn sự khốc liệt. Loài hoa ấy tự vươn mình đấu tranh sinh tồn. Sắc vàng hoa giữ cho con người chút lắng đọng thời gian đậm mùi ký ức, vực dậy trong những giác quan xung động, bới tìm một vài kỷ niệm. Vượt qua trụi trằn mà sống, mà khẳng định, nhưng dã quỳ vàng không bao giờ cô đơn, những tấm lòng lành luôn dành cho nó những thức nhận mẫn cảm và tinh tế… 
      
 
Trong miền tâm cảm của tôi cũng như bạn bè tôi, những xung động tâm hồn như cũng biến ảo theo mùa sương, tháng giá Đà Lạt và đặc biệt là theo mỗi mùa hoa trên miền đất ảo huyền này. Tươi rói cảm xúc theo mùa anh đào, hoài niệm ứa tràn trong mùa phượng tím và thao thiết những ưu tư theo mùa dã quỳ vàng. Thân hữu bên nhau cũng thường theo mùa hoa mà sẻ chia những tâm sự tưởng chừng rất riêng tư. Và hình như ai cũng có tâm trạng giống nhau khi mỗi lần đi xa trở về Đà Lạt trong mùa hoa quỳ nở. Ven những con đường dẫn vào thành phố, từng vạt hoa vàng trải rộng từ dưới thung lũng lên sườn đồi tạo nên một cảm giác nao lòng kỳ lạ. Không biết tại sao, khi làn gió lạnh cao nguyên càng đậm thì hình như sắc nắng càng trong trẻo hơn và màu vàng của hoa dã quỳ càng thêm rực rỡ. Chính lẽ đó, mỗi lần được tận hưởng cảm giác của người trở về nhà trong mùa dã quỳ thật chộn rộn, bồng bềnh, náo nức.
       
Với người dân có gốc gác lâu đời trên đô thị cao nguyên này thì màu dã quỳ vàng đã gắn bó, sẻ chia, cộng cảm với cuộc đời của họ từ tuổi ấu nhi đến lúc xế chiều. Màu quỳ vàng gợi nhớ về thời gian đã mất. Trong không gian ấy, những miền ký ức xưa cũ như chực trào tràn trong một tâm trạng hồi cố và vọng niệm trong niềm da diết “không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Còn người đi xa nhớ về Đà Lạt, nhớ về Tây Nguyên là nhớ về mùa hoa dã quỳ, màu hoa mang hình ảnh của xứ sở, biểu tượng của sức sống mãnh liệt. Trong sắc màu ngút ngàn, miên man và hoang hoải ấy như ẩn chứa bên trong một tình yêu, một sự khai mở vô tư và, một niềm thủy chung lặng lẽ, vô ngôn trước đất trời cao nguyên./.

Uông Thái Biểu