Ai là người đầu tiên giới thiệu nhật ký Chu Cẩm Phong?

04:01, 17/01/2011

(LĐ online) - Một thời gian dài, hơn ba mươi năm, tôi cứ đinh ninh rằng mình là người đầu tiên làm công việc ấy. Nhưng không phải thế.

[links()] (LĐ online) - Một thời gian dài, hơn ba mươi năm, tôi cứ đinh ninh rằng mình là người đầu tiên làm công việc ấy. Nhưng không phải thế.
   
Tháng 03 năm 2010, nhà văn liệt sĩ Chu Cẩm Phong được nhà nước truy phong anh hùng. Đây là nhà văn đầu tiên trong Hội nhà văn Việt Nam được phong anh hùng với tư cách nhà văn. Tác phẩm chủ yếu của Chu Cẩm Phong mà công luận đặc biệt quan tâm và đánh giá cao là “Nhật ký chiến tranh”. Đây là những trang nhật ký Chu Cẩm Phong ghi từ ngày 11 tháng 07 năm 1967 đến ngày 27.04 năm 1971, ba ngày trước khi anh hy sinh trong một cuộc chiến đấu tuyệt đối không cân sức từ dưới hầm bí mật ở thôn Vinh Cường (xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) với lực lượng đối phương đông gấp bội bên trên vừa gọi hàng vừa liên tục ném lựu đạn xuống.
   
 Nhà văn anh hùng liệt sĩ Chu Cẩm Phong (1941 – 1971)
Nhà văn anh hùng liệt sĩ Chu Cẩm Phong (1941 – 1971)
Khoảng gần giữa tháng 05 năm 1971, tôi đang ở một trạm giao liên tít tận phía tây Trường Sơn để chờ nhận sách từ miền Bắc gửi vào thì nghe tin Chu Cẩm Phong hy sinh. Ngoài chi tiết Chu Cẩm Phong bị lộ hầm bí mật và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, tôi không được biết gì hơn về số phận các di vật của anh, trong đó nhất định phải có một cuốn sổ ghi nhật ký là vật bất ly thân cùng với khẩu súng ngắn. Chu Cẩm Phong thường ghi nhật ký trên những cuốn sổ đóng bằng giấy pơ-luya (cho nhẹ), ghi hết cuốn này anh lại đóng cuốn khác. Khi đi công tác dài ngày, anh gửi lại các cuốn đã ghi hết cho đồng đội giữ tại cơ quan trên núi.
   
Thế rồi, sau ngày giải phóng Đà Nẵng ít lâu, một người khách lạ đến tìm tôi. Anh tự giới thiệu, anh trước là sĩ quan chiến tranh chính trị thuộc sư đoàn 3 trong quân đội Sài Gòn, nhưng từ sau hiệp định Pa-ri đã rời quân ngũ biệt phái về dạy tại trường trung học Hồng Đức. Người cựu sĩ quan cho biết, vừa rồi anh có dự một buổi tôi nói chuyện về các văn nghệ sĩ kháng chiến, nghe tôi nhắc nhiều đến một người bạn tôi đã khuất, nên anh tìm tôi để trao di vật quý báu này mà một người bạn anh là sĩ quan tác chiến cùng sư đoàn đem về cho sau một cuộc hành quân. Anh trao cho tôi một gói hình chữ nhật bằng cỡ cuốn sách nhỏ bọc giấy báo. Tôi mở ra, sững sờ, gần như không dám tin vào mắt mình. Trước mắt tôi là những nét chữ quen thuộc của Chu Cẩm Phong trên nền giấy pơ-luya cũng rất quen thuộc với hình ảnh tôi không bao giờ quên được, cái dáng người bạn gầy gò lỏng khỏng vì thiếu đói và sốt rét triền miên giữa bao công việc bộn bề của một bí thư chi bộ cơ quan tranh thủ chút thời gian rảnh rỗi hiếm hoi ngồi cặm cụi gấp từng xấp giấy pơ-luya và xâu chỉ luồn kim đóng lại thành cuốn sổ để dùng ghi nhật ký. Đây, rõ ràng trước mắt tôi đây, chính là cuốn nhật ký cuối cùng mà Chu Cẩm Phong đem theo bên mình, tưởng đã bị mất đi vĩnh viễn khi anh hy sinh, không ngờ giờ đây lại hiện ra trước mắt tôi, trên tay tôi, như trong một huyền thọai, mà lại là thực, hoàn toàn thực. Vết xé còn xém đen của mảnh lựu đạn chém vào suốt chiều dày mép trên cuốn sổ là chứng tích không lời, nóng rực trên tay tôi, sáng rực trước mắt tôi những giây phút cuối cùng lẫm liệt của Chu Cẩm Phong. Cuốn sổ đã được người cựu sĩ quan bao một lớp bìa mới với hình một cái cây đỏ thắm vươn thẳng dưới ánh mặt trời và được anh giữ gìn cẩn trọng suốt bốn năm qua là minh chứng cho những điều anh bày tỏ cùng tôi: lúc đầu anh đọc chủ yếu vì lòng hiếu kỳ, nhưng càng đọc anh càng cảm phục nhân cách tác giả của những dòng chữ chân thực thấm máu này.

Năm 1978, tôi trích một số đoạn trong cuốn nhật ký của Chu Cẩm Phong mà người cựu sĩ quan trao cho tôi giữ, viết lời giới thiệu vắn tắt (dùng làm “Lời tòa soạn”) gửi cho báo Văn Nghệ. Ít ngày sau, báo Văn Nghệ đăng. Đây là lần đầu tiên nhật ký của Chu Cẩm Phong được đưa lên mặt báo.
        
Mãi hai mươi năm sau, năm 1998, tôi mới có điều kiện chuyển toàn bộ cuốn nhật ký cuối cùng của Chu Cẩm Phong sang bản đánh máy, rồi bản vi tính. Tôi chuẩn bị thành một bản thảo, viết lời giới thiệu đầy đủ để sẽ đem xuất bản. Tôi không có trong tay các cuốn nhật ký mà Chu Cẩm Phong gửi lại cơ quan trước khi đi chuyến công tác cuối cùng, vì các cuốn ấy đã được cơ quan Văn Nghệ Giải Phóng Khu 5 chúng tôi trao lại cho gia đình anh ở Hội An nhưng rồi một nhà nghiên cứu văn học ở Huế đã đến mượn và giữ nhiều năm chưa trả. Mà tôi rất muốn gom cuốn nhật ký cuối cùng này với các cuốn Chu Cẩm Phong viết trước đó để xuất bản. Giữa lúc đang lúng túng chưa biết cách nào để thực hiện được điều mong muốn thì may sao, tôi bất ngờ nhận được điện thọai.
          
Người gọi là chị PL (Nếu bạn có đọc “Nhật ký chiến tranh” thì hẳn biết PL là người yêu, người vợ sắp cưới của Chu Cẩm Phong). Chị PL ở Hà Nội, cách Đà Lạt, nơi tôi ở, cả ngàn cây số. Chị hỏi có phải tôi đang giữ cuốn nhật ký cuối cùng của Chu Cẩm Phong, nếu đúng thế thì xin photo gửi cho chị, chị đang nóng lòng muốn đọc. Tôi kể với chị về công việc vừa làm và nỗi lúng túng đang gặp. Chị bảo, chị sẽ photo gửi ngay cho tôi phần nhật ký mà tôi cần, vì gần đây chị cũng vừa mới photo được. Nhờ vậy, tôi đã có toàn bộ những trang nhật ký Chu Cẩm Phong viết từ ngày 11.07.1967 đến 27.04.1971 (trong đó phần nhật ký trong cuốn cuối cùng ghi từ ngày 12.01.1970 đến 7.04.1971). Tôi đặt tên sách là “CHU CẨM PHONG/NHẬT KÝ CHIẾN TRANH”. Mãi đến năm 2000, “Nhật ký chiến tranh” mới được nhà xuất bản Văn Học ấn hành. Năm 2005, tôi tập hợp các truyện ngắn và bút ký của Chu Cẩm Phong gộp với “Nhật ký chiến tranh” thành “Tuyển tập Chu Cẩm Phong” đưa nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản. Sau khi “Tuyển tập Chu Cẩm Phong” ra đời ít lâu, tôi được đọc trên báo Thanh Niên bài của nhà báo Đặng Ngọc Khoa viết về người cựu sĩ quan quân đội Sài Gòn đã trao cho tôi cuốn nhật ký cuối cùng của Chu Cẩm Phong. Qua bài báo, tôi mới được biết chính xác họ tên đầy đủ của anh là Hoàng Đình Hiếu mà sau lần gặp ngắn ngủi năm 1975, bao biến cố dồn dập ngổn ngang của đất nước và gia đình thời hậu chiến khiến tôi chỉ nhớ mang máng là anh Hiếu, hoặc Nguyễn Hiếu. Anh Hoàng Đình Hiếu hiện định cư tại Hoa Kỳ và nhà báo Đặng Ngọc Khoa đã liên lạc được với anh. Bài báo dẫn lời anh Hoàng Đình Hiếu viết cho nhà báo Đặng Ngọc Khoa rằng anh giữ cuốn nhật ký Chu Cẩm Phong là nhằm bảo quản một tài liệu sống của thế hệ mình, vì nó mang tính thời đại, nó chứa đựng nét tiêu biểu cho một thế hệ thanh niên, nó là văn hoá.

Cũng từ bài báo trên, một thông tin khiến tôi sửng sốt:  Những điều chia sẻ từ cuốn nhật ký ấy, Hoàng Đình Hiếu không thầm lặng giữ riêng cho mình. Một cựu nữ sinh trường Hồng Đức kể với nhà báo Đặng Ngọc Khoa rằng từ trước năm 1975, chị và các bạn cùng lớp đã được nghe thầy giáo Hoàng Đình Hiếu giới thiệu ngay trên bục giảng về nhật ký Chu Cẩm Phong cùng nhân cách đáng khâm phục của tác giả, một việc rất dễ phải gánh chịu tai họa. Đối với tôi, sở dĩ những dòng chữ máu trong cuốn nhật ký cuối cùng của Chu Cẩm Phong mà tôi ngỡ đâu đã bị vĩnh viễn cuốn đi vô tăm tích trong bão lửa chiến tranh bỗng lại châu về hợp phố như bởi một phép màu để đến với mọi người, ấy là vì những dòng chữ ấy không còn là chữ nữa, nó là chính Chu Cẩm Phong, anh không chết, khi ngã xuống anh đã hóa thân thành mối duyên đời vĩnh hằng kết nối những con người ở hai phương trời tư tưởng cách xa nhau, vào thời điểm đứng ở hai chiến tuyến đối nghịch nhau đã cùng gặp nhau ở một giá trị chung: giá trị làm người.
                  
Vậy là, tôi đã có đầy đủ căn cứ để nói với bạn đọc, không phải tôi, mà chính anh Hoàng Đình Hiếu mới là người đầu tiên giới thiệu nhật ký của Chu Cẩm Phong.
         
Với sự nâng niu trân trọng, bắt nguồn từ sự thôi thúc của một nhu cầu tự thân, mạnh mẽ đến mức bất chấp hiểm nguy, anh đã dám đưa một phẩm giá làm người tiêu biểu bên phía đối phương truyền bá cho lớp trẻ.

Bùi Minh Quốc