Cà phê Đà Lạt xưa và nay.

09:01, 28/01/2011

(LĐ online) -  Truyền thuyết K’Ho nói rằng có ông thần gánh một gánh phân đi ngang, giữa đàng đứt gióng, một giỏ phân rơi xuống đất này thành hòn Ông. Đất đỏ tươi, tốt lắm. Một cái rẫy ăn bảy đời người- Sa bri poh dơh,…

(LĐ online) - Tôi sinh ra thì cà phê vẫn còn xa Đà Lạt. Người Đa Lạt chỉ nghe nói đến cà phê Laba- Rba, nay là xã Phú Sơn. Truyền thuyết K’Ho nói rằng có ông thần gánh một gánh phân đi ngang, giữa đàng đứt gióng, một giỏ phân rơi xuống đất này thành hòn Ông. Đất đỏ tươi, tốt lắm. Một cái rẫy ăn bảy đời người- Sa bri poh dơh,…

Người Laba trồng chè trước rồi mới phá chè trồng cà phê. Nay chè không còn mấy nhưng tiếng chè Laba vẫn sáng, chuối Laba vẫn là số một, chỉ xuất hiện trên bàn của các vị biết thưởng thức. Chè Laba đậm và được nước, có phần nhờ chất lượng của than khi sao sấy. Chuối thì dẻo và thơm lâu. Ngọt lẫn vị chua thanh, không lợ chát.

 Ca phê Arabica ( Ảnh internet)
Ca phê Arabica ( Ảnh internet)
Cà phê Laba ngày trước có cả ba loài, nhưng ngày nay chỉ rặt một thứ cà phê Sẻ- Robusta, nên tiếng lãng dần, vì đâu còn đủ hương vị để phối trộn. Nhìn lại vùng cà phê đơn điệu mà đau.

Gốc gác của cà phê Đà Lạt ban đầu cũng từ các giống ở Laba. Ba tôi đã từng sống ở Laba, nên là một trong những người sớm đưa cà phê về trồng ở Cầu Đất, đủ cả 3 loài trên đất mới vỡ hoang.

Ở đây chỉ có cà phê Chè - Arabica mới phát triển tốt, có phần hơn cả nguồn dẫn giống. Cà phê Sẻ cũng sum suê như cà phê Mít nhưng ít trái. Trong vườn cũng có ít Mokka lá ngắn rộng, bụi cây rậm rạp nhưng cành yếu ớt, phần thì hay bị chuột sóc ăn, chăm thật kỹ cũng chỉ được chừng nửa kí lô nhân, song le nó được cái mùi thơm tuyệt diệu, mới rang lên đã nghe ngọt từ trong đáy mũi. Gần đây người ta hay nói đến cà phê Chồn, kỳ thực con Cầy hương, cầy Giông chỉ thích ăn quả của giống cà phê này.

Giống Mokka- cà phê Chồn hay ăn. Ảnh TG.
Giống Mokka- cà phê Chồn hay ăn. Ảnh TG.
Hơn 50 năm thử thách, bây giờ người Đà Lạt mới nghiệm ra chỉ có thể phát triển cây cà phê Chè, chuyện sách vở viết đúng từ lâu nhưng để các nhà chức trách thấy được cũng đã phải quá hai thế hệ.

Tiếc ngày trước, anh Hà Ngọc Bích cùng Hứa Đợi lên Trung ương xin kế hoạch phát triển cà phê Chè, xây dựng một vùng sản xuất riêng, đặc hữu của cà phê Việt Nam tại Lâm Đồng. Được duyệt rồi nhưng Cty Cà phê của tỉnh bấy giờ không tiếp tục, chỉ lo chuyện đấu đá, bán mua tài sản, nên trên phải chia nhỏ ra các vùng Sơn La, Quảng Trị, Thừa Thiên,… Giờ này giá bốc lên, không có hàng để bán. Anh Bích đã đi, nỗi niềm đọng lại.

Thời trước, Tây còn ảnh hưởng trên cao nguyên, một Trại thực nghiệm Trà-Cà phê-Ca cao như một phiên bản từ Bờ biển Ngà-Côte d’Ivoire, đã hoạt động sôi nổi ở ngã ba Phẹc, Bảo Lộc (Ferme – Nông trại). Từ đây những giống cây trồng thích nghi với từng vùng đã được phóng thích sau hàng chục năm thử nghiệm.

Trong những người chăm chỉ làm khoa học mà tôi biết có chị Mỵ. Đúng là kiều mỵ, vì người đã đẹp mà tính cách còn đẹp hơn bội phần. Chị phụ trách tập đoàn giống cà phê Arabica nhập từ Bồ Đào Nha (Portugal) chống chịu cao với bệnh rỉ sắt, hương vị ngon lại được năng suất cao.

Giống cà phê chè năng suất cao, kháng rỉ sắt (ảnh VEG World)
Giống cà phê chè năng suất cao, kháng rỉ sắt (ảnh VEG World)
Khi biết được ông Tốt chè định phá bỏ trại này để “quy hoạch” khu nhà ở, chị bảo tôi tận thu các dòng đề kháng mạnh đi, sẽ mất hết. Tôi đau quá, về thưa lại với một vị lãnh đạo tỉnh nhưng rồi cũng mất sạch. May mà ông còn kịp can thiệp cho lấy ít giống, nhân lên cho Xuân Thọ, Xuân Trường và một ít về phường 7.

Chị Mỵ cũng đã đi xa. Dân Xuân Trường của tôi biết ơn chị nhiều, nhờ chị mà còn được những giống tốt, chống được rỉ sắt là vượt được rào cản quan trọng nhất để trồng cà phê Chè.

Sau này tôi có dịp qua A Lưới, lên Khe Sanh rồi Sơn La, cả những vùng cà phê Chè thất bại khác, chỉ thấy còn A Lưới với KS Hùng tha thiết là còn khá. Tuy vậy, chẳng nơi nào trồng cây che bóng, cây chắn gió, cỏ phủ đất,…Không cây che bóng là mối nguy lớn vì sâu đục thân sẽ bẻ gục cà phê Chè. Rồi những vùng đất đỏ bị rửa trôi nhanh, đầu tư không cân đối dẫn ngay tới nghèo kiệt.

Một số giống cà phê Chè lùn như Arabusta, Catimor,… được trồng lâu nay tuy cho thu hoạch sớm nhưng chất lượng qua chế biến không cao lại hơi chua, nghĩ cũng nên cải thiện giống theo hướng các bậc chất lượng cao, hơn là chỉ chăm chú vào mức năng suất nhân, giá trị thấp.

Người Xuân Trường san bằng trồng cà phê nên còn khá. Những chỗ trồng theo đường cao độ thì tạm được, còn lại vẫn theo cách ăn xổi ở thì. Cho hay không phải thực dân mới bóc lột, vì ở Đông Hiếu, Tây Hiếu- Nghệ An người Tây trồng đai chắn gió bằng Lim, loài này 150 năm mới cho thu hoạch. Còn ta làm chủ đất nước theo cách này ư ? Bây giờ nói chuyện canh tác bền vững theo cách của Tây, của Mỹ, có hay ông bà đã dạy ăn ở cho có hậu, đời cha ăn mặn đời con khát nước ?

Hạt cà phê Sẻ - ảnh Internet
Hạt cà phê Sẻ - ảnh Internet
 
Thôi thì còn nước còn tát. Trình độ thưởng thức cà phê của dân ta ngày một cao, lúc ấy họ sẽ tẩy chay loại cà phê tẩm hương liệu Mokka- một hoá chất có độc để tìm mùi thơm nguyên bản, dịu ngọt hơn, cao sang hơn. Do vậy giá sẽ còn cao hơn nếu dân Đà Lạt tuân thủ cách trồng trọt tiên tiến, thu hoạch đúng cách, sơ chế theo quy trình hiện đại.

Dù sao thì hạt cà phê Chè vẫn dẹp, to, rất khác với các giống cà phê khác, không trộn lẫn được nên mới có chuyện người thu mua bịa ra nguyên cớ này để nhằm mua rẻ cà phê Chè Đà Lạt như một vài dư luận gần đây.  Khi mà chưa có Hiệp hội những người trồng Cà phê Chè thì thủ đoạn của lái buôn có mấy người dân được biết, để mà chống chế ?

Đoàn Nam Sinh