Tết Quý Sửu sắp đến, một cái tết mà toàn dân, toàn quân mong đợi từng giờ, từng phút. Quảng Bình, Vĩnh Linh, Thanh Hóa, Nghệ An… máy bay giặc Mỹ mò ra bắn phá, thả bom na-pan đốt sạch xóm làng. Sáng thấy mặt nhau, chiều về bom đạn Mỹ đã bắn chết. Họ ước mơ đất nước hòa bình, ăn tết tự do.
Chuẩn bị kiểm tra, giám sát hiệp định, cuối năm 1972, cán bộ các phái đoàn giám sát Hiệp định Paris về Ba-Mỹ (Bình Thuận) học tập nội dung cơ bản của hiệp định và các nghị định thư, nói rõ: - “Mỹ và các nước khác phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ ở Việt Nam.
- Chấm dứt mọi hoạt động quân sự của Mỹ trên lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, rút hết quân Mỹ và đồng minh, hủy bỏ các căn cứ quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam, để nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai của mình”…
Máy bay C.130 chở phái đoàn A, có thiếu tướng Lê Quang Hòa, đại diện nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phái đoàn B có trung tướng Trần Văn Trà, đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và 39 cán bộ vào sân bay Tân Sơn Nhất, máy báy hạ cánh có xe ô tô con chở phái đoàn vào Khách sạn David. Nói là khách sạn nhưng đây là nhà ở của phi công, nên cán bộ giám sát coi đó là cái trại; nhà xây, lợp bằng ngói xi măng. Phái đoàn A và B ở chung một dãy nhà. Bên ngoài có lính cận vệ quân lực cộng hòa canh gác. Bên trong ta túc trực bảo vệ cả ngày và đêm.
Theo tiêu chuẩn quy định, cán bộ phái đoàn đi lại bằng xe con và ở trong khách sạn sang trọng; chất vấn ông Hoàng Xuân Lãm, trung tướng phái đoàn Việt Nam Cộng hòa, ông phân trần: Đi xe ô tô và ở khách sạn trong thủ đô Sài Gòn, không bảo đảm an ninh!
Lá cờ đỏ sao vàng, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng bay phất phới trong sân bay. Bà con vào ra, đứng ngắm những lá cờ, vui mừng trong dạ. Những năm trước đây, những ai treo, mua những lá cờ ấy đều bị quy tội đi theo cộng sản, nhưng hôm nay lá cờ đỏ sao vàng sát cánh với cờ Mặt trận Giải phóng tung bay, chào đón nhân dân thủ đô Sài Gòn...
Theo quy định, ngày thứ hai là ngày họp toàn thể có phái đoàn A, phái đoàn B, phái đoàn Việt Nam Cộng hòa, phái đoàn Mỹ và ủy hội quốc tế kiểm soát đình chiến có Canada, Balan, Hunggari, Indonexia đều đến họp. Chiếc bàn vuông đặt giữa hội trường, mỗi phái đoàn ngồi một bên trao đổi, quán triệt tinh thần bản hiệp định, nghị định thư đã được ký kết. Họ phát biểu theo thứ tự từ phải sang trái như kim đồng hồ đang chạy. Phái đoàn A phát biểu xong, phái đoàn Việt Nam Cộng hòa, người thì im lặng, nhiều người cãi lại, thế là "chiến trận đánh giặc mồm" lại diễn ra quyết liệt.
Ủy hội quốc tế, Hunggari nói:
- Ông Lê Đức Thọ đại diện miền Bắc Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bình đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng, ông Kissinger, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ đã ký hiệp định, chúng ta chỉ là những người giám sát các bên thi hành nghiêm chỉnh hiệp định. Hiệp định, mỗi người có một bản để trên bàn, còn cãi với bàn về văn chương, từ ngữ làm gì?
Phái đoàn A nói tiếp: Tôi hoan nghênh ngài đại diện Hunggari đã phát biểu, hôm nay chúng ta quán triệt bản hiệp định, để chúng ta đôn đốc chính phủ mình và buộc đối phương phải thi hành triệt để, đây là quyền hạn và nhiệm vụ của tất cả chúng ta.
Trung tướng Hoàng Xuân Lãm, tức giận nói to:
- Điều I của hiệp định nói rõ "Hoa Kỳ tôn trọng sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam", điều này có nghĩa là Bắc và Nam Việt Nam là một và quân Bắc Việt có quyền lưu lại ở miền Nam, tôi không đồng ý, quân Bắc Việt cũng phải rút ra khỏi miền Nam!
Phái đoàn B tiếp lời:
- Ngài Trần Văn Lắm, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng hòa Việt Nam được Tổng thống Thiệu ủy quyền đã ký vào bản hiệp định, tôi mong ngài nhớ cho điểm này!
Biết mình bị cô lập, biết chánh phủ Thiệu - Kỳ như ngọn đèn lung lay trước gió, y bỏ đi ra khỏi hội trường. Mọi người nghỉ giải lao. Mấy cô trong tổ chức Thiên Nga, ăn mặc hở hang, môi son, má phấn bưng cà phê, rượu wisky, thuốc lá Ruby vào phục vụ hội nghị.
Ngày đàm phán giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ kể từ tháng 5/1968 cho đến ngày ký kết hiệp định tại Paris đã kéo dài trong 4 năm 9 tháng, qua 202 phiên họp công khai và 24 phiên họp riêng. Ngày 27/1/1973 các đài, báo trong và ngoài nước công bố hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam có hiệu lực. Ngày mai, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lên đài phát thanh công khai tuyên bố phá hoại hiệp định, đưa ra khẩu hiệu bốn không:
"Không hòa bình với cộng sản! - Không liên hiệp thương lượng! - Không có lực lượng đối lập! - Không để lọt vào tay Việt cộng bất cứ lãnh thổ nào".
Trong điều 3 của Hiệp định Paris có ghi rõ: "Các lực lượng vũ trang của hai bên miền Nam Việt Nam ở nguyên vị trí của mình". Trong giờ phút lịch sử ấy, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng tung bay trên các vùng đất đã giành được, xác định quyền làm chủ của mình.
Triển khai khẩu hiệu 4 không, lực lượng quân đội, công an Việt Nam cộng hòa đồng loạt tiến công, chiếm phía bắc thị xã Kon Tum, đánh vào Chư Nghé, Chư Pảh (Gia Lai), tại Đắc Lắc, bọn chúng lấn chiếm buôn trinh cung kiệm, Dakla, buôn H'Dơk, bắn giết cả đàn bà, trẻ con vô tội và cắm những lá cờ ba sọc làm mốc ranh giới.
Ban đêm, quân dân các tỉnh bắc Tây Nguyên vùng lên "chống chồm" nhổ cờ ngụy, cắm cờ mặt trận dân tộc giải phóng lên. Tại tỉnh Tuyên Đức, quân địch đánh vào khu vực Quang Trung (Nam thị xã), vùng Nam Pan (Tây Nam thị xã Đà Lạt), núi Chai (Tây Tùng Nghĩa) Hồ Tiên (Đông Nam thị xã)...
Những bức điện thượng khẩn, những đơn tố cáo và cảnh gửi đến trại David tới tấp. Các phái đoàn phân công cán bộ ra sáu khu vực để theo dõi và giám sát. Tính từ ngày 25/1 đến 29/1, các đơn thư tố cáo xảy ra chiến sự, tranh chấp đều nằm vào khu vực 3 và 4. Đồng chí Nguyễn Trọng Xuyên chỉ huy trưởng khu vực 4 cử đồng chí Bùi Quốc Tuấn làm tổ trưởng và đồng chí Nguyễn Văn Hằng tổ phó tổ 1, cùng bốn cán bộ đi ra thị xã Kontum. Bốn đoàn lên bốn chiếc trực thăng HU1A, máy bay cất cánh. Đến thị xã, máy bay hạ cánh, cán bộ đi đến hiện trường.
Hai chiếc máy bay trực thăng bay lên, lượn quanh bầu trời để quan sát và bảo vệ đề phòng bất trắc xảy ra. Thấy đoàn giám sát về kiểm tra chiến sự, đồng bào lân cận, tập trung thành đoàn, cầm cờ, biểu ngữ kéo đến tố cáo quân đội cộng hòa lấn chiếm vùng đất của mặt trận giải phóng! Phóng viên len lỏi vào dân chúng chụp ảnh, thu thanh, quay camera để làm chứng cứ chuyển sang Ủy - Hội quốc tế kiểm soát đình chiến.
Phái đoàn về đến trại, chưa kịp họp, ngày mai, quân lực Việt Nam cộng hòa đã đánh điện thượng khẩn tố cáo mặt trận giải phóng đánh chiếm, cắm cờ trên vùng bắc thị xã Kontum.
Thực hiện kế hoạch "tràn ngập lãnh thổ" của Tổng thống Thiệu, quân ngụy các tỉnh tiếp tục lấn chiếm, lực lượng ta tấn công ngăn chặn, xóa thế "da beo" của địch.
Ngày 2/2, phái đoàn đi thị sát vùng bắc Bảo Lộc (Lâm Đồng), quân ngụy Bình Định lấn chiếm cho xe ủi 1.500 ha đất bắc Bảo Lộc, đưa 12.000 dân của tỉnh Bình Tuy và Phước Long đến Tân Rai, Minh Rồng (Lâm Đồng) lập khu di cư Bình Phước và Quảng Lâm. Đây là một vụ quân địch trắng trợn phá hoại hiệp định ngừng bắn, phái đoàn A và B động viên các phóng viên chụp ảnh, quay phim. Máy bay trực thăng vòng lượn để đo đạc, ước lượng vùng địch lập ấp chiến lược.
5 giờ chiều về đến sân bay Tân Sơn Nhất, máy bay hạ cánh xuống phi trường. Đoàn xe ô tô con trườn tới, đưa đón cán bộ về khách sạn, nhưng trước mui xe đều cắm hai lá cờ trắng thật to. Thấy lạ, đồng chí Đỗ Trọng xuyên truyền lệnh:
- Không được lên xe, chúng ta là đội quân chiến thắng, không bao giờ đi xe cắm cờ trắng! Tất cả ngồi trong máy bay! Lời nói, bước đi, nụ cười... của các thành viên của phái đoàn ngoại giao đã in sâu vào tâm trí, đồng chí Bùi Quốc Tuấn xuống máy bay gặp ông trưởng đoàn Việt Nam cộng hòa, nói:
- Tôi yêu cầu ngài cho quân lính hạ cờ trắng, bỏ vào thùng xe, người với người chúng ta phải tôn trọng lẫn nhau! - Y nhảy xuống xe, mỉm cười, nhún vai:
- Thưa ngài! Lái xe họ làm theo lệnh cấp trên, tôi đâu có hay, mong ngài cảm phiền cho!
Không thấy phái đoàn A và B lên xe, thành viên phái đoàn Việt Nam cộng hòa đi lên, vào ba chiếc xe đậu phía trước, nhổ cờ trắng thay cờ ba sọc, nổ máy, họ trở về trại David.
Hoàng hôn buông xuống, ánh đèn điện trên sân bay sáng rực rỡ. Đồng chí Hằng lôi cuốn lịch trong túi ra xem mới biết hôm nay là ngày 30 giáp tết Quý Sửu. Hằng liên tưởng đến giờ phút này, bà con ta đang lo cúng tất niên. Đồng chí cụm trưởng xuống máy bay bảo đồng chí báo vụ lắp máy bộ đàm, báo tình hình về cho cán bộ trực ban biết.
Đồng chí cụm trưởng phái đoàn B, lôi mấy tấm bạt xuống trải lên trên nền xi măng, mọi người đến ngồi chơi, hóng mát, nói chuyện tiếu lâm, cười nói rộn rã...
Hai đồng chí hậu cần lái xe hon đa, chở hai bao tải đựng thức ăn và bánh trái tới. Dăm người reo lên và chạy lại phụ giúp khiêng bao tải tới. Đồng chí hậu cần sắp mỗi người một cà - mèn đựng cơm và thức ăn đặt lên bạt, nói:
- Đây là cơm, còn một bao là bánh chưng, bánh tét, mứt... quà của bà con vùng căn cứ nội thành gửi vào cho bộ đội quân giải phóng ăn tết.
Ăn cơm xong, đồng chí Hằng lấy thuốc lá Điện Biên bao bạc, mời đồng đội hút. Đồng chí xuyên trèo lên đầu máy bay trực thăng, sắp bánh chưng, mứt, bày mâm cỗ cúng giao thừa. Anh vo tròn dây lạt, cắm mấy điếu thuốc lá, đốt lên làm "nhang" khói nhang bay, tỏa ra thơm phức.
Màn đêm trôi nhanh, lâm vào cảnh này, họ trò chuyện, nguyền rủa quân lính cộng hòa thủ đoạn chơi đểu, nhưng đồng chí hậu cần nói rõ thêm:
- Hôm nay, ủy hội quốc tế và phái bộ tổng thống Thiệu vào chúc tết rất đông, nên họ giở trò, định cho đoàn xe chạy lòng vòng trong phi trường, bêu riếu chúng ta là đoàn quân bại trận...
Tiếng pháo trong sân bay và vùng phụ cận nổ râm ran, báo hiệu đêm giao thừa tới. Cụm trưởng cùng với đồng đội, vỗ tay hát bài: Bác đang cùng chúng cháu hành quân (sáng tác của Huy Thục). Đôi mắt họ nhìn lá cờ mặt trận dân tộc giải phóng, cây nêu ngày tết tự do bay giữa thành phố Sài Gòn và tiếng hát đêm giao thừa báo hiệu mùa xuân hòa bình đầu tiên đến, tống tiễn quân đội Mỹ và phe đồng minh cút khỏi miền Nam Việt Nam (29/3/1973).
Tết Quý Sửu, tết Giáp Dần trôi qua, tết Ất Mão đến, một con mèo trắng đáng yêu gầm thét xua đuổi lũ chuột Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm trốn lên máy bay của CIA di tản sang Đài Loan...
30 năm chiến tranh trôi qua, năm Ất Mão đến, cầm tinh con mèo, nhân dân Việt Nam không bao giờ quên, vui sướng sống trên đất nước Việt Nam thống nhất, hòa bình. Và năm nay, chúng ta lại đón tết Tân Mão.