Tết của người Kơ Ho

01:01, 27/01/2011

Nhô Lêr vong hay còn gọi là tết Lêr vong là lễ hội mừng lúa mới đã về kho của đồng bào Kơ Ho. Dịp này, đồng bào đem tất cả từ những cọng rơm lúa rẫy, đến cây xới lúa (có nạng nhọn) từ đồng ruộng về. Sau khi thu hoạch xong mùa màng, đây là ngày hội cúng tạ ơn Yàng đã cho lúa về kho, cho lúa tràn bồ để được “să hờm năm vam hờm kơ nhai” - ăn đủ năm này sang năm tới hạt thóc lại đầy kho lại tràn bồn, cho từng ngôi nhà trong buôn làng lúc nào cũng no vui ấm cúng quanh bếp lửa.

Nhô Lêr vong hay còn gọi là tết Lêr vong là lễ hội mừng lúa mới đã về kho của đồng bào Kơ Ho. Dịp này, đồng bào đem tất cả từ những cọng rơm lúa rẫy, đến cây xới lúa (có nạng nhọn) từ đồng ruộng về - “kòi mir chèng rơhe, kòi sre chèng kơné”, không bỏ sót mọi thứ Yàng đã cho. Sau khi thu hoạch xong mùa màng, đây là ngày hội cúng tạ ơn Yàng đã cho lúa về kho, cho lúa tràn bồ để được “să hờm năm vam hờm kơ nhai” - ăn đủ năm này sang năm tới hạt thóc lại đầy kho lại tràn bồn, cho từng ngôi nhà trong buôn làng lúc nào cũng no vui ấm cúng quanh bếp lửa.

 Lễ cúng trong gian nhà chính - vơkap hiu.
Lễ cúng trong gian nhà chính - vơkap hiu.
Quan niệm sống của người Kơ Ho là phải biết quý trọng và bảo tồn thiên nhiên, bởi nhờ nguồn suối nhờ cây rừng đã giúp có được cuộc sống, có của ăn của để. Tết Lêr vong càng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh do nhận thức sâu sắc rằng những thành quả mà đồng bào có được là nhờ sự ban ơn của các Yàng: Yàng kòi, Yàng bơnơm, Yàng dà,… (Thần lúa, Thần núi, Thần sông,…) nên phải làm lễ cúng Yàng.

Tết Lêr vong cũng là tết mừng tuổi người già nên còn gọi là Sa Tip- ăn mừng râu cằm, được tổ chức một năm một lần vào khoảng từ tháng 2 đến tháng 3 dương lịch, kéo dài từ hai đến ba tháng cho đến mùa vụ mới. Đây là dịp họ cầu chúc nhau từ nhà này đến nhà khác cho mọi công việc năm tới được tốt đẹp.

Vì vậy thời gian tổ chức Nhô Lêr vong của mỗi nhà diễn ra vào ngày khác nhau, tùy thu nhập mà nhà có của thì ăn trâu, nhà không có nhiều thì ăn gà ăn vịt. Nề nếp sống theo kiểu cộng đồng vẫn được duy trì nên một nhà cúng Yàng cả làng cùng đến góp vui.
Lễ hội cũng là dịp để mọi người trong làng tụ họp lại với nhau tạ ơn Yàng đã cho bà con được mùa, cũng là dịp nhắc nhở cho con cháu không quên ngày tết truyền thống. Trong dòng họ, trong buôn làng phải nâng cao tinh thần đoàn kết gắn bó với nhau.

Những lễ vật mà người Kơ Ho chuẩn bị để cúng Yàng gồm một cái xà gạc nhọn để chiến đấu có gắn lúc lắc - lục lạc. Một cái gùi có nắp trong gùi đó đựng hạt gườm (sở drộp), ba cái bánh nếp được gói bằng lá dầu (piăn mơ par klơp mơ nha klòng), cái cher (chén bằng đồng) dùng để hứng tiết gà và một cái cher cơro để đốt hương trầm (cher cơro chu chài trú), một cái vịt trong đó đựng vỏ trấu – vup để tượng trưng cho cái bồ đựng lúa trong kho. Một cái gùi nhỏ trong đó đựng cái túi cơm. Trong cái túi cơm đựng gạo đã giả với nghệ, ba cái bánh nếp. Một cái gùi khác để áo cúng Yàng, ba quả chuối…

Tùy theo khả năng của mỗi gia đình, vật cúng có thể là con gà hay con heo và ché rượu cần. Bên ngoài nhà kho, một “bàn thờ” được trang trí với ba cây tre có cắm bông mía hay bông lau- trang thay cho cột nêu- knưng. Mọi lễ vật được bày biện thứ tự, bên dưới là lá chuối sạch.

Khi đã chuẩn bị bày biện xong mọi thứ để cúng Yàng, ông vơ nòh- ông già làng cùng với các ông cậu trong dòng họ, những ông giúp việc cho già làng sẽ bắt đầu tiến hành nghi thức cúng Yàng cùng sự chứng kiến của bà con họ hàng, lối xóm trong buôn làng.

Đầu tiên họ sẽ cúng trong kho để lúa (đam kòi) sau đó mới cúng trong nhà và ông vơ nòh sẽ là người chủ tế tiến hành các nghi thức cúng Yàng. Bắt đầu, ông vơ nòh sẽ đọc lời cầu xin với Yàng: (ơi Yàng kòi Yàng bơnơm Yàng dạ Yàng trồ Yàng tiah….)- ơi thần lúa thần sông suối thần núi rừng thần đất thần trời hôm nay già làng, chủ nhà và bà con trong buôn làng có mặt nơi này để làm lễ cúng Yàng,Yàng ơi, tạ ơn Yàng đã cho lúa về đầy kho, cho buôn làng một năm qua được bình an!

Rồi ông khoác áo lên người, lấy đất ở tổ mối, vỏ, rể cây đa đã trộn lẫn giã cho nhuyễn mịn, ông già làng đi bôi từ trong bồ lúa ra ngoài cửa kho rồi cầm con gà mái dơ cao lên cho Yàng. Người cậu sẽ cắt tiết gà và bôi máu gà lên trán già làng trước. Già làng bôi máu gà lên trán từng người dự lễ và sau đó mới đi quét tiết gà lên từng vong kòi- bồ đựng lúa, bôi lên ché rượu cần, cửa kho, rồi đem làm lông cúng con gà đó cho Yàng, để Yàng ban cho năm tới được mùa hơn năm nay (kỡn gơ sir tơr tòm năm vam kỡn nhai). Già làng rót rượu cần mời nhau ăn miếng thịt đã cúng.

Kế tiếp, ông già làng cùng mọi người về quây quần bên bếp lửa làm lễ cúng gà ở nhà chính, mà người Kơ Ho gọi là vơkap hìu, để thể hiện sự gắn bó- cho nhà cửa ngày càng vững chắc hơn. Đồng thời nhắc nhở con cháu đừng quên cái tết truyền thống của mình, hàng năm phải làm lễ nhô Lêr vong để tạ ơn Yàng.

Ông già làng cầm con gà trống cùng ống hút rượu cần khấn cầu xong là đưa cho ông cậu cắt tiết gà, hứng tiết vào chén, bôi lên trán già làng trước rồi mới bôi hết mọi người, già làng lấy tiết gà đi bôi lên cái ché, cửa ra vào nhà, rồi nhổ lông gà gắn trên từng tai cái ché. Bấy giờ già làng mới cắm ống hút rượu cần mời nhau và nổi trống chiêng đôi lên mà họ gọi là “tun chinh jô” để kết thúc nghi thức cúng Yàng, cảm ơn Yàng đã cho họ bình an. Từ đó họ bắt đầu uống rượu, hát đối đáp và nhảy múa.

 Bày biện lễ vật cúng kho lúa - Đăm Kòi.
Bày biện lễ vật cúng kho lúa - Đăm Kòi.
Khi cuộc vui sắp kết thúc, già làng tiến hành nghi thức “pòl tap iar” lấy quả trứng chín bổ làm đôi rồi tung lên hỏi Yàng, là nghi lễ cúng Yàng hôm nay và công việc mà buôn làng dự định sắp tới có được Yàng chấp nhận đồng ý hay không (nếu Yàng đồng ý thì hai miếng trứng khi rớt xuống sẽ bên ngửa bên úp, còn nếu Yàng không đồng ý thì hai miếng đều ngửa hoặc đều úp) và lấy lưỡi con gà tung lên tấm thảm treo, nếu dính lên đó là mọi việc tốt đẹp.

Lúc buổi tiệc kết thúc, họ lấy những vật cúng Yàng cắt từng miếng nhỏ tim gan gà, bánh nếp chia cho mỗi người khách đem về. Già làng và ông cậu trong họ hàng nhà ấy thì được chia đùi gà, họ quan niệm đó là lộc Yàng ban.

Khi khách bắt đầu ra về họ hàng nhà chủ đánh trống chiêng lên để tiễn khách đi về bình an. Trên những con đường làng, bóng dáng của những người đến làm khách liêu xiêu trong ánh đuốc và bầu trời sắp hừng sáng. Mai họ sẽ lại đi ăn mừng ở nhà khác.

DANZBI KA HẸ