Cái lý của rừng

04:02, 16/02/2011

Những chuyến đi rừng và uống rượu với người dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên trong nhiều năm qua giúp cho tôi “ngộ” ra nhiều điều về “cái lý” trong ứng xử của người dân tộc thiểu số bản địa nơi này. Cái lý ấy xem ra… đơn giản lắm nhưng vô cùng… có lý! Vậy, xin được chép ra đây!

Những chuyến đi rừng và uống rượu với người dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên trong nhiều năm qua giúp cho tôi “ngộ” ra nhiều điều về “cái lý” trong ứng xử của người dân tộc thiểu số bản địa nơi này. Cái lý ấy xem ra… đơn giản lắm nhưng vô cùng… có lý! Vậy, xin được chép ra đây!

Quy về triết học, có thể, các nhà khoa học gọi đó là nhân sinh quan, nhưng với người dân tộc thiểu số, họ chỉ cho rằng đó là lối ứng xử cần phải có, cần phải như thế để con người chúng ta tồn tại giữa đất trời này mà thôi. Đi rừng, với họ, không chỉ là đi bằng cái chân. Cũng như vậy, với người thiểu số Nam Tây Nguyên, uống rượu không chỉ để mà… uống!
 
 Uống rượu cần.
Uống rượu cần.

CÁI LÝ TỪ MỘT CHUYẾN ĐI RỪNG

Chuyến đi rừng ấy của tôi cũng đã lâu lắm rồi. Chuyến đi rừng ấy của tôi ở Đạ Huoai vào mùa con chim bling rúc vào tổ, mùa con cá Đạ Quay tìm dòng nước ấm.

Sông Đạ Quay chia đôi địa phận hai huyện Đạ Huoai và Đạ Tẻh. Chúng tôi thực hiện chuyến đi rừng dưới sự hướng dẫn của K’Min như một chuyến dã ngoại. Sáng sớm, K’Min chuẩn bị cho mỗi người một túi cơm vắt. Gạo sáu tháng thơm nức. Cơm được đựng trong túi lát. Chiếc túi đến là kỳ lạ: Đến mấy tiếng đồng hồ, cơm vẫn còn nóng ấm. Nhưng, chuyện tôi muốn kể không phải là túi đựng cơm của người Mạ - tộc người thiểu số ở Đạ Huoai, và K’Min, người dẫn đường của chúng tôi, mà là chuyện khác. Xốc chiếc gùi nặng trĩu lên vai, K’Min bảo: “Sông Đạ Quay nhiều cá lắm. Vào đó, bắt cá làm thức ăn. Cơm có sẵn. Chỉ mang theo nhúm muối hột này là đủ!”. Chúng tôi đi đến tận trưa. Bụng đói. Dừng lại ở một đoạn suối, K’Min thọc một chân xuống dòng nước. Chẳng mấy chốc, K;Min “xiên” được mấy con cá lớn với cây xiên dài của mình. Trước đó, anh “lệnh” cho mấy anh em trong đoàn đi tìm cây khô. Cũng chẳng mấy chốc, một bếp lửa được nhóm lên giữa rừng. Múc nước suối, bắc nồi lên bếp, lửa đỏ, cho cá vừa bắt ở suối vào nồi… Cá vừa bắt dưới suối cho vào nồi, cùng với muối hột và cơm vắt, thêm vài trái ớt, bữa ăn ngon đến không ngờ! K’Min bảo: “Ngon miệng lắm đấy! Nhưng đừng ăn quá no. Bởi vì chúng ta đang đi rừng!”.

Quả thực là cá suối ăn với muối hột ngon miệng đến không thể hình dung nổi! Nhưng, điều đáng nói là: Ăn xong, có người định vứt bừa phần cơm thừa vào bụi. Thấy vậy, K’Min cản: “Cứ treo nó lên cây. Có ích lắm đấy!”. Trên đường tiếp tục cuộc hành trình, K’Min giải thích: “Treo cơm thừa lên cây là để đề phòng cho những người lạc rừng! Người dân tộc thiểu số mình bao giờ cũng làm như vậy. Ông bà mình xưa khi đi rừng đã dạy mình điều đó. Giờ làm theo thôi mà!”. Hóa ra, cái lý của người dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên đơn giản đến bất ngờ là như thế đấy! Nghe K’Min “triết lý” chuyện treo phần cơm thừa lên cây, tôi chợt nhớ lại những lần lạc rừng đói đến rã ruột trước đó của chính mình, khi tôi còn trong quân ngũ.

Sau bữa cơm rừng với cá suối vô cùng thú vị, trên đường tiếp tục cuộc hành trình, một thành viên trong đoàn đề xuất: “Xiên thêm vài con cá để tối về nhậu!”. K’Min đồng ý. Đến lúc này, tôi sốt sắng: “Cho mình mượn cây xiên của K’Min để… trổ tài với!”. Tôi vốn là người không xa lạ với sông nước, với chuyện cá mú, nên vừa cầm cây xiên của K’Min trao, tôi vượt lên trước đoàn người và đi dọc theo dòng suối nhánh của con sông Đạ Quay với ánh mắt… háo hức đến ngây ngô. Mắt tôi dán vào dòng chảy của con suối. Lướt qua, lướt qua trong mắt tôi những dòng nước trôi nhanh, những dòng nước trôi chậm. Lướt qua, lướt qua trong cái nhìn của tôi sự đục trong của dòng nước suối. Rồi, bất ngờ, “điểm” mà tôi cần tìm đã hiện ra: Dòng nước không trong cũng không đục, nó không trôi nhanh mà cũng chẳng trôi chậm. Nơi ấy gọi là dòng nước “quẩn” – quẩn quanh. Tôi dừng lại với cây xiên lăm lăm trên tay. Cơ man nào là cá! Trong đầu, tôi tự cao tự đại với suy nghĩ: Với tài “sát cá”, tôi có thể xiên cùng lúc hai hay ba con cá chỉ với một nhát, thậm chí là còn nhiều hơn thế! 

Nhưng, bất ngờ, K’Min tiến đến chỗ tôi đang đứng, rồi nhẹ nhàng càm giữ cây xiên đang lăm lăm trên tay tôi. Miệng anh nở nụ cười bao dung: “Không đâu! Người dân tộc thiểu số của mình không bao giờ bắt cá ở những chỗ như thế này!”. Tôi tròn mắt ngạc nhiên: “Cá nhiều lắm mà…?”. Cũng rất nhẹ nhàng, K’Min giải thích: “Đây là chỗ cá đẻ. Bắt những con cá mẹ này, lần đi rừng sau, cái ăn từ suối của tụi mình sẽ cạn dần đấy!”. Vậy là tôi đã học thêm được một bài học nữa!

MỘT LẦN UỐNG RƯỢU CẦN

Đêm, về lại buôn, tôi cùng với đoàn và K’Min được dân làng mời tham dự buổi rượu cần tiễn khách. Trịnh trọng lắm! Biết chúng tôi vừa ở rừng về, già làng K’Mốp bảo: “Đi rừng có cá rừng cá suối của Yàng, rượu cần của Yang ở buôn làng mình càng thêm ngon hơn đấy!”. Cầm xâu cá nặng trĩu trên tay, già làng K’Móp lướt qua một lượt rồi tiếp tục nói: “Đây là cá của Yang ban cho dân làng mình đấy! Không có con ca để nào hết! Thằng K’Min như vậy là biết nghe lời răn dạy của ông bà!”. Nét mặt K’Min biểu lộ sự bình thản như là chuyện đương nhiên.

K’Mốp năm ấy đã bước qua tuổi bảy mươi và là một trong những già làng khá uy tín trong cộng đồng người dân tộc thiểu số Mạ ở Đạ Huoai. Trước đó, hơn mười năm về trước, ông từng là cán bộ mặt trận của huyện. Còn K’Min năm ấy chỉ mới khoảng trên ba mươi. Nhưng cái “lớn” ở K’Min là ở chỗ, tuy chỉ mới trên ba mươi nhưng anh đã được cấp trên và dân làng tín nhiệm bầu làm trưởng thôn. Xét về tộc họ, trưởng thôn K’Min phải gọi già làng K’Mốp là ông. Già làng K’Mốp có bộ râu dài và cứng. Còn gương mặt của trưởng thôn K’Min vẫn “non” lắm. Mấy ché rượu cần được khui ra đặt giữa sân nhà già làng K’Mốp. Mấy người cháu của già làng mang đống củi to ra đốt lửa. Khách đông lắm. Khách ngồi quanh đống lửa, bên những ché rượu cần. Rượu người Mạ chỉ uống một cần. Cần rượu được xoay theo chiều ngược kim đồng hồ. Vít cần nghiêng sang trưởng thôn K’Min, già làng K’Mốp bảo như ra lệnh: “Cái vai của già đang sẵn để cho thằng cháu K’Min tựa vào rồi đây! Cái cần rượu này nó muốn được thằng cháu trưởng thôn K’Min uống trên vai của già này đấy! Trên cành cây cao nơi đầu làng, con chim bling cũng đang chờ thằng cháu K’Min ngồi trên vai ông để thể hiện sức mạnh của núi cao đấy! Vai ông đây, K’Min ơi! Hãy mạnh mẽ lên nào!”. 

Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến chuyện người trẻ ngồi trên vai người già để uống rượu cần ông bà. Về sau, một thầy giáo dân tộc học của tôi giải thích: “Trước nhất, nó là một nghi thức đấy! Và không chỉ là một nghi thức mà nó còn là biểu hiện của nhân sinh quan người Mạ, như một triết lý sống; rằng: Biết để người tài giỏi ngồi trên vai mình mà lớn lên, nghĩa là ta biết cho người khác một điểm tựa từ chính ta!”. Quả thật, với người thiểu số Nam Tây Nguyên, uống rượu không chỉ để mà… uống! Thêm một “cái lý của rừng” mà tôi thu nhận được từ chuyện uống rượu! Ché rượu cần mới khui, K’Min là người uống đầu tiên. Thật lạ! Bởi, theo tôi biết thì ché rượu cần khi được khui mới, chủ nhà thường phải là người uống đầu tiên và mang tính chất “thăm dò” phòng khi có độc, rồi sau đó mới đến khách mời. Thế nhưng, ở lần uống rượu cần “ngồi trên vai” này lại khác: Rượu khui ra, không phải già làng K’Mốp (hay một người phụ nữ lớn tuổi nhất nào đó) uống trước theo thông lệ mà là K’Min – một vị “khách” rất đặc biệt của gia đình già làng K’Mốp. Cầm cần rượu trao cho K’Min, già làng K’Mốp nói như một lời tuyên bố: “Trưởng thôn K’Min biết ngồi lên cái vai già làng để mà đứng vững như cây mun trong rừng thì phải có cái can đảm uống cái rượu cần đầu tiên để phòng cái độc cho mọi người!”. Quả là một nghi thức rất độc đáo!

Còn nhiều chuyện như thế lắm trong những chuyến đi rừng của tôi nhưng có lẽ bài viết nên dừng lại ở đây! Hy vọng được hầu chuyện bạn đọc trong những bài viết sau!

Ghi chép: Khắc Dũng