Chuyện làm người

02:02, 23/02/2011

Chuyến bay nội địa Liên Khương – Hà Nội cất cánh vào lúc 7 giờ tối. Bên ngoài là màn đêm dày đặc. Phía xa ẩn hiện chòm sáng lờ mờ của thành phố Đà Lạt. Chuyến bay đêm cuối tuần thường vẫn yên lặng. Phía trước tôi là một vị khách trung niên với tấm lưng bè và mái tóc hớt kiểu đầu đinh. Người đàn ông này dường như tôi đã từng gặp đâu đó. “Chả lẽ là Trọng, thằng bạn của tôi từ thuở ấu thơ!” - Không chắc, tôi thầm nghĩ! Thằng Trọng cả một thời thơ ấu cho đến khi vào đại học luôn luôn đồng hành với những mảng đời trôi theo cơm áo, lặng lẽ, vất vả. Sao trông giống đại gia thế?

Chuyến bay nội địa Liên Khương – Hà Nội cất cánh vào lúc 7 giờ tối. Bên ngoài là màn đêm dày đặc. Phía xa ẩn hiện chòm sáng lờ mờ của thành phố Đà Lạt. Chuyến bay đêm cuối tuần thường vẫn yên lặng. Phía trước tôi là một vị khách trung niên với tấm lưng bè và mái tóc hớt kiểu đầu đinh. Người đàn ông này dường như tôi đã từng gặp đâu đó. “Chả lẽ là Trọng, thằng bạn của tôi từ thuở ấu thơ!” - Không chắc, tôi thầm nghĩ! Thằng Trọng cả một thời thơ ấu cho đến khi vào đại học luôn luôn đồng hành với những mảng đời trôi theo cơm áo, lặng lẽ, vất vả. Sao trông giống đại gia thế?

BẠN CŨ

Tôi cố nhoài lên một hàng ghế, nhìn thấy trên tay ông ta một tờ báo bằng tiếng Anh chi chít. Để dứt khỏi mối bận tâm đến một người, tôi đứng dậy đập nhẹ vào vai ông ta nói bằng tiếng Anh xin mượn tờ báo một cách lịch sự. Vị khách ngơ ngác há mồm để lộ một cái răng gãy. Ông ta ngập ngừng mấy giây rồi reo lên bằng tiếng Việt: “ A! Mày có phải là thằng Chinh “Bảo Lộc” không? Tôi gật đầu nheo mắt: “ Tao đây! Cả tiếng đồng hồ cứ tưởng mày là một thương nhân Đài Loan chết tiệt nào đó!”.

Đêm ấy, Trọng kéo tôi về khách sạn 5 sao nằm cạnh Hồ Gươm để chia sẻ, hâm nóng một thời quá khứ có nhiều nước mắt. Rồi đến chuyện thời cuộc, những bước đột phá về kỹ thuật, quản trị con người… Anh cho biết mình đã học xong chương trình MBA (thạc sĩ quản trị kinh doanh) và Anh ngữ thương mại quốc tế ở Singapore. Sau đó, anh được chính người thầy của mình ở Sing giới thiệu về Đài Bắc làm việc thêm 3 năm nữa rồi mới trở về Việt Nam. Hiện anh đang giữ chức phó tổng giám đốc kỹ thuật và nguồn nhân lực, chuyên sắp xếp khả năng con người phỏng theo mô hình quản trị đa quốc gia: Nhật – Hàn Quốc – Đài Loan thí điểm tại Việt Nam. Đêm ở tầng 7 khách sạn 5 sao, gió từ Hồ Gươm, từ sông Hồng, hơi thở của tổ tiên Đại Việt thổi quyện vào nhau như đang tiếp sức cho những người đương đại.

NƯỚC MẮT TUỔI 18

Tôi và Trọng học cùng lớp từ năm tiểu học. Hai nhà cách nhau bởi một hàng rào hoa dã quỳ tự nhiên ở Đà Lạt. Bố Trọng là kỹ sư chuyên về hoa quả, một nhà cấy ghép hoa có tên tuổi, xuất thân từ một gia tộc khoa bảng ở đất võ Bình Định. Ông có 4 người con, Trọng là con cả được ông giao sứ mệnh phải học và có phong cách sống tốt để làm gương cho các em noi theo.

Ngày nghe tin Trọng đậu đại học, ông lặng lẽ cả tuần không nói. Mãi cho đến khi có giấy báo chính thức ông mới tổ chức một buổi lạy tạ vong linh dòng họ Đỗ Đình. Tôi là người khách duy nhất được ông mời. Hôm ấy, ông mặc bộ áo dài đen, khăn đóng, đi guốc mộc với đôi mắt đăm đăm nghiêm nghị khác thường. Linh tính báo cho chúng tôi biết sắp có điều hệ trọng. Chúng tôi yên lặng thấp thỏm nhìn nhau đầy sợ sệt. Trước bàn thờ, ông đưa ba cây hương khói toả nghi ngút lên khỏi đầu kính báo với dòng tộc bằng những âm sắc đầy khắc khoải đến mức đau lòng: “Con Đỗ Đình Kính, sinh năm mậu tuất, là hậu duệ đời thứ ba của dòng tộc Đỗ Đình. Nay người con trai đầu của con là Đỗ Đình Trọng, đậu đại học bách khoa 25 điểm. Con lực bất tòng tâm, không thể chu cấp cho cháu vào trường. Trước vong linh dòng họ, con là kẻ bất tài vô dụng, không kế tục được di sản truyền thống của cha ông. Con mong dòng tộc tha lỗi cho đứa con bất hiếu, bất nghĩa này!”. Ông cúi lạy ba lần với một điệu bộ rất lạ rồi quay sang Trọng ngậm ngùi: “Con tha lỗi cho cha mẹ, dòng họ Đỗ Đình nhà ta đều là người có học, nguyên quán Tây Sơn, Bình Định, nơi có truyền thống hiếu học và giàu lòng thượng võ. Ông nội Đỗ Đình Khả là võ sư, đậu cử nhân thời vua Hàm Nghi. Trước phút lâm chung ông trăng trối rằng: “Cha dù làm quan, nhưng không có tài sản gì để lại cho các con. Nhưng nếu các con biết giữ đạo văn võ của dòng tộc, khiêm tốn học tập, lấy tài năng của mình để nuôi thân và phục vụ cho dân cho nước, trở thành người có chuyên môn giỏi, thì đó là tài sản của cha mẹ để lại!”. “Ba ủng hộ con vào đại học để trở thành người hữu dụng, trở thành một chuyên gia kỹ thuật. Nhưng nhà ta không còn gì để bán. Con đừng trách cha mẹ, đừng kết tội cha mẹ là kẻ vô tâm!” - Ông bước đi lảo đảo rồi ôm mặt khóc, cả gia đình nhìn nhau sụt sùi. Tôi và Trọng khóc lớn hơn, tiếng khóc khàn khàn của những thanh niên vừa vỡ tiếng. Bữa tiệc lạy tạ vong linh gồm một con gà luộc khẳng khiu khô đét với cháo rau thừa mứa của những người đang đói. Ngay ngày hôm sau, tôi và Trọng mang ba lô lép kẹp về Sài Gòn. Tôi được mẹ tôi cho 50 đồng, còn Trọng chỉ có 3 tờ giấy bạc 1 đồng. Tuổi 18 của chúng tôi đã bắt đầu như thế!

SỨC MẠNH TRÍ TUỆ CỦA MỘT DÒNG TỘC

Còn hơn một tháng nữa mới nhập học. Nhờ 50 đồng của tôi, cả hai thuê được một phòng trọ rồi tất tả đi tìm việc. Trọng xin được hai chân bốc vác ở Cầu Muối. Nghề bốc vác cũng phải nhập vai từ: chịu lực, tập thế tấn, ăn nhậu, nói tục… Những ngày đầu chưa quen vác nặng trên sông nước, lại dựa dẫm vào sức trai 18 nên tôi bị vẹo cột sống phải bò lết về phòng trọ. Đến một hôm khoảng 5 giờ sáng, Trọng bơ phờ về phòng, mắt nó tím bầm, hai môi sưng húp còn đọng máu khô, một cái răng cửa bị gãy. Nó cho biết là bị “đầu gấu” đánh vì không nộp tiền bảo kê. Đó là bài học đầu tiên được trường đời dạy. Những ngày kế tiếp, hai thằng nhìn nhau thở dài. Đang lúc buồn bã thất vọng đối mặt với cái đói, tình cờ gặp được một ông chủ làm nghề sông nước tên Văn. Nghe nói ông là thầy võ người Bình Định, một mẫu người khó tính nhưng sòng phẳng, hành sự theo luật giang hồ, không bao giờ đánh người “ngã ngựa”. Ông thuê chúng tôi bốc những chậu cây kiểng lên xuống ghe ở cầu Hàn, Tân Thuận cũng đủ trang trải chi phí ăn học tạm thời. Trong ký ức chúng tôi thời ấy, ông Văn vừa là một hung thần, vừa là một người thầy có trách nhiệm. Thỉnh thoảng ông dạy cho chúng tôi những thế võ bí truyền của dòng tộc ông. Đã nhiều lần, chúng tôi bị ông xỉ vả chửi tục, thậm chí tát vào mặt, đạp xuống sông Sài Gòn không một chút chạnh lòng. Bù lại, hàng tháng ông trả đủ tiền công kể cả những ngày bị ốm, với những lời động viên giải thích về những quy luật nghiệt ngã của đời thường. Qua những trận đòn về thể chất và lòng tự trọng, chúng tôi mới nhận ra rằng trên đời này không ai cho không ai trừ những người thân và bạn bè chí cốt.

Ngày ông Kính hấp hối, gia đình Trọng có mặt đầy đủ, có cả hai cha con tôi và ông chủ Văn “sông nước” ngày trước. Ông Văn hai tay đặt gói bạc 50 triệu lên bàn thờ tổ. Trọng ngỡ ngàng nhìn mẹ. Ông Kính như hiểu ý, run rẩy đưa tay chỉ về phía ông Văn, miệng thì thào: “Đây là bác Nhân trong dòng họ Đỗ Đình nhà ta. Thuở thiếu thời, ba và bác học cùng lớp. Hơn 20 năm nay ba mẹ giấu các con về bác, về lô đất ở Tây Sơn, hương thơm của dòng tộc dùng để đầu tư cho việc học hành. Ba đã bán đi, giao số tiền ấy cho bác làm nghề sông nước ở cầu Tân Thuận, Nhà Bè. Hàng tháng trích số tiền lãi trả công lao động cho các con. Nhưng tiền công này chỉ đến tay những ai đổ mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu. Làm người từ gian khó đi lên mới biết quý đồng tiền và công sức lao động của mình và của người khác. Nay ba giao số bạc này cho thằng Trọng anh cả trong nhà. Quỹ khuyến học, khuyến tài nhà ta đã qua ba đời, mỗi đời có số lượng khác nhau. Thời ông nội chỉ có 100 đồng. Sau này các con phải cùng nhau góp sức nhân lên. 50 triệu đồng này không được chi vào việc ma chay của ba, cũng không được cho các cháu nội ngoại của ba biết. Đó không phải là tiền, đó là sức mạnh và trí tuệ của dòng tộc. Ba mong các con nhớ lời ông nội dặn!...”. Rồi ông nhắm mắt, trút hơi thở cuối cùng.

Vài ngày sau, tôi rời Hà Nội về lại Liên Khương cũng trong chuyến bay đêm. Ngồi chung với người lạ, tôi bỗng nhớ đến Trọng, nhớ đến dòng họ Đỗ Đình. Tôi hiểu ra rằng: Nề nếp của một gia tộc phải có bề dày, người được uỷ nhiệm làm “nhạc trưởng” phải có tâm và có tầm, phải thực sự là một tấm gương nặng lòng và có trách nhiệm với gia đình, dòng tộc và xã hội…
 
Truyện ký TRẦN ĐẠI