Chuyện một “nhân thạch” ở Bảo Lộc

04:02, 06/02/2011

Anh Tiến “Sơ ca” ở phường II, người có mái tóc xoăn dài với khuôn mặt hằn lên một quá khứ nhọc nhằn như nhà thơ Bùi Giáng. Anh là dân gốc Quảng Nam nhưng đã nhập cư ở Bảo Lộc 20 năm có lẻ.

Anh Tiến “Sơ ca” ở phường II, người có mái tóc xoăn dài với khuôn mặt hằn lên một quá khứ nhọc nhằn như nhà thơ Bùi Giáng. Anh là dân gốc Quảng Nam nhưng đã nhập cư ở Bảo Lộc 20 năm có lẻ. Hằng năm cứ mỗi độ xuân về, anh thường gợi ý nhóm đồng hương Quảng Nam ở Bảo Lộc trèo núi Đại Bình nhặt một loại đá đen bóng về viết thư pháp tặng nhau để nhớ về hồn quê xứ Quảng. Anh bảo, tiết xuân là mùa giao thoa trời đất, vạn vật hữu linh.Đó là giai đoạn màu đá trở nên huyền hoặc trầm ẩn như hơi thở của người xưa vọng về… Mỗi thỏi đá như hiện thân của một đời người song hành với mỗi số phận vinh quang và cay đắng.
 
 

HUYỀN THOẠI VỀ MỘT NHÂN THẠCH MANG TÊN ĐỆM “SƠ CA”

Vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, tại trung tâm Bảo Lộc - đoạn ngã ba Quốc lộ 20 rẽ vào cầu trắng, xuất hiện một ông đồ trẻ mặc áo dài khăn đóng mang guốc mộc ốm đói gầy gò, ngồi trên chiếu viết thư pháp bằng chữ Việt để tặng hoặc bán giá “mềm” cho dân bản địa hoặc khách thập phương. Trong tâm thức của một số người, họ thực sự ái mộ ông, người đã dùng hết tâm khí lực để khai bút đến mức trên mặt lấm tấm mồ hôi. Có những lúc xuất thần ông đứng dậy khệnh khạng, đôi mắt đầy thần khí như hồn thiêng sông núi nhập vào. Ông hua tay một vòng rồi phóng bút lông viết chữ TÂM theo mẫu đại tự với đường nét bí ẩn tòe ra rồi xếp lại cao vút. Nét chữ như có ma lực, như cộng hưởng sự thăng trầm của cả đời ông. Hồn chữ như réo gọi con người hãy giữ lấy chữ TÂM. Rõ ràng chữ nghĩa của ông đã hóa người, trở thành sức mạnh vật chất để lôi kéo đồng loại giữ lấy mình và giữ lấy truyền thống gia tộc.

Anh Tiến tên đầy đủ là Hồ Minh Tiến, sinh năm 1963 tại Đại Lộc, Quảng Nam. Năm 1982, chàng thanh niên giỏi văn cấp huyện rời Đại Lộc ra Đà Nẵng mang theo cả một tuổi thơ tròng trành. Khi sang phố tranh đường Hùng Vương, anh bị thôi miên bởi những bức tranh thủy mặc. Ngày ấy tranh thủy mặc vẽ bằng mực tàu đen trắng đã được minh họa thêm nhiều màu sắc. Nhìn cảnh sông núi, cánh đồng quê với khói lam chiều tỏa lên từ những mái nhà tranh kèm theo những hàng thư pháp đã làm cho tâm hồn của anh ngây ngất đến mức man dại. Và rồi anh trở thành kẻ bưng bê tranh chào khách kiếm cơm ngày 2 bữa giữa đô thị dập dìu xe pháo…

Với tôi, 1 lần anh tâm sự: “ Ngày ấy vì nóng lòng cần một ít vốn để thuê kios bán tranh thủy mặc, hai vợ chồng tôi đạp xe đi mua đồng nát, sau đó làm một vựa thu mua nhỏ. Lúc đó, vì quá tin người nên bị thiên hạ lừa mất hết cả vốn rồi lâm vào cảnh nợ nần. Những ngày mưa gió thế này lại nhớ lúc tha hương vào Bảo Lộc sống bằng nghề nấu rượu, nuôi heo nái. Nhưng số phận cũng không mỉm cười, đột nhiên heo mẹ lăn đùng ra chết, rồi chuyển sang nuôi gà lại gặp phải lúc đại dịch H5N1, hai vợ chồng quần áo ướt sũng chạy ngược xuôi bán gà tống tháo. Mấy lần thất bại trắng tay, gia đình lâm vào cảnh khánh kiệt. Trong những lúc đầy tuyệt vọng ấy, vợ chồng chỉ lén nhìn nhau trong lặng lẽ. Đêm đêm, vợ tôi thút thít khóc không biết lấy gì để nuôi con. Cũng may là cả hai người biết tôn trọng nhau, nên không đổ lỗi dẫn đến xem thường như những thảm kịch gia đình quanh ta từng xảy ra đâu đó. Anh thấy đấy! Hoàn cảnh đã đưa chúng tôi vào bước đường cùng, tôi đặt tên mình “Sơ ca” có nghĩa là “sa cơ” để nhớ một thời nước mắt chảy ngược!”.

CUỘC HÀNH TRÌNH ĐI TÌM HUYỀN SƠN THẠCH (ĐÁ NÚI MÀU ĐEN)

Vào đầu năm 2000, thị trường thư pháp Việt Nam xuất hiện một loại hàng mới là thạch thư (viết thư pháp trên đá) và thạch ảnh (ghép hình trên đá). Ở Ngũ Hoành Sơn có nghệ nhân Hồ Công Khanh, ở Sài Gòn có Huỳnh Quang Lĩnh và Vũng Tàu có Thanh Hiền… Đa số những nghệ nhân này đều xuất thân từ xứ Quảng.

Để mở con đường sống cho mình, anh Tiến tìm đến những người đồng hương “nhân thạch” với dáng điệu “Sơ ca”. Cuộc hành trình truy tìm đá bằng xe máy từ Đà Nẵng đến tận đàng trong. Điều anh cần là xuất xứ nguồn đá. Ngũ Hoành Sơn là vùng núi đá Granit. Các loại đá khác ở miền duyên hải tuy xếp loại đá cuội nhưng cũng khó viết thạch thư. Cuối cùng anh bộc bạch ý định của mình. Ở các nơi anh đến, nơi đâu các “chiến hữu” đều đáp lại bằng một tràng cười, những tiếng cười ngặt nghẽo đến mức ghê sợ. Cuối cùng, cũng còn người có TÂM mở đường cho anh: “Thực sự đá đen mà bọn mình đang sử dụng đều từ Bảo Lộc trên ông. Cá nhân tôi chưa lần nào đến, nhưng nghe những người giao đá bảo rằng huyền thạch này là xuất xứ ở Đại Bình, ngọn núi đối diện UBND thị xã (nay là thành phố). Bao năm nay, giới thương hồ đã khai thác vận chuyển đi khắp các miền. Và trong các anh em cầm cọ đều xác định rằng chỉ có đá Đại Bình (Bảo Lộc) mới có thể viết thư pháp và làm thạch ảnh nổi bật phần hồn!”…

Đại Bình là tên một ngọn núi lớn ở Bảo Lộc có đỉnh là Sapung cao 1.100 mét, án ngữ về phía đông nam thành phố, một địa danh đầy ắp truyền thuyết của dân tộc Mạ. Dưới chân núi là con suối chảy trên mỏ đá đen lộ thiên. Theo các nhà địa chất, loại đá này, theo hoạt động của vỏ trái đất tạo thành loại đá trầm tích gọi là đá silic. Đá trầm tích có 3 loại, trong đó có loại sa thạch gọi là đá cuội đen bóng, dễ hút nước. Đá cuội Đại Bình có hàng ngàn kiểu dáng khác nhau. Có viên mang hình rặng núi ẩn hiện, có viên mang dáng phụ tử hoặc vọng phu… Nhưng phần lớn đều phẳng phiu viết thư pháp rất tốt. Rồi từ đá nuôi đá, đến nuôi người, anh Tiến phải mất 5 năm mới trở thành “nhân thạch”. Có thể nói, anh là một trong những người có kiến thức về loại sa thạch này một cách có chiều sâu.

Thư pháp viết trên giấy đã khó, còn viết trên vật thô ráp không có khuôn mẫu lại càng khó hơn. Người viết phải theo đường vân, gân đá, gam màu, độ tương phản khác nhau… để tác phẩm toát lên được cái hồn. Trong lao động phức tạp này, đòi hỏi tính sáng tạo nghệ thuật rất cao.

Huyền thạch, món quà được thiên nhiên ban tặng cho Bảo Lộc qua bàn tay điệu nghệ của anh Tiến phóng bút khai tâm, không còn là vật vô tri vô giác nữa, mà trở thành thân phận, hồn quê, những lời thì thầm của hồn thiêng sông núi từ ngàn năm dựng nước vọng về. Đã có những người con xa xứ bật khóc khi nhìn hàng thư pháp và cảnh quê gợi nhớ lên hình hài của gia tộc mình.

CHUYỆN HAI CHỊ EM VIỆT KIỀU “PHÓP”SINH ĐÔI

Mới đây, tôi phóng xe máy từ Bảo Lộc đến gian hàng tranh của anh trên đồi Mộng Mơ Đà Lạt. Gian hàng đầy ắp tranh ảnh, hồn đá Đại Bình và cả giàn máy kỹ thuật số hiện đại để làm thạch ảnh. Bây giờ thì vợ chồng anh đã giàu rồi, có “của ăn của để”, các con anh đều vào đại học. Thế nhưng, hồn tranh và đá vẫn thấp thoáng quá khứ xa xôi hoài niệm.

Đến Đà Lạt lần này, tôi tình cờ gặp nhóm đồng hương Quảng Nam của anh, được nhâm nhi ly cà phê nóng râm ran kể chuyện vui buồn, lại được nghe câu chuyện Việt kiều xuất thân từ Quảng. Anh chậm rãi kể: “Chuyện được bắt đầu thế này (giọng anh trầm xuống). Vào mùa đông năm ngoái, lúc ấy Đà Lạt lạnh lắm, có lẽ xuống 10 độ C. Có hai người phụ nữ U50 tìm đến phòng tranh của tôi. Hai người có gương mặt giống nhau, một người mập trắng phốp pháp, một người gầy hơn, da hơi sáng như người Brazil. Cả hai đều mặc áo “măng tô” kiểu Pháp, dáng quý phái và cũng đều dùng khăn quàng cổ bằng tơ lụa, đứng tần ngần xem bức tranh quê. Đó là bức họa về cảnh con sông Thu Bồn quê tôi, với bãi mía điền dâu và hàng tre xanh thẳm. Bức tranh toát lên phần hồn mà tôi đã dùng hết khả năng khắc họa. Trong bao năm, tôi đã mang theo nó như mang cả hình bóng quê nhà tha hương kiếm sống. Nhiều khách thương hồ đã ngã giá nhưng tôi không bán, vì ai có thể nhẫn tâm bán đi cái hồn quê gia phả của một đời người, đã hơn chục năm nay bức di vật này được treo lên trong sự trân trọng. Hai người phụ nữ vẫn đứng dán mắt vào bức tranh sông quê của tôi trong câm lặng, hình như đang cố hoài niệm một điều gì đó. Mãi đến gần nửa giờ, họ chỉ trỏ vào dòng sông thỏ thẻ với nhau bằng giọng Quảng Nam đặc sệt: “Đây là khu đất của cậu Bốn, đây là vườn nhà của anh Đặng Đông, góc sông này là nơi hai chị em mình thường tắm, hàng tre này phơi quần áo…”. Anh biết! Tôi là dân xứ Quảng xa quê, nghe giọng nhà đến mức hồi hộp. Vài phút sau họ cho tôi biết gốc gác mình ở miền Trung nhưng xa quê đã lâu, hiện sinh sống ở Lộc Tiến (Bảo Lộc)”.

“Sau đó, họ năn nỉ tôi bán lại bức tranh đến nỗi không cầm lòng được. Cuối cùng tôi tặng. Có ai bán hoặc tính hồn quê của mình bằng tiền đâu. Sau khi bức tranh ra đi, tôi bẽ bàng úp mặt vào tường cả mười phút trong day dứt. Tối hôm ấy, có một chiếc xe taxi mời tôi về khách sạn. Đến nơi, tôi mới biết hai người đàn bà ấy không phải là dân Bảo Lộc mà là Việt kiều Pháp. Tiếng Quảng Nam chắc anh biết rồi. Pháp phát âm là “Phóp”. Sau cùng họ đề nghị tôi viết một hàng thư pháp vào tranh để kỷ niệm. Lúc ấy, tôi không biết mình nhập tâm điều gì mà phóng bút viết không cần phải suy nghĩ. Đó là hai câu thơ: Giọt sương trên cỏ đêm qua. Giật mình chợt hỏi quê nhà nơi mô!”.

“Khi nét bút lông cuối cùng của tôi kết thúc bằng chấm than, bất ngờ họ ôm chầm tôi khóc. Khóc như chưa từng bao giờ được khóc. Tôi lặng im chết đứng, người tôi bỗng trở thành bệ đỡ cho họ. Trong khoảnh khắc ấy, tôi bàng hoàng không tin vào mắt mình, bàng hoàng cho đến tận bây giờ. Cũng đêm ấy, tôi biết thêm chi tiết khá thú vị. Đó là hai chị em song sinh. Người chị là Ngô Duy Thu. Người em là Ngô Thu Duy. Những cái tên mang hồn của đất, khắc sâu kỷ niệm đời người. Bố mẹ bà ấy đặt tên con bằng địa danh để sau này còn nhớ quê quán mà tìm về. Ngô là họ, Duy là huyện Duy Xuyên và Thu là tên con sông Thu Bồn. Thảo nào khi họ nhìn thấy con sông và dòng thư pháp đã khóc òa như thế. Anh thấy đấy, tiền bạc và danh vọng không phải là tất cả. Còn cái lớn hơn là hồn đất và hồn người. Chắc họ là những người có học. Chỉ có những người có học mới lắng đọng hồn quê và tự hào về gia đình và dân tộc. Cuối cùng, tôi phải “bị” nhận tiền bức di vật của mình. Anh biết! Ai cũng cần tiền để sống, nhưng nhận đồng tiền trong nước mắt thì đau lắm anh à! Nhưng suy cho cùng, quê hương đâu phải của riêng một người anh nhỉ!”.

Chuẩn bị cho đại lễ ngàn năm Thăng Long Hà Nội, anh Tiến điện thoại cho tôi từ Hà Thành báo tin: “Thành phố Bảo Lộc đã cấp 60 triệu đồng cho 5 nghệ nhân mang tranh đi triển lãm ở Hà Nội. Huyền thạch sơn, đá núi của Đại Bình vượt hàng ngàn cây số để góp mặt cho ngày đại lễ. Đá Đại Bình đã mang hơi thở đất và người của cả Lâm Đồng đến tận thủ đô rồi anh ạ!”. Chị Thủy - vợ anh, cũng chen vào điện thoại: “Hai bà Việt kiều “Phóp” đang ngồi ở đây. Hai bà đang thì thầm với đá theo bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”. Bà ấy hát hay lắm!”. Chị Thủy reo trong máy với âm sắc Quảng Nam pha trộn âm điệu của phố núi B’Lao. Nơi mà đất và người đã có hai mươi năm gắn kết và trở nên giàu có đến tận bây giờ.
Trần Đại