Các giá trị văn hóa bản địa Tây Nguyên như: Luật tục, sử thi, lễ hội, cồng chiêng, buôn làng, nhà rông, nhà mồ, nghề dệt vải, nghề săn voi… đã tạo nên một điểm đến không thể bỏ qua của du lịch khám phá.
Tại Nam Tây Nguyên, nơi du khách tìm đến ngày càng đông, trước tiên phải kể đến các buôn làng người Lạch dưới chân núi LangBian, buôn Đarahoa dưới chân núi Voi. Nhiều nhóm du khách tìm đến buôn Kon pang (Tân Thanh, Lâm Hà) buôn Đưng K’nớ bên đường Đông Trường Sơn, rồi ghé thăm các buôn làng của người Cill, người M’Nông thuộc các xã Đạ Long, Đạ Tông huyện Đam Rông.
Không gian văn hóa cồng chiêng bên bờ sông Đồng Nai. |
Gắn cuộc sống với thiên nhiên hoang dã, người Mạ, người Cơ Ho, người Chu ru ở Nam Tây Nguyên đã truyền lại cho con cháu những tri thức về môi trường tự nhiên, cách quản lý, khai thác tài nguyên, cách xác định quan hệ sở hữu của cộng đồng đối với tài nguyên đất, rừng, nước, lâm thổ sản… Việc khai thác và kế thừa những tri thức chứa đựng trong kho tàng luật tục đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho du lịch khám phá. Để tìm hiểu về những vấn đề này, du khách nên đến những buôn làng bên đường 728 chạy từ Bắc Bình Thuận qua Gia Bắc - Sơn Điền - Tân Thượng - Đinh Trang Thượng (Di Linh) đến thị trấn Gia Nghĩa (Đắc Nông). Tại đây, du khách được tận mắt chứng kiến những ngôi nhà cổ, những buôn làng cổ, phong tục tập quán cổ bắt nguồn từ phong cách tư duy mang màu sắc thần bí: Con người, sông, núi, cây cỏ, chiêng chóe… đều có linh hồn. Do đó, mọi hoạt động nghi lễ của cộng đồng đối với đất đai, bến nước, rừng thiêng đều hướng vọng vào thế giới thần linh. Trong đó, ngôn ngữ giao tiếp với thần linh chính là âm thanh của chiêng, trống, tù và…
Điểm đến lý tưởng để khám phá các giá trị văn hóa bản địa, kết hợp với du lịch dưới tán rừng phải kể đến tuyến đường Đạ Chais - Khánh Vĩnh. Ở độ cao trên 2.000m so với mặt nước biển, các buôn làng Klong Klanh, Đạ Tro, Đông Mang (xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương) ẩn mình dưới chân núi Bidoup. Cách đây chưa đầy 10 năm, ở đây còn có nhiều ngôi nhà trệt, mái vòm, vách được sử dụng bằng vỏ cây Pơmu. Bếp lửa và ngọn lửa trong căn nhà đó vẫn được sử dụng và gìn giữ cho đến bây giờ. Vẫn những người đàn bà của chế độ mẫu hệ, với tục bắt chồng đang nấu món cháo bắp, canh rau bép. Vẫn những thiếu nữ ngồi xâu những chuỗi vòng cườm đủ màu sắc. Vòng cườm không chỉ là trang sức yêu thích của người Cill nơi đây, mà còn là sính lễ bắt buộc của nhà gái đưa đến nhà trai trong hôn lễ. Ngay từ khi đám nói, nhà gái đã bỏ từ 4 - 5 sợi dây cườm vào 4 - 5 sớp gạo, rồi mang đến nhà trai nói chuyện. Các chàng trai ở đây không bao giờ đồng ý ngay từ lần đám nói đầu tiên, có trường hợp nhà gái phải đi nói tới 20 lần. Đến đám hỏi, đám cưới, số lượng vòng cườm được thỏa thuận cụ thể theo yêu cầu của nhà trai. Ở đây người Cill quý nhất vòng cườm cổ bằng chất liệu đá lửa, đá opan. Trị giá mỗi vòng cườm có khi lên tới 2 - 3 chỉ vàng.
Ở bất cứ buôn làng nào, rượu cần và hệ thống chum, ghè, chóe… gắn bó với tất cả các nghi lễ lớn nhỏ của người Tây Nguyên. Từ lễ đặt tên, lễ cưới, lễ đâm trâu, lễ bỏ mả, cho đến lễ cầu mưa, lễ đốt rẫy, lễ mừng lúa mới… Rượu cần ngon được làm từ cơm gạo lúa mẹ, ủ bằng men lá cây trong tố xà lung lớn, thường được chuẩn bị trước từ 1 đến 2 năm cho một lễ hội cộng đồng. Trong các sinh hoạt tín ngưỡng này, nghi thức hiến sinh trở thành quan trọng và không thể thiếu. Lễ vật hiến sinh thường là gà, ngan, vịt, heo, dê, trâu, sẽ kéo theo nhiều món ăn độc đáo trong ẩm thực của các tộc người.
Nhu cầu khám phá các giá trị văn hóa bản địa của du khách, đang góp phần bảo tồn, phát huy những nét đẹp trong bản sắc văn hóa của các tộc người ở Nam Tây Nguyên.