Thực ra nói một cách chính xác thì các tộc người Tây Nguyên bản địa không ăn tết nguyên đán như người Kinh. Hệ thống lễ tết của người Tây Nguyên theo quy luật của văn minh nương rẫy để phù hợp với đời sống của con người và cả tự nhiên của vùng này.
Chúng tôi đã có dịp sang Mã Lai và ngay giữa các nhà hàng lớn ở thủ đô Kualalampur thì người Mã Lai vẫn rất sung sướng và thích thú dùng tay bốc cơm ăn, dù cơm và thức ăn của họ rất nhiều mỡ và cà ri vàng khè. Hệ thống lễ tết của người Tây Nguyên phụ thuộc vào vòng quay của đời cây, đặc biệt là cây lúa rẫy. Nó cũng phụ thuộc vào mùa nữa. Người Tây Nguyên không có bốn mùa xuân hạ thu đông như người Kinh, mà chỉ có 2 mùa mưa và nắng. Lễ tết không thể vào mùa mưa, cũng như thế không thể vào mùa làm rẫy. Nó chỉ có thể là vào khi thu hoạch rẫy, thường là vào khoảng tháng 3 tháng 4 dương lịch, tức là sau tết nguyên đán của người Kinh chừng một tháng.
Đây đang là mùa khô, mùa có những tháng đẹp nhất trong năm. Trời cao và xanh lồng lộng. Gió miệt mài thổi, và lạnh se se. Mùa mưa ở Tây Nguyên là mùa nóng, còn mùa khô là mùa lạnh. Hãy hình dung đi, nắng vàng và lạnh se. Dã quỳ bắt đầu nở, tiệp với màu vàng của nắng, của đất đỏ, của gió, và cả những đôi mắt ngơ ngác của các thiếu nữ đang căng mình ra đón gió, đang thả mình ra nhận về những rung động mơ hồ ngơ ngác của những ngày triền miên lễ hội. Má bắt đầu hồng, tim đập có vẻ như nhanh hơn, tâm trạng có vẻ bất ổn xốn xang hơn. Chỉ cần nhìn các cô gái dậy thì có thể thấy được mùa lễ hội đã đến...
VẠN VẬT XUÂN
Mùa xuân thì đương nhiên là của tất cả, chả trừ ai, vậy nên muông thú cao nguyên vào mùa phát dục cũng là lẽ thường. Có điều nên nhớ, lúc này đang là đỉnh điểm mùa khô Tây Nguyên, nên chỉ trừ Dã quỳ đang bung hoa vàng rực, còn lại là cây cối không xanh tươi nẩy lộc đâm chồi như ở đồng bằng. Và đấy chính là mùa săn ở Tây Nguyên. Bây giờ kể là kể thế chứ chả còn ai đi săn nữa. Bởi thứ nhất là đã... hết thú rừng rồi, cũng giống hệt như là rừng đã hết vậy, kiểm lâm nhàn nhã. Thứ hai là nếu có còn con nào thì được bảo vệ rất chặt, vì thế mà voi rừng ra tận làng, tận đường nhựa đuổi người chạy trối chết, đạp người không toàn thây nhưng các cấp chính quyền chỉ khuyên bà con đốt lửa đập ống bơ giống hệt hồi ngày xưa Bến Tre... đồng khởi vậy.
Ngày xưa người Tây Nguyên "ăn rừng"- chữ dùng của nhà dân tộc học Kondominat- nhưng thực ra là mối quan hệ giữa người với rừng rất chan hòa, họ ăn rừng nhưng chỉ ăn những gì được phép ăn theo luật tục, còn lại là họ sống thân thiện với rừng, con người và rừng nương tựa vào nhau, bảo vệ nhau trong mối quan hệ trả vay tương hỗ, đầy tính nhân văn cao cả và cũng rất thiết thực hiệu quả. Như có chuyện nghệ sĩ múa Y Vin kể rằng làng ông thường xuyên bị một con hổ vằn thọt chân vào bắt bò. Thường thì những con hổ bị thương mới hay vào làng bắt súc vật hoặc người vì nó không đủ sức kiếm ăn được ở môi trường thiên nhiên. Một hôm ông quyết định ra... cãi nhau với hổ. Dưới ánh trăng mùa khô luênh loang, trên một đồi lau ràn rạt gió, lạnh cắt ruột, ông hổ to như con trâu mộng ngồi chống hai chân trước nheo mắt nhìn một "anh chàng người" nhỏ thó, cởi trần đóng khố chống nạnh "chửi" nó thế này: Mày cũng đàn ông, tao cũng đàn ông, có gì thì đấu tay bo với nhau, hẹn mày con trăng sau, ra suối Chơ Pâu, cùng quánh nhau, ai thua thì phải bỏ xứ mà đi, chứ làng tao toàn đàn bà con gái, mày đừng vào bắt nạt mà họ sợ. Bây giờ oánh nhau ở đây cũng được, nhưng vợ con tao nó sợ, dân làng tao nó sợ, nhớ chưa, con trăng sau nhé, suối Chơ Pâu nhééé... Thế mà ông hổ này bỏ đi thật, sau một hồi gục gặc đầu ra chiều suy nghĩ. Tôi hỏi Y Vin, lúc này đang là đồng nghiệp của tôi ở sở Văn Hóa Gia Lai rằng tháng sau anh có ra suối không, ông khà khà bảo, ra chớ, uống rượu xong thì ra, nhưng không thấy ông cọp ấy đâu, và sau đó không bao giờ thấy nó vào phá làng nữa.
Chúng ta cũng hay nghe nói người M’nông, Êđê bắt voi rừng. Thực sự thì họ chỉ bắt những con voi còn nhỏ, có thể thuần phục được chứ không bắt tràn lan, không săn tràn lan, và đặc biệt là không bao giờ sát hại chúng. Mùa khô là mùa voi động dục, chúng kéo nhau vào rừng sâu chọn những bãi cỏ rộng và khi hành sự chúng phá nát những bãi cỏ hàng chục héc ta ấy. Nghe nói voi làm tình hãi hùng lắm, hàng ngày trời chúng lăn lộn cho đến khi tìm được vị trí hợp lý để con voi đực có thể gác hai chân trước lên lưng con cái, thường là ở những nơi đất có bậc, con voi cái đứng bậc dưới xoay mông lại, voi đực đứng bậc trên vươn vòi ra. Khổ thân voi, yêu như thế cũng cơ khổ. Lại liên tưởng đến những con bọ ngựa, yêu xong là con cái ăn thịt con đực luôn. Cũng nghe nói là ai vô tình đi rừng mà bắt gặp cảnh này là cầm chắc cái chết không toàn thây cho mình vì voi rất ghét cảnh mình đang yêu nhau mà bị... nhòm trộm, chúng sẽ trả thù đến cùng. Vì thế trong các làng Tây Nguyên, bên cạnh các luật tục còn có các điều răn dặn nhau truyền đời này sang đời khác để tránh như nếu ra khỏi nhà gặp chim kêu trước mặt thì sao, gặp rắn thế nào, gặp con thỏ con chồn... đều có hết, và tất nhiên nếu nghe tiếng uỳnh uỳnh như động đất trong thung sâu thì đích thị là voi đang yêu nhau, tránh cho xa, đừng héo lánh vào mà tàn đời.
Mùa này heo rừng cũng đi hàng đàn vừa kiếm ăn vừa... du hí. Ấy là lúc dân làng tổ chức săn tập thể. Việc đầu tiên là già làng phán đoán hướng đi của đàn heo. Đây là công việc vô cùng quan trọng, quyết định thành bại của chuyến săn, hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm sống của cá nhân già làng. Già làng sở dĩ được bầu là... già làng là bởi kinh nghiệm sống hơn người, biết ra những quyết định đúng đắn, chính xác để cả cộng động làng làm theo, kể cả những việc rất lớn như dời làng, dịch bệnh, cầu mưa, chiến tranh, chọn đất làng, đất rẫy... Thì khi đã đoán được hướng đi của đàn heo (nhiều đàn heo đến mấy trăm con, mấy thế hệ), công việc còn lại khá đơn giản, ấy là đào một cái hố vừa rộng vừa sâu, rồi rào đường đến cái hố ấy, sao cho khi đàn heo xuất hiện, chúng cứ men theo hàng rào ấy mà đi, và đến cuối hàng rào thì... lần lượt từng con rơi xuống hố. Tất nhiên lúc này có sự hỗ trợ của lửa, tiếng động, la hét và cả chó để cuộc săn kết thúc sớm. Hơi giống kiểu đặt nò sáo của ngư dân sông nước. Vậy mà hiệu quả. Cũng xin nói luôn là sau đó người ta chọn lọc chứ không giết hết, những con có chửa, những con còn nhỏ, được thả vào rừng, không như chúng ta bây giờ lớn bùi bé mềm, xơi tuốt. Thịt lợn săn được chia đều, tất cả răng nanh được tập trung treo lên nóc nhà rông như một cách khoe chiến tích đồng thời cũng là vật thiêng luôn. Hồi mới lên Tây Nguyên vào nhà rông làng Kon Rơ Bàng tôi đếm được 279 cặp răng nanh như thế, và bỏ nguyên một ngày nghe già làng kể chuyện cuộc săn khổng lồ ấy. Muối không có như bây giờ nên cách tích trữ thịt heo (và các loại thịt săn được, kể cả... chuột) của đồng bào khá đơn giản. Một là nhét vào ống nứa gác lên giàn bếp. Kiểu này thì trữ được cả... nước thịt. Khi ăn cầm ống lắc ra, có thể đổ vào nồi canh hoặc là chưng lên, thậm chí chả cần... nấu. Kiểu nữa là xâu thịt treo lên giàn bếp, để miết thì nó ám khói khô đi. Kiểu này ăn ngon phết. Bây giờ về Krông Pa nhiều nhà người Kinh cũng bắt chước làm kiểu này bằng thịt bò, chấm muối kiến ăn rất ngon, đặc biệt làm mồi nhậu thì thôi rồi. Thịt để cả tảng, bên ngoài nhìn đen sì sì, xé ra từng sợi thịt còn đỏ hồng, mềm, ngọt, vào đến đâu biết đến đấy. Món này làm ngon nhất là thịt nai. Ngày xưa về các làng đồng bào, bao giờ cũng được bà con trịnh trọng lôi ống nứa xuống, đổ ra một ít thịt ấy, mời khách. Khách thì luôn thủ sẵn bột ngọt, tiêu, muối, cho thêm vào rồi nấu lên, trợn trạo ăn sau khi đã uống rượu cần cho đến hết ngửi thấy mùi gì?
NỒNG NÀN CƠM MỚI
Ấy là mùa cơm mới bắt đầu, mùa tết của người Tây Nguyên. Mùa này người Tây Nguyên gọi là mùa Ning nơng, mùa ăn năm uống tháng, mùa con người sống hết mình, với nhau, với bao la đất trời thoáng đãng, với thần linh và với những khát vọng nguyên thủy của mình .
Việc trước tiên là chuẩn bị cho những ngày lễ hội sẽ kéo dài cả hàng nửa tháng. Váy áo được dệt mới, cồng chiêng được lên dây sửa chữa, được làm lễ hạ chiêng, rượu ghè được ủ dựng kín xung quanh sàn nhà...
Rồi chọn ngày tốt để làm lễ tuốt những hạt lúa đầu tiên. Và đấy cũng là ngày ăn tết của người Tây Nguyên.
Lễ luôn luôn đi kèm với hội. Phần lễ rất trang trọng với các nghi thức bắt buộc trước nhà rông, trước cây nêu do các già làng thủ lễ. Thanh niên trai tráng chủ yếu tham gia vào phần hội, và phần này kéo dài hàng mấy ngày, có khi cả tháng.
Lúa được tuốt non về, luộc sơ rồi cho vào chảo rang. Các cô gái xinh đẹp và khéo tay được giao đảm nhận phần việc này. Những đôi tay trần đảo như múa trong cái chảo thơm nhưng nhức mùi đòng đòng. Những đôi mắt đen lúng liếng trong lửa, những cặp má ửng hồng trong lửa, những cặp đùi khép mở trong lửa, ẩn hiện trong những hoa văn cạp váy tinh xảo và công phu, những câu chuyện rủ rỉ trước lửa, mà chuyện của tuổi trẻ, loanh quanh thế nào cũng về đề tài tình yêu. Theo thông tục, các cô gái Tây Nguyên sẽ là người chủ động chọn để bắt các chàng trai làm chồng. Những chàng trai ấy, ngực nở bụng thon đùi ếch, da nâu lẳn chắc đang kỳ cạch ngoài sân nhà rông dựng cây nêu. Việc ai nấy làm nhưng có vẻ những sợi dây thần giao cách cảm khiến họ vẫn ngong ngóng về nhau, vẫn thi thoảng tìm cách đánh động nhau... Đây là món chủ lực của lễ cơm mới: Cốm.
Ngoài ra thì còn cơm, những nồi cơm rất to, thơm phức, trắng ngần với kỹ thuật nấu rất giỏi, ấy là chỉ mở nắp nồi duy nhất một lần lúc cơm chín, thế mà chục nồi như một, đều tăm tắp, độ dẻo như nhau, độ chín như nhau, mùi thơm như nhau... cả những ống cơm lam, rượu cần hàng dãy, và thức ăn, những món mà chỉ người Tây Nguyên mới có, như muối kiến, như cà xóc, như lá mì nấu cá suối...
Muối kiến là những con kiến vàng mùa khô béo nhổng đít có độ chua dôn dốt được bắt hàng nồi về giã với lá é, hoặc lá teng neng, một loại lá rừng, chấm với thịt nướng hoặc ăn với cơm nóng thì hết chê. Cà xóc là cái dạ sách bò được luộc rồi thái và bóp với mật, ớt hiểm, cà đắng, lá mì (sắn), lá giang, cái chất trong phèo non... tất cả thành một cái món đưa cay mà đã nếm một lần thì muốn thêm lần nữa, đến nỗi cứ thấy con bò là nghĩ đến... cà xóc, bây giờ rất nhiều nhà hàng của người Kinh đã đưa món này vào thực đơn, thành món đinh của nhà hàng. Tất nhiên là còn thịt gà, thịt bò, thịt dê... với cách chế biến vừa đơn giản lại vừa hiện đại là nướng trực tiếp trên lửa than. Ngay người Kinh chúng ta, trải qua bao nhiêu thế hệ đầu bếp tài danh chế biến đủ kiểu chiên xào luộc hấp để bây giờ rất nhiều người thích trở về với món truyền thống: nướng trực tiếp trên than hoa, không ướp ủng gì hết, đang nóng hôi hổi thế, chấm với muối ớt. Nếu có được các bãi cỏ, những taman như thảo nguyên dưới đêm trăng lênh loang nữa thì hạnh phúc lên đến tột đỉnh...
Mà ẩm thực mới chỉ là một phần của tết.
Cứ phải là chiêng lên. Những chàng trai ưu tú với bản năng nghệ thuật tuyệt vời đã bắt đầu khom lưng đeo chiêng lên vai. Bao giờ cũng là những vòng ngược chiều kim đồng hồ. Ngực trần, đuôi khố kơ tếch tung trong gió. Những cặp chân rắn chắc bắt dầu nhún, bing beng... chiêng lên rồi.
Những cô gái mắt sắc như dao, áo ló vai trần, ngực căng tràn trề, váy quấn bắp chân ẩn hiện dưới trăng, đắm đuối mơ màng, bí ẩn và phì nhiêu, nửa mời gọi nửa thách thức, nửa ru ngủ nửa tinh nghịch... cũng đứng vào hàng. Vòng xoang bắt đầu. Những cú ra chân nhẹ nhàng quyến rũ, uyển chuyển và mơ hồ, những vòng tay mềm mại nhẹ nhàng đung đưa làm lệch đất làm rung trời, làm đêm như ngừng thở, làm lửa như ngừng reo... Chiêng và xoang đã vào cuộc rồi thì còn gì nghĩa lý. Trẻ con mong nhanh lớn, người lớn muốn chậm già, ai cũng rạo rực muốn nhập vào vòng chiêng và xoang kia, để mà bộc lộ hết mình, thả nổi hết mình, quăng hết mình vào cái hoạt động tự thân vừa thiêng liêng vừa buông thả kia, ai cũng muốn mình trong đời ít nhất một lần sống trong cái khoảnh khắc tuyệt vời cảm xúc ấy, lâng lâng đến độ quên hết xung quanh, chỉ chập chờn hư ảo mơ hồ tiếng chiêng như kích thích hết cái bản năng sống của con người. Vòng xoang quyến rũ kia mời gọi tha thiết vừa háo hức vừa bâng quơ, vừa buông thả vừa giữ gìn, vừa khuôn phép vừa tỏa lan tưởng tượng...
Đêm càng khuya thì cái náo nhiệt nhường cho sự trầm lắng, những đôi tay bấu nhau đã thêm chặt, những ánh mắt nhìn nhau đã tỏa men, những cú nhịp chân, những cú đánh tay đã trở nên cố tình gần gụi, đã như những tín hiệu đực cái. Thì còn gì nữa, tết mà, lễ hội mà, sự giao duyên sinh nở bắt đầu từ đây để mà rồi tết lại đẻ ra tết, lễ hội sinh ra lễ hội, để mà rồi mãi mãi cứ phập phồng thức mở cái khát vọng mong chờ mỗi năm một lần tết đến...
TẾT YANG
Tết thì phải cúng, Kinh thượng gì cũng thế, nhưng tất nhiên cách cúng thì khác nhau. Với người Tây Nguyên thì phải cúng thịt sống. Người ta lấy máu con vật bôi lên chiêng, trống, lấy mỗi bộ phận một chút gác lên cây nêu, rồi thầy cúng gọi các Yang về chứng kiến, vừa gọi vừa vẩy rượu ra bốn xung quanh, đại loại là Ơ Yang Đak (nước) Yang cây Yang suối, Yang... năm mới (bây giờ còn có cả Yang... cán bộ nữa, giống như tượng nhà mồ đã có cả tượng công an, bộ đội, Tây ba lô...)... mời các Yang về chứng kiến và cho làng tỏ lòng biết ơn các Yang đã cho làng mưa thuận gió hòa mùa màng tươi tốt... Người Tây nguyên theo thuyết vạn vật hữu linh, nên tất cả mọi thứ đều có Yang trú ngụ. Cao nhất là Ơi, tức trời, dưới đấy là Yang. Yang là các thần chứ không phải trời. Muốn biết ý Yang thì bắt một con gà trống, thầy cúng đứng sát cây nêu, cắt rất nhanh cổ con gà rồi thả ra, cứ xem cổ gà xoay về hướng nào mà đọc ý Yang. Còn khi làm bò của nhà cúng năm mới thì già trẻ gái trai trong nhà đều đứng vào một hàng và một tay cầm vào sợi dây thừng để thầy cúng khấn, sau đấy con bò mới được làm thịt. Lễ thường là diễn ra nhanh để tiếp vào phần hội, và với người Tây Nguyên bây giờ, có vẻ phần lễ giao hết cho các cụ già, thanh niên chỉ mong đến phần hội mà giao lưu, mà thể hiện. Cũng xin nói luôn, đang có hiện tượng làm thay lễ hội hoặc nhân danh lễ hội để làm méo mó các lễ hội Tây Nguyên. Vốn dĩ lễ hội sinh ra từ nhu cầu tự thân của cộng đồng cư dân ấy để giải quyết những vấn đề mà cộng đồng ấy thấy cần, chứ lễ hội không tổ chức để... xem, như kiểu nhà nước tổ chức bán vé, và vì thế, người trong cuộc mới thấy nó thiêng liêng, mới thấy nó là của mình, còn người ngoài thì "xem" một cách dửng dưng, chưa kể nó còn bị các đơn vị tổ chức áp đặt khiến sai lệch về hình thức và vô bổ về nội dung...
Tết Tây Nguyên cứ thế mà miên man đúng với nghĩa Ning nơng, với nghĩa ăn năm uống tháng. Cũng có nghi thức đến từng nhà, được chủ nhà mời cơm mời rượu. Họ không đi lẻ, mà cứ thế đoàn chiêng và xoang dẫn đầu, lần lượt vào hết từng nhà trong làng. Rồi các chàng trai điệu nghệ đọ chiêng, nói chuyện bằng chiêng, đối đáp bằng chiêng. Đây là lúc thăng hoa nhất của cuộc chơi, và cũng chỉ những người tài hoa nhất mới thể hiện được, và cũng tất nhiên, đấy là các hạt mì chính cánh được các cô gái rình để bắt. Đêm cứ bất tận, ngày cứ miên man, tết của người Tây Nguyên nồng nàn đắm đuối như thế...