Mèo vốn là con vật quen thuộc của nhiều gia đình, là người bạn thân thiết của trẻ con và các thiếu nữ. Không chỉ vậy, mèo còn là con vật đóng góp rất nhiều trong ca dao, tục ngữ Việt Nam.
Lấy mèo để ngợi khen
Từ xa xưa, hình ảnh những người trẻ tuổi có khí phách và chí lớn được ví von với “Mèo con bắt chuột cống.” Hình ảnh này còn gửi gắm rằng bản thân mỗi người đều có thể chiến thắng đối thủ lớn hơn mình khi dám dũng cảm đối diện với nó, cũng như họ có thể làm được sự nghiệp lớn.
Không chỉ biểu tượng về tài cao, mèo còn ẩn dụ cho trí thông minh trong câu “Mèo già hóa cáo.” Nhắc đến cáo khiến người ta nghĩ ngay đến sự khôn ngoan, một khi ai đó có được sự trải nghiệm và tích lũy được vốn sống thì họ cũng sẽ trở nên khôn ngoan như vậy.
Bên cạnh đó, mèo còn mang hình ảnh của sự thanh lịch, tế nhị, cái ngoan của người phụ nữ biết ăn uống duyên dáng, nhỏ nhẻ như mèo ăn trong “Nam thực như hổ, nữ thực như miu” (đàn ông ăn như hổ, phụ nữ ăn như mèo).
Ngoài ra, mèo còn đại diện cho những người biết lượng sức mình: “Mèo nhỏ bắt chuột con.” Thực tế cuộc sống, những người làm ăn nhỏ cũng thường tự lượng vốn, lượng mình theo câu này.
Trong mối quan hệ giữa con người với con người cần đề cao sự khiêm nhường bởi chưa biết “Mèo nào cắn mỉu nào” (không biết con mèo nào cắn con mèo nào). Hình ảnh này dụng ý là sống trên đời chưa biết ai hơn ai, vì vậy mỗi người không nên coi thường kẻ khác bởi biết đâu họ hơn mình.
Có lẽ ở thời buổi nào thì sự khiêm tốn của con người cũng đều cần thiết, vì thế mà “Mèo nào cắn mỉu nào” vẫn thấm thía biết bao.
Con vật được lấy ra để “đùa”
Mèo có công bắt chuột bảo vệ mùa màng, điều này thì ai cũng biết. Tuy nhiên, cha ông ta nhiều khi đã đứng từ phía họ hàng nhà chuột để “chống lại mèo,” làm tăng sức mạnh quyết liệt của mèo, một con vật có ích cho nhà nông. Thế nên, hình ảnh mèo có trở nên “hung bạo” hay “ghê gớm” chính là cái nhìn trong mắt…chuột.
Vận dụng điều này, người ta nói về những ai có thể làm hại người khác nhưng lại tỏ ra thái độ xót thương: “Mèo khóc chuột.”
Mèo là con vật hay nằm khoanh nên bị coi là hiện thân của sự lười nhác. Thế nên có những câu như: “Mèo nằm bồ lúa khoanh đuôi/ Vợ anh đẹp lắm: đuổi ruồi không bay,” hay “Chồng người đi ngược về xuôi/Chồng tôi ngồi bếp sờ đuôi con mèo.”
Không chỉ vậy, mèo còn nói những kẻ hay tự mãn về bản thân như “Mèo khen mèo dài đuôi.”
Mèo còn được đùa hóm hỉnh trong câu ca: “Còn duyên anh cưới ba cheo/ Hết duyên anh cưới con mèo cụt đuôi.” Qua đây, người xưa nhắc khéo các cô con gái đừng quá kén mà trở thành “già kén kẹn hom.”
Thấp thoáng những nụ cười sau câu ca khiến ta còn thấy tội nghiệp cả… con mèo!
Nỗi oan con mèo…
Trong kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam, dù con mèo không ít lần phải đại diện cho loại người mạt hạng của xã hội.
Thương con mèo phải biểu tượng cho loại người vô lại, trai trộm cắp, gái lăng loàn khiến người đời khinh ghét: “Mèo hoang lại gặp chó hoang/ Anh đi ăn trộm gặp nàng bứt khoai.”
Khi chê những người đần độn, ngu ngốc hoặc không có tài năng người xưa cũng lôi mèo vào “Chó gio, mèo mù.”
Tuy nhiên, những hình ảnh đó không đơn thuần chỉ là chê trách mà dân gian còn gửi gắm khát vọng sống của mình. Phải chăng, xã hội phong kiến đã bóp nghẹt con người đến mức, họ luôn giãy giụa muốn được thoát ra khỏi cái “vòng kim cô” đó?/.