“Chị tôi” - giấu mình trong nỗi đợi chờ

02:02, 23/02/2011

Chiến tranh không bao giờ được trả giá trong thời chiến, hóa đơn khổng lồ của nó được gửi đến vào thời hậu chiến. Với hóa đơn ấy tương lai trở nên bất lực trước những vết thương quá khứ. Sức mạnh của thời gian trở nên vô nghĩa trước những vết thương lòng do chiến tranh gây nên. Nó trở thành nỗi ám ảnh, day dứt mà không phương thuốc nào chữa nổi.

Chiến tranh không bao giờ được trả giá trong thời chiến, hóa đơn khổng lồ của nó được gửi đến vào thời hậu chiến. Với hóa đơn ấy tương lai trở nên bất lực trước những vết thương quá khứ. Sức mạnh của thời gian trở nên vô nghĩa trước những vết thương lòng do chiến tranh gây nên. Nó trở thành nỗi ám ảnh, day dứt mà không phương thuốc nào chữa nổi. Chung nỗi niềm ấy, nhà thơ Kiều Công Luận (Lâm Hà) đã dành trọn tình yêu, lòng cảm phục để sáng tác bài thơ Chị tôi với những vần thơ đầy tâm sự:
 
Không ai nghe tiếng chị khóc
Mỗi năm mấy bận qua đây
Tóc bạc xòa trên thành mộ
Tấm bia rung cánh vai gầy

Lời thơ nhẹ nhàng như cơn gió lặng lẽ gắng thổi khô những giọt nước mắt và xoa dịu nỗi đau trong lòng người phụ nữ thủy chung. Ngày lại qua ngày, kể từ thời chị còn con gái đến nay đã quá nửa đời người nhưng trong con tim ấy vẫn vẻn vẹn chỉ hai chữ: đợi chờ. Giấu đi tất cả, từ tình yêu, sự mong nhớ đến nỗi khát khao, ngày anh ra đi, chị vẫn cười dù biết lòng mình đang dậy sóng:
Lấy chồng năm mười chín tuổi
Tuần trăng chưa hết niềm vui
Đất nước đang cơn lửa khói
Tiến anh – héo ruột… chị cười

Với cái nhìn của người ngoài cuộc, tác giả đã thấu hiểu tâm can người phụ nữ ấy. Thầm lặng hi sinh hạnh phúc của riêng mình cho ngày vui của toàn dân tộc. Có lẽ, khi đất nước cần, người phụ nữ Việt Nam nào cũng sẽ hi sinh tình riêng như chị.

Chị cứ ngóng trông và chờ đợi mặc cho cuộc đời bao biến chuyển đổi thay, mặc cho người đời có thêm bao điều tiếng:

Giã gạo - xua đi nỗi nhớ
Giấu đi nửa đời con gái
Dằng dặc mười năm ngóng đợi
Tin đồn… vứt bỏ ngoài tai
Giấu vào thời gian cả tuổi thanh xuân, chị lấy công việc làm niềm vui, lấy tình yêu làm lẽ sống đợi ngày anh trở về. Nhưng may mắn đã không mỉm cười, chị nằm trong số người mãi chịu cảnh lẻ loi, đơn chiếc ngay từ khi “tuần trăng chưa hết niềm vui”:
Địa phương làm lễ truy điệu
Khăn tang đã phủ nặng nề
Khóc nấc chị bảo: không chết
Nay mai anh ấy sẽ về.

Kẻ thù đã cướp mất anh, nhưng lạ chưa, trong con tim người phụ nữ ấy vẫn cháy sáng một niềm tin mãnh liệt rằng: “Nay mai anh ấy sẽ về”. Lời thơ như nghẹn lại, giọng kể đều đều của tác giả đến giây phút này như chùng xuống. Những con chữ như cố tình nén chặt lấy nỗi đau để rồi vỡ òa một niềm hi vọng.

Nhà thơ Kiều Công Luận rất khéo léo trong cách sử dụng ngôn ngữ, không phải là: chưa chết mà là: không chết. Đó là một lời khẳng định cho nỗi niềm thủy chung, tình yêu trọn vẹn và niềm tin không bao giờ tắt trong chị.

Dòng thời gian cảm thức đầy gấp gáp hiển hiện qua từng câu chữ như nhắc nhở bao người hãy ghé xuống ôm lấy bờ vai gầy, mái tóc xõa trên bia mộ, nắm lấy bàn tay chai sần đang lần từng nét chữ để thêm một lần niềm tin trong chị cháy sáng:
Lại gần ba mười năm nữa
Mỗi lần tóc xõa tấm bia
Bàn tay lần từng nét chữ
Ngôi sao …lóe sáng chiều quê.

Nhà thơ cứ như một người bạn đồng hành trên từng quãng đời của người phụ nữ. Trải qua bao tháng năm cô lẻ, chị vẫn kiên trì với nỗi đợi chờ của mình. Thời gian, nỗi nhớ, tình yêu của chị dành cho anh bấy lâu đã se quyện thành niềm tin “lóe sáng chiều quê”.

Những câu thơ ngắn gọn, cô đúc của nhà thơ Kiều Công Luận đi vào lòng người bởi sự giản dị về ngôn từ, trong sáng về ý tưởng và đằm sâu một tình cảm thân thương. Đó không chỉ là sự cảm phục trước đức hi sinh và lòng chung thủy của người phụ nữ, đó còn là sự sẻ chia nỗi đau không thể liền sẹo. Cảm ơn nhà thơ đã thức dậy trong mỗi chúng ta lòng trân trọng đối với những người phụ nữ cả đời giấu mình trong nỗi đợi chờ.
 
XUÂN QUỲNH