Văn hoá đọc - đôi điều trăn trở

03:02, 09/02/2011

Dù bất kỳ ở đâu và ở kỷ nguyên nào, sách - vẫn là nguồn cung cấp tri thức không thể thiếu cho mỗi người. Thực tiễn đã minh định một cách rất đúng đắn, ĐỌC SÁCH, đó là một trong những phương pháp tối ưu để con người, nhất là lớp trẻ có thể có điều kiện rút ngắn khoảng cách, trình độ với thế giới.

Sách là một kho tàng tri thức, để chúng ta có thể góp phần thay đổi được số phận mình.
Sách là một kho tàng tri thức, để chúng ta có thể góp phần thay đổi được số phận mình.
Dù bất kỳ ở đâu và ở kỷ nguyên nào, sách - vẫn là nguồn cung cấp tri thức không thể thiếu cho mỗi người. Thực tiễn đã minh định một cách rất đúng đắn, ĐỌC SÁCH, đó là một trong những phương pháp tối ưu để con người, nhất là lớp trẻ có thể có điều kiện rút ngắn khoảng cách, trình độ với thế giới.

Với sách, bạn đọc sẽ được tiếp cận, được học tập kiến thức từ những bộ óc vĩ đại nhất của nhân loại. Đó chính là nguồn lực đáng kể để góp phần tạo ra sức bật to lớn, để bạn có thể thực hiện được những kỳ vọng của các thế hệ đi trước. Đó cũng chính là cơ hội vàng, là đòn bẩy mà những người không đọc sách không thể nào có được. Mặt khác, đọc sách còn là một nét đặc trưng của văn hoá truyền thống lâu đời, từ lâu tồn tại và phát triển phù hợp với sự tiến bộ của xã hội.

Tuy nhiên, những năm gần đây, văn hoá đọc không còn được nhiều người thiết tha lắm, nhất là đối với lớp trẻ. Ngày nay, việc không biết đến một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng, vài ba truyện ngắn hay hoặc những bài thơ xuất chúng… đã trở thành một hiện tượng khá phổ biến, thậm chí, ngay đến cả đọc báo, chí cũng còn có người không muốn ngó ngàng gì đến…

Lý giải điều này, nhiều người cho rằng, một bộ phận do hoàn cảnh sống thiếu thốn, khó khăn, hàng ngày còn phải lo kiếm miếng cơm, manh áo, thì lấy đâu ra tiền để mua sách vở, vả lại, cũng chẳng có nhiều thời gian đâu mà đọc sách. Trong thực tế, vẫn còn có một bộ phận không nhỏ bạn trẻ sống ngay trên cả một núi sách báo, nhưng họ lại chỉ quan tâm đến những chuyện ly kỳ, giật gân câu khách, hoặc chỉ là xem tranh ảnh, các mẫu mốt, thời trang. Trong khi đó, thì số người ngồi nhiều giờ bên máy tính để “chat” cho nhau, hay ngồi hàng ngày bên ly cà phê đang có chiều hướng ngày càng tăng. Đó quả thật là một thực trạng đáng báo động về một thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.

Đến với sách là một việc làm đòi hỏi người đọc phải tự giác và nhất là phải có lòng say mê ham học hỏi, hiểu biết. Một xã hội học tập phải là một xã hội có nhiều tầng lớp người ham học và đọc sách. Đặc biệt là tuổi trẻ, nguồn lao động chủ yếu của đất nước, nếu họ không có đầy đủ tri thức… thì làm sao có thể vững vàng bước vào kỷ nguyên công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Lâu nay, cũng có người lập luận rằng, chẳng cần phải mua sách, báo mà làm gì, cứ vào mạng thì cái gì cũng có?! Theo chúng tôi, vấn đề ở đây là bạn đã có ý thức tìm đọc hay không, chứ không phải thiếu sách, thiếu tiền.

Ngày nay, bên cạnh những sách in truyền thống, còn có sách điện tử (ebook), mà với lợi thế của mình, nó có khả năng đem đến cho bạn đọc một phương tiện giải trí nhẹ nhàng và thuận tiện. Nhưng rõ ràng, sách điện tử cũng chỉ là một phương tiện vô hồn. Sách in thì khác. Cầm quyển sách lên, tay chạm vào nó, lật qua, lật lại và thậm chí rơi nước mắt lên nó, như thế mới là đọc và phiêu linh cùng với sách. Đến ngàn năm sau, quyển sách mà ta yêu thích vẫn còn thơm mùi mực và ẩn chứa trong nó những nhân vật sống động có thể làm bạn say đắm.
Cuộc sống của mỗi người thường vẫn bị hạn chế bởi không gian và thời gian. Mỗi người chỉ có thể sống một cuộc sống, và tại một thời điểm chỉ có một vị trí. Trang sách chính là cửa sổ mở sang những cuộc đời khác, thế giới khác. Và cũng là chỗ để ánh sáng mặt trời rọi vào cuộc đời mình. Sách chính là người bạn đặc biệt, lúc nào cũng sẵn sàng mở lòng với ta và luôn kiên nhẫn chờ đợi ta trên kệ sách.

Để tạo được thói quen đọc sách, trước hết, bạn cần phải xác định động cơ đọc: Vì sao bạn đọc cuốn sách này mà lại không đọc cuốn sách kia? Và bạn đọc sách là để giải trí hay là để nghiên cứu, tìm tòi, học tập. Nếu là giải trí thì rất đơn giản, bạn cứ việc đọc thoải mái, theo kiểu “vớ gì đọc nấy”, nhưng nếu bạn đọc sách để phục vụ cho việc học tập, tìm hiểu hay nghiên cứu… thì cần phải hiểu cho được, mình đang đọc loại sách gì để có được nội dung học tập, nghiên cứu. Muốn vậy, bạn phải tự xây dựng cho mình những kiến thức cơ bản để làm nền cho việc học tập. Nhờ vậy, bạn mới có thể đọc và tự học, từ đó mới có thể nắm bắt được nội dung cũng như hiểu sâu sắc những giá trị tri thức chứa trong từng trang sách.

Cũng cần phải hiểu thêm rằng, giá trị của cuốn sách không phải nó dạy dỗ ta điều gì cao siêu, xa vời mà là chính nó đã trở thành người bạn thân thiết của ta, cùng chia sẻ với ta trong những lúc khốn cùng. Và khi đó, sách đã trở nên một kho tàng tri thức, để chúng ta có thể góp phần thay đổi được số phận mình.

Nâng cao văn hoá đọc cho mọi người, trước hết là lớp trẻ là một việc làm cấp bách, nhưng đầy khó khăn, vất vả, không thể một sớm, một chiều có thể khắc phục được ngay. Nó đòi hỏi sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành, trong đó, ngành văn hoá phải là lực lượng chủ công. Xác định được trách nhiệm của mình, mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã ký quyết định thành lập Ban soạn thảo xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng. Chắc chắn việc triển khai thực hiện quyết định này sẽ rất khó khăn, nhưng hy vọng rằng, đây sẽ là một tín hiệu vui cho việc phát triển văn hoá đọc trong thời gian tới ở nước ta…

Rõ ràng là không có một phép lạ nào có thể giúp ta thực hiện được khát vọng lớn lao của mình, ngoại trừ sự kiên trì, nỗ lực không ngừng của chính mỗi chúng ta, nhất là khi xung quanh ta đã và đang có muôn vàn sự cám dỗ, thì việc đọc sách quả thật là một nỗi “kinh hoàng” không chỉ của ít người, nếu họ không thực sự có một lòng đam mê với từng trang sách. Phải chăng, đó cũng chính là lý do mà ở một đất nước vốn có hơn 80 triệu dân, nhưng mỗi một cuốn sách chỉ được in vỏn vẹn có 1000 bản, và khi sách đã ra đời, dù nhiều tác phẩm có giá trị nhưng vẫn cứ phải ngủ yên cùng thời gian trên các kệ sách đầy bụi của hệ thống thư viện.

Thực tiễn đã chứng mình rằng, tri thức chỉ có được bằng cách nhặt nhạnh, gom góp mỗi ngày, bền bỉ và không bao giờ ngơi nghỉ. Sự trưởng thành chỉ có được khi chúng ta không sợ vấp ngã trên con đường đầy chông gai, hiểm trở và gập ghềnh của cuộc sống. Nếu sự hiểu biết là một ngôi nhà rộng lớn mà trong đó ta phải luôn khám phá một đời, thì đọc sách chính là những viên gạch và hạt cát góp phần xây nên toà nhà vĩ đại đó.

“Mây đen có thể che được ánh mặt trời, nhưng không thể che nổi ánh sáng do sách mang lại”. Đây là một trong những nhận xét rất xác đáng của văn hoà Nga vĩ đại - Macxin Gorki. Còn đối với Lênin, lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản thế giới đã khẳng định: “Chỉ có thể lấy toàn bộ kho tàng trí thức của nhân loại làm giàu cho bộ óc của mình, thì mới có thể trở thành người cộng sản chân chính được”, và “Không có sách thì không có tri thức, không có tri thức thì không có chủ nghĩa cộng sản”. Vâng, đó chính là những lời dạy cho đến nay vẫn còn sống động. Nhưng để biến những lời di huấn này trở thành hiện thực, nhất là trong giai đoạn hiện nay, quả thật hoàn toàn không phải là một điều dễ dàng và đơn giản. Nhất là khi chúng ta đang sống trong một thế giới mở và hiện đại với tốc độ phát triển rất nhanh, lại phải đối mặt và xử lý vô vàn các thông tin, sự kiện khác nhau. Và vì vậy, chúng ta phải cố gắng rất lớn để tồn tại, phù hợp với thời đại của mình. Nhưng cũng chính vì vậy, mà chúng ta rất cần phải tích luỹ về văn hoá, vốn hiểu biết, kinh nghiệm sống… mà việc tích luỹ đó chỉ có thể có được một cơ bản và có hiệu quả thông qua việc ĐỌC SÁCH.

Do đó, việc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng là một nội dung công tác rất quan trọng và cần thiết.

HOÀNG KIM NGỌC