Cách cà phê nói

10:03, 12/03/2011

(LĐ online) - Ai đã sinh ra ở Tây Nguyên, ai đã ở lại Tây Nguyên, ai đã đến Tây Nguyên, có bao giờ lại có thể xóa khỏi trái tim mình một hình ảnh Tây Nguyên đầy gió núi và sương rừng khuya. Ai có thể quên đi âm thanh rộn rã, thổn thức vang bừng trong đêm tối hoang vu bí ẩn của tiếng cồng chiêng dân tộc… Tiếng cồng chiêng theo suốt cuộc đời con người Tây Nguyên, theo suốt cọng cây, ngọn cỏ, mảnh đất Tây Nguyên hình thành nên một bản sắc văn hóa hào hùng mà sâu lắng, thô mộc mà đầy tinh tế.

(LĐ online) - Ai đã sinh ra ở Tây Nguyên, ai đã ở lại Tây Nguyên, ai đã đến Tây Nguyên, có bao giờ lại có thể xóa khỏi trái tim mình một hình ảnh Tây Nguyên đầy gió núi và sương rừng khuya. Ai có thể quên đi âm thanh rộn rã, thổn thức vang bừng trong đêm tối hoang vu bí ẩn của tiếng cồng chiêng dân tộc… Tiếng cồng chiêng theo suốt cuộc đời con người Tây Nguyên, theo suốt cọng cây, ngọn cỏ, mảnh đất Tây Nguyên hình thành nên một bản sắc văn hóa hào hùng mà sâu lắng, thô mộc mà đầy tinh tế.

 
Đấy là lời giới thiệu của người dẫn chương trình, danh hài Đức Hải tại Đêm nghệ thuật “Cách cà phê  nói” tại thành phố Buôn Ma Thuột. Gió trời lồng lộng, ánh sáng chan hòa màu nâu đỏ, thanh âm rộn ràng, hùng vĩ…- không gian đậm màu sắc Tây Nguyên cuốn hút mọi người. Ca khúc “Vòng tay Đam San”, “Ngọn lửa Tây Nguyên” do nhóm BaZan ngân lên cùng vũ điệu càng khắc họa bản sắc một vùng văn hóa.  

Và câu chuyện về cà phê được dẫn dắt trong dân ca, dân vũ; những trang phục, nghi thức; những giai điệu, tiết tấu…của từng mảng màu, đường nét văn hóa sắc tộc, cư dân bản địa vùng, miền.

Bắt đầu từ một thủa xa xưa, từ một vùng xa ngái. Đó là vùng đất hoang sơ xứ Ethiopia, châu Phi, có anh chàng Kaldi và đàn dê ngày đêm nô đùa trên những mỏm đá, những bụi cây thân thuộc. Đấy là cây cà phê, có thứ quả không chỉ lũ dê thỏa thích mà trở thành quà tặng quý giá của tạo hóa đến với con người sau này.
 
Rồi trải qua hàng thế kỷ, từ những người thổ dân của châu Phi, hạt cà phê lan dần trong cuộc sống con người. Đến thời trung cổ, những người buôn bán nô lệ đã mang những hạt cà phê về Ả Rập. Và thứ hạt kỳ diệu ấy trở thành niềm tự hào của người Ả Rập. Theo bước chân người, thứ nước quả ấy được xưng danh “cà phê”. Cà phê tới xứ sở thần thoại, của những truyền thuyết diệu huyền trong câu chuyện kể hằng đêm của nàng công chúa Sheherazade xinh đẹp. Cà phê dần dần trở thành thứ nước thần linh thật sự, chúng được dùng trong mọi nghi lễ tôn giáo. Cà phê vinh dự trở thành ngôn ngữ con người giao tiếp với tạo hoá. Và cà phê xâm nhập vào Thổ Nhĩ Kỳ theo chân những thương nhân. Ở đây, cà phê trở  thành “thức uống của tình bạn và tình yêu”, “thức uống trí tuệ” trong nếp sống phong lưu “thuốc lá dư, cà phê hậu”. 

Ở trời Âu, điệu van- xơ theo người châu Âu làm đắm say mê hoặc lòng người đi khắp thế giới, và cũng thế, hương vị cà phê lại theo chân họ mà về, làm nên một phong cách cà phê. Những Mocha Italia, Melior Pháp, cà phê Thổ Nhĩ Kỳ, Espresso Italia, cà phê luộc Na Uy …Rồi cà phê lại theo chân những con người khám phá miền đất mới châu Mỹ và nơi ấy được gieo giống ươm mầm để trở thành một thủ phủ cà phê thế giới hôm nay. Hương cà phê, vị cà phê len lỏi, thấm đẫm mỗi góc phố, mỗi con đường, mỗi nếp nhà và bạt ngàn hoa trắng trên cao nguyên xứ Braxin. Nơi đó, hương cà phê quyện hòa trong những điệu múa rực lửa tình yêu.

“Và cà phê đã đến Việt Nam, để rồi thăng hoa, để hình thành nên một nền văn hóa cà phê rất Việt Nam. Đó là cà phê mang hương vị nồng đậm, đắng, thơm nồng mùi đất của núi rừng Tây Nguyên, nồng nàn quyện sâu như lòng người Tây Nguyên…”, Đức Hải diễn tả. Đây là điểm nhấn của chương trình. Cà phê Việt thân thương và ấm cúng, nồng nàn và đắm say….Từ phin cà phê khổng lồ với đường kính lên tới 2m và cao 5m, đặt giữa trung tâm sân khấu, các thiếu nữ rót hàng trăm ly cà phê mời mọi người cùng thưởng thức. Và, tất cả nam thanh, nữ tú, già, trẻ…cùng hòa vào những điệu nhảy bên nhau. Sức cộng hưởng, sức lan tỏa chính từ hương vị cà phê Việt dấu yêu…

Niềm vui tưng bừng, hạnh phúc dâng trào, chan hòa và quyến rũ trong không gian sinh hoạt cộng đồng. Trong nối kết cà phê và trong âm vang khúc nhạc “Ly cà phê Buôn Mê” của cố NSND Y Moan và ca sỹ Y Garia…“Cách cà phê nói” là sự giao tiếp hồn hậu, là cách ứng xử ngây ngất…Sự trộn hòa những dòng chảy văn hóa của các dân tộc Kinh, Ê Đê, Ba Na, Gia Rai,…nước Việt cùng với các nước Braxin, Ethiopia, Indonesia, Pháp, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ… khi câu chuyện khép lại.

Ghi chép: Minh Đạo