(LĐ online) - “Cái hay là ba chương trình nghệ thuật đặc biệt diễn ra trong ba đêm cuối tuần là 01, 02 và 03/4, tại ba địa điểm du lịch nổi tiếng của Đà Lạt: đồi Mộng Mơ, thác Prenn và hồ Xuân Hương. Backdrop (bối cảnh) là thông xanh, thác trắng, hồ nước lung linh, gió lạnh, khung cảnh mộng mơ… Đây là sự mở đầu chuỗi hoạt động văn hoá nghệ thuật để quảng bá cho ngành du lịch Lâm Đồng”.
(LĐ online) - “Cái hay là ba chương trình nghệ thuật đặc biệt diễn ra trong ba đêm cuối tuần là 01, 02 và 03/4, tại ba địa điểm du lịch nổi tiếng của Đà Lạt: đồi Mộng Mơ, thác Prenn và hồ Xuân Hương. Backdrop (bối cảnh) là thông xanh, thác trắng, hồ nước lung linh, gió lạnh, khung cảnh mộng mơ… Đây là sự mở đầu chuỗi hoạt động văn hoá nghệ thuật để quảng bá cho ngành du lịch Lâm Đồng”. Đó là phát biểu của tác giả kịch bản kiêm đạo điễn Nguyễn Vũ Hoàng – Giám đốc Trung tâm Văn hoá tỉnh Lâm Đồng trong cuộc trò chuyện với LamDongOnline ngay giữa hiện trường khi anh đang khảo sát, ngày 07/3.
Đêm nhạc Trịnh sẽ diễn ra tại đồi Trịnh Công Sơn. |
Phút tưởng niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sẽ thiêng liêng và lắng đọng. Lời tưởng niệm được đọc trên nền nhạc saxophone bài “Một cõi đi về”; người dự khán sẽ đặt nến và hoa hồng quanh tượng nhạc sĩ. Chương trình tình khúc Trịnh Công Sơn với chủ đề “Hát rong qua miền hư ảo” sẽ có 5 phần: Đất trời một cuộc rong chơi, Yêu một cõi đời đã mất, Những giấc mơ đời hư ảo và Nhân hậu một thiền sư. “Tôi tiết lộ bí mật này cho nhà báo, chương trình 18 ca khúc này ngoài các ca sĩ ở thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều người biết, sẽ có những người yêu nhạc Trịnh ở Đà Lạt, Lâm Đồng thể hiện, họ là một người rất cao niên, một sơn nữ K’Ho và…Chương trình được khép lại bằng nhạc phẩm “Như một lời chia tay” do các ca sĩ và đặc biệt toàn thể khán giả cùng trình bày”, anh Hoàng nói.
Sân khấu chính. |
Đêm nghệ thuật gồm 8 tổ khúc, liên khúc theo các chủ đề mà hầu hết lấy từ tên nhạc phẩm của các nhạc sĩ nổi tiếng như “Thiên thai” (Văn Cao), “Em đến từ ngàn xưa” (Trịnh Công Sơn), “Tình khúc chiều mưa” (Nguyễn Ánh 9), “Tình cuốn mây ngàn” (Kim Tuấn), “Giáng ngọc” (Ngô Thuỵ Miên)…Tác giả Nguyễn Vũ Hoàng khẳng định: “Chương trình “Em đến từ ngàn xưa” sẽ tạo những hiệu ứng rất bất ngờ, ngoài không gian, cách dàn dựng rất Đà Lạt”. Đêm diễn với góp mặt của nhiều ca sỹ thành phố Hồ Chí Minh như: Đông Đào, Bonnuer Trinh, Thuỵ Vân, Thanh Ngọc, Vũ Bảo, Đông Quân, Trung Hậu, Hồng Mơ, nhóm Giọt nắng, nhóm Online, vũ đoàn Hải Yến, AND…Gần 30 ca khúc đều gần gũi, nhuần nhị với không gian sống của xứ cao nguyên, đất người Đà Lạt. Ngoài những ca khúc lấy làm tiêu đề nói trên còn có những ca khúc nổi tiếng khác như “Đưa em tìm động hoa vàng” (Phạm Duy), “Anh đến thăm em một chiều mưa” (Tô Vũ), “Ru giấc trên đồi” (Tuấn Khanh), “Ngày em đến” (Từ Huy), “Thành phố buồn” (Lam Phương), “Ai lên xứ hoa đào” (Hoàng Nguyên),…
Trả lời câu hỏi của LâmĐồng Online vì sao đêm nhạc “Hát rong qua miền hư ảo” chỉ mời 250 người, anh Vũ Hoàng giải thích: “Chỉ vừa vừa vậy thôi, bởi vì những ai thực sự yêu thích nhạc Trịnh họ mới đến. Nếu cứ để cửa tự do, sẽ vô tình bị phá hỏng ý đồ không gian thiêng của một đêm nghệ thuật tưởng niệm cố nhạc sĩ họ Trịnh. Thật xúc động và sâu lắng là tiêu chí của đêm nghệ thuật”. Anh Hoàng còn cho biết, hai đêm nghệ thuật tại đồi Mộng Mơ và thác Prenn đều phát giấy mời, không bán vé. Giấy mời đêm nhạc Trịnh phát trực tiếp tại Trung tâm Văn hoá tỉnh Lâm Đồng. Còn đêm ca nhạc “Em đến từ ngàn xưa” phục vụ khoảng 1.350 người, du khách đăng ký tại các tour lữ hành hoặc các khách sạn để liên hệ nhận giấy mời tại Phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở Văn hoá, Thể thao và du lịch tỉnh Lâm Đồng.
Riêng đêm nghệ thuật thứ ba, ngày 03/4, chủ nhật, diễn ra tại đường Yersin-bờ hồ Xuân Hương thì không hạn chế số lượng người xem. Đêm này có chủ đề “Về với em”, chào mừng 36 năm Ngày giải phóng Đà Lạt. Tại đây sẽ có 30 bàn với 400 ghế ngồi được phục vụ rượu vang và trà atiso miễn phí. Những ca khúc được trình bày tại đêm nghệ thuật là những tác phẩm viết về cuộc kháng chiến vĩ đại và hào hùng của dân tộc, ca ngợi quê hương đất nước nói chung và Đà Lạt, Lâm Đồng nói riêng. Đó là những ca khúc như “Chào anh giải phóng quân” (Hoàng Vân), “Nam Tây Nguyên giải phóng” (Xuân Bái), “Đà Lạt của tôi” (Đình Nghĩ), “Sắc hoa Đà Lạt” (Krăjan Dick), “Chào LangBian mùa xuân” (Dương Toàn Thiên), “Ta về Đà Lạt” (Kpa Ylăng-Trọng Thuỷ),…
Đặc biệt, đêm nghệ thuật này giới thiệu nhiều tác phẩm của nhạc sỹ Trọng Thuỷ và giao lưu với 3 nhạc sỹ Trọng Thuỷ, Kpa Ylăng và Dương Toàn Thiên. Các nhạc phẩm của Trọng Thuỷ như “Những cánh cò”, “Có một đất nước”, “Lá thư viết dở”, “Trăng treo trên bồng”, “Mặt hồ”, “Khúc hát ngàn thông”…
PV LâmĐồng Online hỏi: “Tại sao không giới thiệu nhạc sĩ Hà Huy Hiền, tác giả của tác phẩm “Nam Tây Nguyên nhớ Bác” - ca khúc đã trở nên phổ biến từ hàng chục năm trước ?”
Anh Vũ Hoàng giải thích: Chúng tôi và Hội Văn học nghệ thuật Lâm Đồng tập trung giới thiệu đậm nét về nhạc sỹ Trọng Thuỷ bởi ông là nhạc sĩ lăn lộn ở chiến trường khu VI này, có nhiều bài hát về khu VI và Lâm Đồng; ông cũng là người trong đoàn quân tiến về Đà Lạt ngày đầu giải phóng và gắn bó với Đà Lạt cho đến nay. Ông có những ca khúc hay về Đà Lạt như: “Mặt hồ”, “Khúc hát ngàn thông”. Còn Kpa Ylăng là bạn cùng viết nhạc với Trọng Thuỷ từ lâu và là nhà nghiên cứu văn hoá Tây Nguyên”.
Tác giả kịch bản kiêm đạo diễn Vũ Hoàng cũng bày tỏ rằng: Qua những hoạt động văn hoá nghệ thuật này muốn gắn với danh lam thắng cảnh của địa phương để từ đó tạo ra những sản phẩm mới cho ngành du lịch phát triển. Đây là những đêm diễn sau thể nghiệm ở Trường Cao đẳng sư phạm Đà Lạt, và sắp tới Trung tâm tiếp tục tổ chức các hoạt động nghệ thuật với hình thức đưa khán giả gần gũi với thiên nhiên như thế này.
Hoạt động văn hoá nghệ thuật trong không gian thiên nhiên đang là hướng đa dạng hoá loại hình du lịch, phát huy “đặc sản không gian sinh học” của Đà Lạt và Lâm Đồng, một mô hình “xã hội hoá” du lịch rất cần được đúc rút nhiều bài học quý để phát huy.