Đến lúc này, không còn nghi ngờ gì nữa khi nói rằng Lâm Đồng – Nam Tây Nguyên – chính là một trong số ít cái nôi của đàn đá cổ của Việt Nam. Trên vùng đất Nam Tây Nguyên này, không chỉ là nơi đầu tiên bộ đàn đá cổ nhất của loài người được phát hiện bởi một nhà dân tộc học người pháp mà số lượng đàn đá cổ được phát hiện ở đây từ trước đến nay chiếm cao nhất trong cả nước. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là cho đến lúc này, vấn đề công nhận là báu vật quốc gia cho một số sưu tập đàn đá cổ của Lâm Đồng vẫn chưa được thực hiện.
Đến lúc này, không còn nghi ngờ gì nữa khi nói rằng Lâm Đồng – Nam Tây Nguyên – chính là một trong số ít cái nôi của đàn đá cổ của Việt Nam. Trên vùng đất Nam Tây Nguyên này, không chỉ là nơi đầu tiên bộ đàn đá cổ nhất của loài người được phát hiện bởi một nhà dân tộc học người pháp mà số lượng đàn đá cổ được phát hiện ở đây từ trước đến nay chiếm cao nhất trong cả nước. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là cho đến lúc này, vấn đề công nhận là báu vật quốc gia cho một số sưu tập đàn đá cổ của Lâm Đồng vẫn chưa được thực hiện.
NHỮNG THANH “ĐÁ KÊU” VÔ GIÁ
Cùng với bộ đàn đá cổ xưa nhất của loài người – bộ đàn đá Nduliêng Krat (tên một ngôi làng ven sông Krông Knô trước đây thuộc đất Lâm Đồng, nay thuộc tỉnh Đắc Nông) – được GS người Pháp Georges Condominas phát hiện năm 1949, đến nay, nhiều bộ đàn đá khác cũng đã được tìm thấy và hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng.
Những bộ đàn đá được phát hiện trong vòng 30 năm qua ở Lâm Đồng là những bộ đàn đá có giá trị rất lớn |
Nếu không kể bộ Nduliêng Krat đang được trưng bày tại Bảo tàng Con Người ở Paris (Pháp) thì trong vài năm gần đây, trong các bộ sưu tập đàn đá cổ ở Lâm Đồng, đáng chú ý nhất là hai sưu tập đàn đá Hòa Nam gồm 30 thanh phát hiện năm 2003 và bộ đàn đá Liên Đầm được phát hiện vào năm 2008. Với bộ đàn đá Hòa Nam (địa danh thuộc huyện Di Linh), sau khi phát hiện, vì chủ nhân không biết đó là đàn đá nên bộ sưu tập này đã được chuyển xuống Vũng Tàu một ít, và phần còn lại thì được chuyển cho một người dân ở Bảo Lộc (Lâm Đồng). Năm 2008, họa sỹ Lương Nguyên Minh – cán bộ của Bảo tàng Lâm Đồng – hay tin về “số phận” không mấy sáng sủa của sưu tập đàn đá Hòa Nam nên đã bỏ ra không ít công sức để đi tìm lại nó và mang về cho Bảo tàng. Với sưu tập đàn đá Liên Đầm (cũng thuộc địa bàn huyện Di Linh) được phát hiện vào cuối năm 2008, theo Phó GĐ Bảo tàng Lâm Đồng Đoàn Bích Ngọ: “Tuy đã có một số thanh đàn đá đã được đưa lên khỏi mặt đất vào thời điểm vừa mới phát hiện, nhưng sưu tập đàn đá Liên Đầm là sưu tập đàn đá duy nhất ở Lâm Đồng còn giữ được tính nguyên vẹn của nó”. Đặc biệt, theo TS Bùi Chí Hoàng (Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ thuộc Viện Phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ) thì “Tập hợp các thanh đá Liên Đầm có nhiều đặc điểm chung cho thấy nó được chế tác trong cùng một thời điểm và có lẽ từ một nhóm nghệ nhân nhất định. Hiện tượng này ít xảy ra khi khảo sát các bộ đàn đá đã phát hiện trước đây (tại Lâm Đồng – bà Đoàn Bích Ngọ chú thích)”.
Với những phát hiện mới về “đá kêu” ở Lâm Đồng trong những năm gần đây và cùng với lịch sử đàn đá Tây Nguyên, đặc biệt là Nam Tây Nguyên, các nhà khoa học đã bước đầu làm hé lộ dần một nền văn hóa cự thạch (cuối thời kỳ đá mới) của cư dân bản địa Nam Tây Nguyên bởi những giá trị chân xác và khoa học của hiện vật. Đặc biệt, với riêng hai sưu tập đàn đá Sơn Điền và Liên Đầm, sau một thời gian nghiên cứu và thẩm định khoa học, các cơ quan chuyên môn và các nhà khoa học chuyên ngành của Việt Nam đã khẳng định đây là hai sưu tập đàn đá cổ có niên đại cách nay trên dưới 3.000 năm.
HÀNH TRÌNH TIẾN TỚI BÁU VẬT
Xưa nay, khi nhắc đến đàn đá cổ ở Lâm Đồng, người dân và kể cả các phương tiện thông tin đại chúng đều dành cụm từ thật trân trọng cho nó, như: “Đó là những bảo vật của người xưa lưu lại”, “Đố là những báu vật của quốc gia”… Điều này cho thấy, từ trong thẳm sâu của ý thức con người, xã hội đã nghiễm nhiên công nhận những bộ sưu tập đàn đá cổ của Nam Tây Nguyên là báu vật, hay bảo vật. Tuy nhiên, để những sưu tập đàn đá cổ này (hoặc một vài bộ trong các sưu tập đó) trở thành bảo vật quốc gia đúng nghĩa thì lại là chuyện khác và là chuyện mang tính “dài hơi”.
Câu hỏi được đặt ra: Các sưu tập đàn đá Lâm Đồng có hội đủ điều kiện để trở thành báu vật quốc gia? Theo quy định mới nhất của Bộ VHTTDL thì, các hiện vật được đề nghị công nhận bảo vật quốc gia là hiện vật nguyên bản, không phải là phiên bản ngày nay làm lại và là tiêu bản duy nhất thuộc một hay nhiều tiêu chí về hình dáng, kích thước, chất liệu, hoa văn trang trí, kỹ thuật chế tác, phương thức sử dụng, nội dung; là hiện vật có hình thức độc đáo, đặc biệt, khác lạ so với những tiêu bản khác; là hiện vật có giá trị đặc biệt liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước hoặc liên quan đến sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu; hoặc là các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng, nhân văn, giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại; hoặc là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu, có giá trị thực tiễn cao, có giá trị thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định; hoặc là mẫu vật tự nhiên chứng minh cho các giai đoạn hình thành và phát triển của lịch sử trái đất, lịch sử tự nhiên; là hiện vật được đăng ký theo quy định của pháp luật…
Có thể nói, bản thân những thanh “đá kêu” (lú goòng, theo tiếng người dân tộc thiểu số) dược phát hiện từ trước đến nay ở Lâm Đồng luôn không tách rời giá trị nguồn cội của lịch sử một vùng đất – vùng đất nằm ở phía tận cùng của dãy Trường Sơn. Những sưu tập đàn đá ấy của Lâm Đồng không những chỉ thể hiện rõ bản sắc văn hóa tộc người mà còn là minh chứng cho một giai đoạn bình minh lịch sử (niên đại trên dưới 3.000 năm) của các tộc người chủ nhân Nam Tây Nguyên. Dĩ nhiên, với các sưu tập “đá kêu” Nam Tây Nguyên, việc nghiên cứu vẫn đang còn tiếp tục thực hiện ở nhiều phương diện, nhiều lĩnh vực khác nhau như khảo cổ học, dân tộc học, xã hội học, âm nhạc học, địa chất học… nhưng có lẽ đã đến lúc cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt là ngành văn hóa, cần bắt tay ngay vào việc lập thủ tục để các sưu tập (hoặc một số) đàn đá cổ nói trên được chính thức công nhận là “bảo vật quốc gia”!