Cái chiều Huế chính thức đặt tên đường Trịnh Công Sơn cho con đường dọc sông Hương từ cầu Gia Hội đến bến đò chợ Dinh, nhiều người nhìn đồng hồ, lúc đó là 2 giờ 53 phút 53 giây của ngày 17/3/2011. Sướng quá, một người Huế xách máy ảnh lên ngay cầu chợ Dinh chớp cảnh nhìn về.
Cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. |
1. Cái chiều Huế chính thức đặt tên đường Trịnh Công Sơn cho con đường dọc sông Hương từ cầu Gia Hội đến bến đò chợ Dinh, nhiều người nhìn đồng hồ, lúc đó là 2 giờ 53 phút 53 giây của ngày 17/3/2011. Sướng quá, một người Huế xách máy ảnh lên ngay cầu chợ Dinh chớp cảnh nhìn về. Toàn cảnh con đường nhìn từ xa, có bóng dáng những ngôi nhà khuất phía sau những rặng tre, sau vài bóng dáng con đò đang nằm yên giấc ngủ chiều. Phía sau nữa là núi non, mây trời in bóng nước. Lại chạy xuống Cồn Hến nhìn sang, thêm một bức ảnh nữa, với “dãy nhà và con đường hoà mình vào dòng sông hiền hoà”. Lại trèo lên mái cao phố Chi Lăng chạy song song con đường, một bức ảnh có nhiều đường song song: vệt tre ngoài xa bên kia sông, dòng sông trắng bạc rẽ đôi bờ huyền ảo, đường xanh bờ cỏ bắt đầu rậm rịt men sông, sắc đỏ đoạn lề đường vừa mới lát, và những cái cây đầu tiên được trồng cho công viên tương lai đang đâm chồi. Đó là bức ảnh khá chuẩn về bố cục. Lại ngược lên nơi con đường bắt đầu: góc phố xưa Gia Hội. Những điệp khúc của màu rêu trên nền xám, như những bước đi minh triết trong nhạc Trịnh. Chưa dừng lại, anh tìm một đoạn hai bên cỏ cây bắt đầu chen lấn để nhìn thấy một “không gian huyễn hoặc”, “những thảm cỏ đẫm sương đêm”, và cả “thấp thoáng mái nhà cổ”... Tất cả rất đời thường, có cả nắng chiều và có cả đường xa ướt mưa rất chi là nhạc Trịnh.
2. Buổi chiều về đường Trịnh Công Sơn, gió xôn xao bời bời trong nắng, nhiều người vuốt tóc nâng ly: rửa con đường, rửa tên đường Trịnh! Người yêu nhạc Trịnh vui là phải, bởi chờ đợi sự kiện này cũng đã lâu, cơ hồ mười năm. Gió từ sông lên nhiều lắm, và nắng đang nhạt phai nơi men sông ngoài kia. Chợt nhớ hai câu thơ của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn mới được công bố:
“Ở đây phố xá hiền như cỏ
Có nỗi hồn nhiên giữa mặt người”
Con phố này quả là hiền. Gần như chỉ có cỏ non và màu thiền cuối chiều vọng xuống từ thinh không. Và hồn nhiên, âu cũng là hạnh phúc của những ai yêu thích nhạc Trịnh. Ít ra vào lúc này. Thì hãy vui đi chứ. “Hãy vui như mọi ngày, đừng cuồng điên mơ trăm năm sau”. Nâng ly và hát, rồi xuyên qua chiều tối, có thể khuya sẽ là “đêm thấy ta là thác đổ”, có sao đâu... Suy cho cùng, nhớ nét tài hoa của người cũng là tấm lòng, cũng là bản năng ứng xử văn hoá, dù chỉ “để gió cuốn đi”...
Và ai đó chợt bất giác so sánh, con đường này dài 600 m, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn cũng để lại cho đời khoảng 600 ca khúc. Mỗi mét đường ở đây ứng với một ca khúc, sự trùng hợp hay duyên thiền định?
3. Buổi tối, khi thành phố lên đèn, đường Trịnh Công Sơn vốn nhiều quán xá mọc lên từ trước khi có tên, giờ như đông người đến hơn. –“Để nghe mình hát nhạc Trịnh ngay trên phố Trịnh” – một thanh niên vừa chạy xe từ bên kia đèo Hải Vân ra Huế khoe. Đang có cuộc thi hát nhạc Trịnh Công Sơn do Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế tổ chức và đã có gần 300 thí sinh đăng ký. Người đoạt giải được cùng các ngôi sao ca nhạc trình diễn trong đêm nhạc kỷ niệm 10 năm ngày mất Trịnh Công Sơn tổ chức tại Cung An Định Huế đêm 30/3. Vừa nghe Huế có đêm nhạc Trịnh Công Sơn, anh em văn nghệ sỹ Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng và cả Hải Phòng đã điện: cho mình vô với, đứng coi cũng được... Nhưng bây giờ, dưới các bóng đèn nê ông, gần như bàn nước nào cũng có một vài người đang vỗ nhịp hát “Níu tay nghìn trùng”. Dưới sông, những con thuyền về nghỉ cũng sáng đèn. Đường mới mà vui, xao động cả một vùng sóng nước.
Huế đang xây dựng dọc theo con đường nơi đây một công viên mới, tương lai cả cung đường này sẽ là điểm nhấn văn hoá trong cảnh quang đô thị Huế. Nhiều ý tưởng mong muốn biến nơi đây thành “Không gian Trịnh”. Hình dung xem, khi chúng ta thảnh thơi dạo trên con đường này, chúng ta như đi vào cõi Trịnh, thẫm đẫm chất thiền mà nhạc Trịnh đã đem lại.
HẠ NGUYÊN