Đã hơn 40 năm trôi qua, túi bom Đồng Lộc đã có nhiều thay đổi. Không còn tiếng máy bay gầm rú, không còn những tiếng bom nổ inh tai nhưng vẫn còn đó những chứng tích thuở nào cùng biết bao liệt sĩ đã ngã xuống vì mảnh đất này.
Mười cô gái nơi Ngã ba Đồng Lộc đã đi vào huyền thoại. Họ mãi mãi là những thiếu nữ thanh xuân tràn đầy sức sống. Ở lứa tuổi đẹp nhất của thời con gái, họ tạm biệt miền quê để ra đi cứu nước. Trên tuyến đường lửa ác liệt, những mối tình thầm đã chớm nở. Dẫu chẳng nhìn rõ mặt chỉ quen nhau qua giọng nói, tiếng cười nhưng ấn tượng về người em gái chỉ đường cho xe qua trong đêm tối còn đọng lại mãi trong lòng bao chàng trai. Chiến trường rộng lớn, ác liệt, lời hẹn đợi nhau trở nên xa xôi vời vợi. Trong thâm tâm người con gái bất chợt vang lên câu hỏi: Có lẽ nào anh quên em/ Một cô gái chưa lần rõ mặt/Đại đội thanh niên đi lấp hố bom trong đêm hình như áo em trắng nhất…Có lẽ nào anh lại quên em/ Anh đã đi rất nhiều rất nhiều những công trình tình yêu mới mẻ/Đất rất hồng tươi và người rất trẻ/Chẳng thấy em thạch nhọn Thạch Kim/ Chẳng thấy em cô gái mở đường… Phổ trên nền thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật, nhạc sỹ Quốc Nam đã làm sống dậy một tình yêu son sắt dẫu chẳng nói thành lời qua ca khúc Lẽ nào quên em.
Chiến tranh rồi cũng qua đi, đất nước trở lại cảnh yên bình. Dòng sông La lại hiền hòa như chưa từng gặp lũ, bến sông kia tại tấp nập lại qua như chưa từng phải hứng chịu những làn bom, người ta trở lại tìm nhau sau bao ngày xa cách nhưng hình ảnh cô TNXP duyên dáng, can đảm ngày nào chỉ còn là ký ức. Thời gian dài đằng đẵng không thể xua đi nỗi nhớ miên man vậy mà chỉ một khoảnh khắc thôi đã cướp đi người em gái ấy. Từng con sóng sông La đang vỗ về cho nỗi đau dịu lại. Em vẫn vẹn nguyên là o thiếu nữ má thắm, môi hồng như những ngày xưa. Nhạc sỹ Trần Danh Viện đã thổn thức, ngậm ngùi với từng ca từ, nốt nhạc trong ca khúc Tôi vẫn tìm em cô gái sông La: Tôi vẫn tìm em suốt bao nhiêu năm xa cách vời vợi/Tôi vẫn tìm em cô gái sông La gợi nhớ gợi thương/Tôi lại về đây tượng đài cao Đồng Lộc/Cùng người bạn em tôi mãi mãi tuổi trăng tròn/Vẫn môi hồng tha thiết yêu thương/Vẫn tóc dài theo gió vấn vương...
Mười cô gái thuộc tiểu đội 4 ngày ấy mỗi người một hoàn cảnh, một tính cách khác nhau nhưng lúc nào họ cũng yêu thương, sẻ chia và động viên nhau bằng những lời ca tiếng hát. Gác lại những ước mơ tuổi trẻ, các chị đi thực hiện hoài bão không chỉ của riêng mình, đó là được sống và chiến đấu vì tổ quốc. Vậy nhưng chỉ một phút giây thôi những người đồng đội đã không thể tìm thấy ánh mắt, nụ cười, không thể nghe được tiếng hát trong veo của những o thiếu nữ. Quân thù đã vùi lấp biết bao khát khao, dự định của những tâm hồn tươi trẻ. Nhà thơ Yến Thanh đã thấu hiểu nỗi đau, sự mất mát của những người ở lại để cũng nhạc sỹ Võ Công Diên ngân lên khúc hát đầy tiếc nuối qua ca khúc Em ở nơi mô: Về với bọn anh tắm sông Ngàn Phố/Ăn bưởi Sơn Bằng cắt cỏ chăn trâu/Bài toán hôm qua em con chưa thuộc/Gối còn thêu dở cơm chiều chưa ăn…
Những cô gái Đồng Lộc dẫu vất vả đêm ngày với những hố bom cùng những chiếc xe từ muôn phương đổ về nhưng vẫn không nguôi nỗi nhớ thương quê mẹ. Có người nhớ đến nôn nao ngôi nhà nhỏ, cái bếp con con và mảnh sân trước thềm. Có người ước ao được một lần trở về để ngả đầu vào lòng mẹ, được mẹ rẽ tóc, chải ngôi. Có người thường kể cho đồng đội nghe về những đêm trăng thơ ấu được chìm vào cơn mơ trong lời ru của mẹ. Các chị đã lên đường để bảo vệ những ký ức ngọt ngào ấy và khi hi sinh lại trở về trong vòng tay đất mẹ yêu thương. Vẫn còn đó nỗi nhớ về đôi tay gầy, mái tóc bạc, vẫn còn đó lá thư viết vội chưa kịp gửi về, mẹ lại ru các chị trong giấc ngàn thu bằng lời ru quen thuộc. Chớp bắt được cảm xúc của nhà thơ Hồng Ánh bằng tất cả niềm trận trọng, yêu thương đối với 10 cô gái anh hùng nơi ngã ba này, nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu đã viết nên ca khúc Tình yêu của mẹ: Ngã ba Đồng Lộc mười cô gái/ Tình yêu của mẹ đã ra đi/À ơi, à ơi/Tưởng niệm ai kết tràng hoa trắng/Tỏa ngát hương thơm thơm ngát xuân thì…Trời trong xanh/Tượng đài chiến thắng/Thắm sắc màu dòng nước sông La/ Các cô nằm tròng bình yên đất mẹ/ Nhạc thông reo trong giấc ngủ vĩnh hằng…
Trở lại ngã ba những ngày hòa bình, vẫn còn nơi đây hình ảnh mười bông hoa trinh liệt dâng cả cuộc đời cho đất nước trọn niềm vui. Những người con gái ấy:
Sống đã vì đường mà sống
Thác đi lại nằm bên đường
Con đường bây giờ rộng lắm
Người xưa đã thành khói sương
Vậy nhưng nỗi nhớ của người ở lại vẫn dội về với từng hình ảnh của người ra đi, đó là giọng hò ví dặm, là ánh mắt, bờ vai và cả tiếng cười con gái trong veo như nắng sớm. Đồng Lộc có ngày hôm nay chính là nhờ biết bao máu xương thấm đất để vun trồng cho những cây xanh đất nước nở hoa độc lập, kết qua tự do. Sự hi sinh của những người con gái anh hùng ấy đã làm nên đài hoa bất tử. Giai điệu nhẹ nhàng, tươi trẻ cùng những lời ca giàu ý nghĩa trong tác phẩm Đồng Lộc đẹp mãi tên em do nhạc sỹ Dương Toàn Thiên sáng tác cũng chính là nén hương thơm muôn ngàn lần tưởng nhớ các chị, những thiếu nữ bất tử ở tuổi 20: Ai đến sông La nhớ về Đồng Lộc/Nơi có loài hoa bất tử ngát hương/Trinh nữ xinh tươi từ trong lửa đạn/Tâm hồn cô gái Việt Nam anh hùng…
Trần Xuân Quỳnh