Nhưng rồi người Pháp đã đem lại những đổi thay căn bản cho thành phố. Những con đường mới xuất hiện, những kiến trúc mới từ phương Tây mọc lên, biến Hà Nội trở nên một thành phố thuộc địa, mang dáng dấp tỉnh lẻ của nước Pháp.
Con đường đầu tiên vạch từ năm 1888 nối liền khu nhượng địa với thành Hà Nội, rồi từ đấy những con đường khác được kẻ theo ô bàn cờ đi qua vùng đầm lầy phía Nam trục đường đầu tiên. Đó là những đại lộ mang tên Pháp như Rollandes (Hai Bà Trưng), Carreau (Lý Thường Kiệt), Gambetta (Trần Hưng Đạo), giao thẳng góc với các đường Đồng Khánh (Hàng Bài), Gia Long (Bà Triệu), Jauréguiberry (Quang Trung)… Đấy là nơi mà người Việt gọi là phố Tây, đối lập với phố ta, khu buôn bán cổ của người bản xứ, mà đến năm 1889 vẫn còn quy tụ hai phần ba dân số người Việt trong thành phố. Nhưng rồi dần dần một số người Việt thuộc giới thượng lưu cũng xâm nhập vào khu vực cư trú của người Pháp.
Đường Bờ hồ (hồ Gươm) hồi đầu thế kỷ 20 |
Đầu thế kỷ 20, sau khi thành Hà Nội bị phá, khu đất phía Tây thành được chia ra để bán cho những người Pháp giàu có, khiến ở đây mọc thêm một khu phố Tây mới, gồm nhiều biệt thự với kiến trúc đa dạng, mang phong cách địa phương của các miền trên đất Pháp: kiến trúc Corse, Nice hay Marseille, mái ngói Bordeaux hay đá đen (slate roof) Angers, mái nhọn miền Bắc nước Pháp hay mái bằng kiểu Địa Trung Hải, biệt thự Alsace với half-timbered construction (nhà sườn gỗ), donjons (tháp) và lâu đài castels vùng Provence… Ngày nay những biệt thự đó đều nằm trong khu vực các sứ quán nước ngoài. Nhưng hầu hết các công trình công cộng đều sao chép mô hình kiến trúc thịnh hành của nền hành chính Pháp thời bấy giờ, gợi lại hình ảnh của hàng trăm nhà ga, nhà bưu điện hay tòa thị chính của nước cộng hòa ở chính quốc.
... và một lần biến đổi |
Chợ Đồng Xuân |
Chợ Bưởi |
(Trích từ lời giới thiệu của vựng tập Traces of the old days, NXB Phương Đông và Art Book, 9/2010).
(Đón xem tiếp trên số tới: Từ Catinat đến Đồng Khởi, cuộc dạo chơi về quá khứ…)
Đào Hùng (Nhà sử học)