Khai mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần III/2011: Hồn cà phê Việt

11:03, 13/03/2011

Tháng 3, mùa con ong đi lấy mật, hương nhụy ngọt ngào của núi rừng, và đặc biệt hương cà phê, hoa cà phê càng cuốn rũ hàng ngàn người từ năm châu bốn biển, từ mọi miền quê nước Việt về với xứ sở “Buôn Mê”. Đêm khai mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột diễn ra tối qua (12/3) – đêm tạ ơn cà phê, đêm của “hội tụ cảm xúc”.

(LĐ online) - Tháng 3, mùa con ong đi lấy mật, hương nhụy ngọt ngào của núi rừng, và đặc biệt hương cà phê, hoa cà phê càng cuốn rũ hàng ngàn người từ năm châu bốn biển, từ mọi miền quê nước Việt về với xứ sở “Buôn Mê”. Đêm khai mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột diễn ra tối qua (12/3)– đêm tạ ơn cà phê, đêm của “hội tụ cảm xúc”.

Đến dự có sự hiện diện của bà Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, các quốc gia và vùng lãnh thổ, các tỉnh, thành trong nước và hàng ngàn du khách, nhân dân tỉnh Đăk Lăk.

Chương trình nghệ thuật đặc sắc với hàng trăm diễn viên đến từ nhiều đoàn nghệ thuật của thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đăk Lăk và sinh viên, học sinh của các trường học. Đêm cảm tạ cà phê, đêm của “nữ thần cà phê” càng thiêng liêng và thẳm sâu bởi giữa xứ sở này còn trường tồn một dòng chảy văn hóa mẫu hệ. Và cà phê Tây Nguyên luôn lấp lánh hình ảnh người phụ nữ cần mẫn giữa mênh mang cao nguyên đầy nắng gió…

“Nẩy lên từ đất, vươn lên từ cành
Trời gieo hạt nắng, người gieo tình người
Em gieo tuổi đôi mươi vào đất bazan
Ta gieo hạt mồ hôi để tạo nên: Rubusta Đăk Lăk, Rubusta Việt Nam”
Rubusta, đấy là thương hiệu cà phê nổi tiếng, ngất ngây hương vị với mọi miền trên thế giới. 

Những lời ca ngân lên vang vọng, trầm hùng, những vũ điệu da nâu uyển chuyển và mềm mại, những hình thể mạnh mẽ … người ta cảm nhận được một cách đầy đủ từ một chương trình công phu, đặc sắc nhờ kỹ thuật hiện đại về ánh sáng, về âm thanh, đạo cụ, dàn dựng…

Năm 2010, cà phê cả nước có khoảng 538,5 nghìn ha; kim ngạch xuất khẩu gần 2 tỷ USD/năm, là mặt hàng có giá trị xuất khẩu đứng thứ hai trong nước, chỉ sau lúa gạo. Với sản lượng khoảng 1 triệu tấn/năm, cà phê Việt Nam xuất khẩu đứng thứ hai trên thế giới với sản phẩm đến 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đêm nghệ thuật là đêm của lễ hội đậm sắc văn hóa Tây Nguyên. Những thanh âm khi cao vút lúc trầm hùng, thánh thót hòa lẫn trong âm vang…của tổ hợp hàng chục nhạc cụ Tây Nguyên: đàn đá, chiêng, khèn bầu, đàn t’rưng, của trống cái, trống con, của cồng to cồng nhỏ, của chiêng mẹ, chiêng con… Thanh âm của lòng mẹ đại ngàn, ở đó là đá, nước, là đất, là nứa tre. Ở đó là buôn làng với những điệu khan, khúc dân ca; ở đó những biểu tượng của đời sống của cư dân hái lượm và lúa rẫy từ ngàn xưa…cùng quần tụ bên những nhà rông cao vút, nhà sàn dài miên man… Trước những cây nêu nối đất với trời, nối thế giới thực tại với quá khứ, nối hôm nay với mai sau, những lời nguyện cầu thành tâm được gửi đến các đấng thần linh. Hàng chục nghi thức tín ngưỡng đa thần giáo được cách điệu thể hiện trong lung linh ánh sáng, trong sương khói mênh mang. Đó là lễ chào hỏi, lễ mừng lúa mới, lễ lên rẫy, lễ săn voi, lễ cầu mưa, lễ cúng bến nước, lễ giữ ngọn lửa, lễ tạ ơn gió mưa…Trời và đất, con người và muôn loài tạo vật giao hòa trong hân hoan, hạnh phúc mà đôn hậu, nhân từ.

Không gian sân khấu càng được mở rộng khi những sơn nữ trong trang phục thổ cẩm đặc sắc những hoa văn, họa tiết của núi rừng Tây Nguyên dào xuống khu vực đại biểu mời những hạt “ngọc đen”-hạt cà phê. Vâng, “M’yơr cà phê”, bản ngữ đồng bào Ê Đê nghĩa là “mời (cho, tặng) cà phê”…Cả không gian cà phê được kích rộng đến vô cùng, không chỉ là vật lý cụ thể mà lung linh trong tâm thức mỗi người.

Màn khai mạc khép lại trong đại cảnh mênh mông trắng hoa cà phê. Vẫy gọi, chào mời và hứa hẹn những mùa bội thu. Lời tạ ơn trời đất, tạ ơn cà phê, cảm ơn mọi người từ năm châu bốn biển đã và đang và chung thủy quyện hòa với hương và vị của “cà phê Buôn Mê”, cà phê Việt Nam…Tháng ba Tây Nguyên, ngằn ngặt trắng và ngào ngạt hương của hoa cà phê. Tháng ba Tây Nguyên thương nhớ và mên yêu cà phê…
 
 
 
Minh Đạo