Hơn 20 năm rồi, nghĩ lại vẫn không nhịn được cười. Họa sĩ vi Quốc Hiệp mở cuộc triển lãm tranh. Nào là những biệt thự lấp ló giữa rừng thông, ẩn hiện trong mây và sương mù Đà Lạt. Nào là chân dung phái đẹp, người mẫu có, hoa hậu có, cô nào cũng như tiên sa, vừa phồn thực, vừa kiều diễm. Khách xem tranh khá đông nhưng chỉ bán được một bức duy nhất cho ông thương binh mù hai mắt.
Mười lăm năm trước, Nhà Văn hóa Thiếu nhi Lâm Đồng tổ chức thi văn thơ trong dịp hè. Tôi và nhà thơ Phạm Quốc Ca được mời vào Ban giám khảo. Tôi chấm văn xuôi. Có một em viết truyện ngắn "Bà ngoại" rất hay, tôi cho giải nhất. Ông thương binh mù mời tôi lại nhà chơi và bảo bài văn ấy chắp nhặt từ cuốn "Miền thơ ấu" của Vũ Thư Hiên đã được đưa vào Tủ sách vàng của Nhà Xuất bản Kim Đồng. Có lẽ vì sợ, khi trao giải "tác giả nhí" không dám đến nhận. Phần thơ do nhà thơ Phạm Quốc Ca chấm. Trao giải nhất cho một bé gái viết bài thơ "Làng em". Tác phẩm được giải đăng lên báo. Ông thương binh mù lại phát hiện ngay là của nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến hay Nguyễn Thị Hồng Ngát gì đó. Ban giám khảo vội viết thư xin lỗi tác giả. Họ cũng thông cảm, hàng ngàn bài dự thi gửi đến để đạt chỉ tiêu thi đua, các em chép ở sách báo ra ai mà đọc nhớ cho hết. Từ đó, Nhà Văn hóa Thiếu nhi cũng không mở các cuộc thi thơ văn nữa. Nếu còn, chắc phải mời ông thương binh mù vào Ban giám khảo.
Một lần khác, trên Tạp chí Langbian in liên tiếp hai lần bài thơ của hội viên Hồ Thụy Mỹ Hạnh. Người phát hiện vẫn lại là ông thương binh mù. Ông đọc sách báo bằng con mắt của các cháu nội ngoại trong nhà.
Người thương binh mù có con mắt tinh tường ấy là nhà thơ Trương Quỳnh, hội viên Hội VHNT Lâm Đồng, tên thật là Trương Thành Tích, mất ngày 15/3/2011.